Tỉnh Quảng Ninh được thành lập ngày 30/10/1963 trên cơ sở hợp nhất tỉnh Quảng Yên, Hải Ninh và đặc khu Hồng Gai, được Bác Hồ đặt tên là tỉnh Quảng Ninh. Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt trong những năm gần đây, Quảng Ninh đã có những bước phát triển vượt bậc, khẳng định là một đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Đường Nguyễn Văn Cừ – Tuyến đường kiểu mẫu tại TP Hạ Long (Ảnh Đỗ Phương)
Bứt phá tăng trưởng kinh tế
Với những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội, Quảng Ninh có nguồn tài nguyên khoáng sản, trữ lượng than chiếm tới 90% của cả nước; nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, cung cấp vật tư, nguyên liệu cho các ngành sản xuất trong nước và xuất khẩu, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, tăng trưởng GRDP của Quảng Ninh. Cùng với đó là di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long 2 lần được UNESCO tôn vinh. Các di tích văn hóa như Chùa Yên Tử, Đền Cửa Ông, Đình Trà Cổ, núi Bài Thơ…; các bãi biển nổi tiếng như Bãi Cháy, Trà Cổ, Cô Tô, Quan Lạn, Ngọc Vừng… thuận lợi cho phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh. Ngoài ra, hệ thống cảng biển, cảng nước sâu có năng lực bốc xếp cho tàu hàng vạn tấn…; Quảng Ninh còn có hệ thống cửa khẩu phân bố trên dọc tuyến biên giới, đặc biệt cửa khẩu quốc tế Móng Cái là nơi giao lưu thương mại, du lịch, dịch vụ, cửa ngõ giao dịch xuất nhập khẩu và thu hút các nhà đầu tư…
Năm 2010, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã đề ra 3 khâu đột phá chiến lược: Ưu tiên phát triển hạ tầng đồng bộ; Đẩy mạnh xây dựng thể chế, cải cách hành chính và Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Với những chính sách đổi mới trong cải cách hành chính (vận hành hiệu quả Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, liên kết đến cấp xã; thí điểm hợp nhất một số cơ quan Đảng, chính quyền có cùng chức năng, nhiệm vụ; nhất thể hóa chức danh bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch xã, phường; bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu…), cùng với những chính sách trong phát triển kinh tế – xã hội, xác định và tổ chức thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực dịch vụ, phát triển bền vững và chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; đẩy mạnh thu hút đầu tư, thực hiện hiệu quả mô hình “đầu tư công – quản trị tư”, “hợp tác công – tư”… Quảng Ninh đã có những bước phát triển vượt bậc, tăng trưởng kinh tế luôn giữ ở mức cao so với toàn quốc và khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Một góc thành phố Hạ Long hôm nay
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2016 tăng 10,1%; năm 2017 tăng 10,2%; 9 tháng năm 2018, tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh ước đạt 30.739 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ; tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước tăng 10,7%, cao nhất so với cùng kỳ 6 năm gần đây, dự kiến năm 2018 đạt mức tăng trưởng trên 11%; GRDP bình quân đầu người đạt 5.065USD/người/năm (gấp đôi bình quân cả nước). Thu ngân sách của Quảng Ninh cũng luôn nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Năm 2015, Quảng Ninh là tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ 3, năm 2016 đứng thứ 2 và năm 2017 vươn lên đứng thứ nhất/63 tỉnh, thành cả nước.
Làm việc với tỉnh Quảng Ninh ngày 01/9/2018 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế – xã hội của Quảng Ninh, là tỉnh đầu tiên và duy nhất trong cả nước tới thời điểm này thực hiện thành công mô hình hợp tác công – tư (PPP) trong xây dựng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cao tốc Hạ Long – Hải Phòng và cầu Bạch Đằng…, đã tạo đột phá mạnh mẽ, phát triển KT-XH của tỉnh nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nói chung…
Ngành Than với Quảng Ninh
Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam có trên 40 đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh than và công nghiệp phụ trợ tại Quảng Ninh với tổng số lao động trên 80.000 người. Là một ngành công nghiệp khai thác khoáng sản lớn trên địa bàn, hàng năm đóng góp phần lớn ngân sách cho tỉnh cũng như công tác an sinh xã hội. Trong những năm qua, TKV và các đơn vị tại Quảng Ninh đã phối hợp với các cấp ủy, chính quyền đạt nhiều kết quả tốt trong công tác quản lý nhà nước, quản lý bảo vệ tài nguyên than, công tác môi trường…
Năm 2017, TKV nộp ngân sách gần 14.000 tỷ đồng; trong đó tại Quảng Ninh đạt 11.973 tỷ đồng trên tổng số thu nội địa của tỉnh là 27.650 tỷ đồng (bằng 126% kế hoạch và tăng 1.000 tỷ so với 2016), góp phần quan trọng để tỉnh Quảng Ninh hoàn thành vượt mức tổng thu ngân sách nhà nước. Công tác an sinh xã hội trên địa bàn cũng được TKV và các đơn vị quan tâm, đặc biệt là các địa phương có đông CNLĐ đang làm việc trong TKV. Do vậy, đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương thực hiện tốt công tác xã hội, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn…
TKV hỗ trợ xây dựng Trường Tiểu học Tràng Lương – Đông Triều
Tập đoàn đã hỗ trợ xây dựng các công trình phúc lợi, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh với kinh phí hàng trăm tỷ đồng như xây dựng các trường học, làm đường dân sinh, hỗ trợ thiết bị y tế, giúp đỡ các xã nghèo, xây dựng nông thôn mới… Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, TKV đã hỗ trợ xây dựng Trường Tiểu học Nam Sơn – huyện Ba Chẽ, trường tiểu học Bình Liêu và trường tiểu học Ka Long – TP Móng Cái; hỗ trợ xây dựng Quảng trường Trung tâm 25/2 – TP Uông Bí; hỗ trợ 10 hộ nghèo tại nhiều địa phương sửa chữa xóa nhà dột nát… với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng.
Đồng thời, tại Quảng Ninh, TKV đã chú trọng thực hiện công tác môi trường, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Đã đầu tư các công trình môi trường như trạm xỷ lý nước thải mỏ, nhà máy xử lý chất thải công nghiệp nguy hại, các hệ thống băng tải than thay thế vận chuyển bằng ôtô và đường sắt; cải tạo phục hồi, trồng cây xanh tại các bãi thãi…, giảm thiểu tối đa tác động của sản xuất, vận chuyển, chế biến than đối với môi trường và khu vực dân cư.
Thực hiện chủ đề công tác năm 2018 của Quảng Ninh là “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên”, TKV đang tiếp tục triển khai đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành Than trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; tập trung vào các mục tiêu bảo vệ môi trường như trồng cây phủ xanh các khu vực bãi thải kết thúc đổ thải trong năm 2018; rà soát, nâng công suất các trạm xử lý nước thải; đầu tư lắp đặt tại Quảng Ninh 35 hệ thống quan trắc môi trường tự động nước thải, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 7/2018. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt việc thu gom, xử lý các loại chất thải, chống bụi…, quyết tâm đồng hành với tỉnh Quảng Ninh thực hiện cam kết sản xuất gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường.
Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định, ngành Than là ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và của cả nước. Tỉnh Quảng Ninh và ngành Than luôn có mối quan hệ mật thiết, gắn bó, luôn đồng hành, chia sẻ cùng mục tiêu xây dựng Quảng Ninh và TKV ngày càng phát triển bền vững…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/chao-mung-ky-niem-55-nam-thanh-lap-tinh-quang-ninh-30101963-30102018-quang-ninh-nhung-thanh-tuu-201811011354040742.htm” button=”Theo vinacomin”]