Khu mỏ Hồng Gai – Cẩm Phả – Đông Triều – Uông Bí là khu công nghiệp lớn, có đội ngũ công nhân đông đảo, sớm tập trung của vùng Đông Bắc nước ta. Đây là một trong những nơi được “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội” đặc biệt chú ý.
Đồng chí Nguyễn Văn Lịch (tức Mẫn) là hội viên thanh niên đầu tiên theo giới thiệu của đồng chí Hạ Bá Cang, từ Hải Phòng tới Mạo Khê “vô sản hóa”. Đồng chí đã xin vào làm kho ở nhà máy cơ khí. Tại đây đồng chí vừa làm việc vừa tuyên truyền giác ngộ công nhân. Để mọi người dễ hiểu và thu hút hội viên ngày một đông hơn, đồng chí Nguyễn Văn Lịch đề nghị giải thể “Long thương đoàn”, Hội tương tế đổi thành “Hội ái hữu”. Tháng 3 năm 1929, đồng chí Nguyễn Văn Lịch cùng với một số đồng chí khác về “vô sản hóa” ở Mạo Khê thành lập một chi bộ thanh niên, nòng cốt là những thành viên tích cực của “Hội ái hữu” gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Lịch, Đinh Tiến Toán, Bùi Văn Mạo, Vũ Huy Sán (tức Thảo), đồng chí Khoáng và đồng chí Tước.
Cuối tháng 7-1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Ủy viên BCH Trung ương Đông Dương cộng sản Đảng trực tiếp phụ trách Hải Phòng đã cử đồng chí Đỗ Huy Liêm ra khu mỏ truyền đạt chủ trương của Đông Dương cộng sản là giải tán các tổ chức thanh niên, thành lập các chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng. Về đến Khu mỏ, đồng chí Đỗ Huy Liêm đã triệu tập Hội nghị cán bộ, hội viên thanh niên tại Cẩm Phả – Cửa Ông truyền đạt chủ trương đó.
Cuối năm 1929, Trần Văn Trí (tức Liên, tức Trí chuột) đã về Mạo Khê lập chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng, số Đảng viên gồm có: Trần Văn Trí, Ngô Đình Mẫn, Đinh Tiến Toán, Bùi Văn Mạo, Bùi Đức Giao, Trần Văn Tước, Nguyễn Huy Sán (tức Thảo) do Trần Văn Trí làm bí thư.
Cuối tháng 9-1929, đồng chí Nguyễn Văn Cừ (tức Phùng Ngọc Tường) với tư cách là phái viên của Trung ương Đông Dương cộng sản đảng tới Mạo Khê trực tiếp lao động và gây dựng cơ sở cách mạng. Mặc dù lao động nặng nhọc, lại bị bệnh sốt rét hoành hành, nhưng đồng chí “vẫn tranh thủ những giờ nghỉ để gần gũi tâm tình với anh em công nhân, chùa Non Đông là nơi đồng chí và anh em công nhân thường bí mật gặp gỡ bàn bạc công việc hàng ngày”.
Bằng nhiều hình thức hoạt động, gần gũi anh chị em công nhân để giác ngộ, vận động họ trên đường đấu tranh cách mạng, nhiều người đã gia nhập Hội, cuối năm 1929, số hội viên “Hội ái hữu”đã tăng lên hơn 100 người, trong đó có 15 hội viên là nữ.
Đặc biệt, ngày 7-11-1929, Chi bộ đã tổ chức kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga bằng các hoạt động như treo cờ đỏ, rải truyền đơn làm chấn động Khu mỏ, đánh dấu bước trưởng thành về chất của phong trào công nhân nơi đây. Các đồng chí Đặng Châu Tuệ, Vũ Thị Mai bị lộ sau sự kiện kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga ở Cẩm Phả đã về Mạo Khê hoạt động, cùng chi bộ Đông Dương cộng sản đảng Mạo Khê phát hành báo Than để thúc đẩy phong trào cách mạng của công nhân nơi đây.
Sau sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930) ít ngày, vào một ngày cuối tháng 2-1930, đã diễn ra Hội nghị thành lập chi bộ Đảng Cộng sản ở Mạo Khê, tại căn nhà nhỏ đơn sơ hẻo lánh, cạnh xóm thợ, phía nam của mỏ (nay thuộc xóm Dân Chủ – thị trấn Mạo Khê), đồng chí Phùng (tức Nguyễn Văn Cừ) phụ trách Khu mỏ, giới thiệu đồng chí Trọng (tức Nguyễn Đức Cảnh) thay mặt Đảng công nhận từng đồng chí vào Đảng. Chi bộ gồm có 5 đồng chí: Đặng Châu Tuệ, Vũ Thị Mai, Bùi Đức Giao, Nguyễn Huy Sán, Bùi Văn Mạo. Đồng chí Đặng Châu Tuệ được chỉ định làm bí thư chi bộ.
Trong Hội nghị này, chi bộ đã thảo luận và quyết định một số nhiệm vụ trước mắt: đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động quần chúng, gây cơ sở ở nơi yết hầu của địch, phát động phong trào đấu tranh mở rộng ảnh hưởng của Đảng. Như vậy, mặc dù trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, hội nghị thành lập chi bộ Đảng ở Mạo Khê được tổ chức đúng thủ tục và nguyên tắc của Đảng. Đây là chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Khu mỏ Quảng Ninh. Nó mở ra một bước ngoặt quan trọng cho phong trào công nhân tại Khu mỏ.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/chi-bo-cong-san-dau-tien-o-quang-ninh-9776.htm” button=”Theo vinacomin”]