Là đơn vị nghiên cứu, tư vấn, chuyển giao công nghệ hàng đầu trong Tập đoàn, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ (viện KHCN Mỏ) đã có những bước đột phá trong đổi mới công nghệ, áp dụng vào sản xuất, góp phần vào sự phát triển chung của TKV và thực sự là chỗ dựa tin cậy của các doanh nghiệp ngành Mỏ.
Để khai thác hầm lò phát triển bền vững
Theo TS. Trần Tú Ba – Viện trưởng Viện KHCN Mỏ, cơ giới hóa khai thác hầm lò là chương trình quan trọng nhằm phát triển bền vững ngành Than.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu và áp dụng thành công các loại vì chống thủy lực (cột thủy lực đơn và xà khớp từ năm 1998, giá thủy lực di động từ năm 2001, giá khung thủy lực di động từ 2006, lò chợ cơ giới hóa khai thác bằng giá thủy lực di động kết hợp với máy khấu, công suất trên 200 ngàn tấn/năm năm 2002, lò chợ cơ giới hóa đồng bộ sử dụng máy khấu combai tại Khe Chàm với công suất khai thác 400.000 tấn/năm năm 2005, công nghệ cơ giới hóa khai thác vỉa dốc, mỏng bằng tổ hợp dàn chống 2ANSHA tại Hồng Thái, Mạo Khê…), trong thực tế sản xuất, Viện hiện đang tiếp tục nghiên cứu công tác triển khai áp dụng công nghệ cơ giới hóa khai thác trong các điều kiện chiều dày, góc dốc vỉa khác nhau tại các mỏ hầm lò như cơ giới hóa tại Quang Hanh, Khe Chàm, Vàng Danh, Uông Bí; nghiên cứu công nghệ khai thác vỉa dày trung bình dốc >450 tại Hồng Thái; nghiên cứu các giải pháp công nghệ chèn lò trong khai thác các vỉa than nằm dưới các công trình cần bảo vệ mặt đất; nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật công nghệ nhằm nâng cao tốc độ đào lò chuẩn bị như giải pháp khoan neo cáp trong đường lò than, neo dẻo trong đường lò đá, sử dụng hóa chất gia cường khối đá…
Trong công tác đào chống lò, nhiều giải pháp công nghệ cũng được triển khai áp dụng vào sản xuất như công nghệ chống lò bằng vì neo, neo chất dẻo cốt thép, bê tông phun, bê tông cốt liệu nhẹ, bê tông chế tạo từ vật liệu khác… nhằm giảm chi phí đào lò chuẩn bị và tăng tốc độ đào lò. Viện cũng đã phối hợp với các mỏ hầm lò nghiên cứu các loại kết cấu chống lò phù hợp với điều kiện kỹ thuật, địa chất mỏ đảm bảo hiệu quả về kỹ thuật và kinh tế; đề xuất các biện pháp xử lý qua điều kiện địa chất phức tạp như vùng địa chất mất ổn định, bùng nền, qua phay phá hay giải pháp nổ mìn hợp lý sử dụng kíp vi sai phi điện nhằm nâng cao hiệu quả nổ mìn giảm chi phí thuốc nổ, tăng tốc độ đào lò trong đá, trong than và khai thác than.
Trên cơ sở các kết quả của các đề tài nghiên cứu, Viện đã và đang triển khai tư vấn lập dự án và thiết kế nhiều công trình, dự án xây dựng mỏ mới, nâng công suất mỏ. “Đến nay, Viện đã có thể chủ động hoàn toàn trong việc lập dự án đầu tư, thiết kế thi công xây dựng các mỏ hầm lò khai thông bằng giếng đứng, cũng như các mỏ khai thác trong điều kiện phức tạp: dưới ao hồ, moong lộ thiên đã khai thác cũng như các mỏ khai thác hỗn hợp hầm lò lộ thiên”, TS. Trần Tú Ba khẳng định.
Các giải pháp cho khai thác lộ thiên
Viện đã và đang thực hiện nhiều công trình trong lĩnh vực công nghệ khai thác lộ thiên, trong đó điển hình như nghiên cứu công nghệ xuống sâu, nạo vét bùn ở các mỏ khai thác dưới mức thoát nước tự chảy cũng như giải pháp đào sâu đáy mỏ và khai thác chọn lọc cho các mỏ than, khoáng sản; nghiên cứu trình tự khai thác, đổ thải, thoát nước hợp lý cho các mỏ than lộ thiên. Các kết quả nghiên cứu đã giúp các mỏ giảm tỷ lệ tổn thất, góp phần vào khai thác tận thu tối đa tài nguyên than, khoáng sản, đảm bảo sản lượng theo kế hoạch và tạo điều kiện mở rộng quy mô khai thác và phát triển.
Song song đó, Viện cũng nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật và công nghệ khai thác lộ thiên theo hướng hiện đại hóa tại các mỏ than và khoáng sản như lựa chọn đồng bộ thiết bị khoan, xúc bốc, vận tải có công suất lớn phù với công suất các mỏ; công nghệ khai thác với góc nghiêng bờ công tác lớn và lựa chọn các thông số hệ thống khai thác phù hợp với đồng bộ thiết bị có công suất lớn, nhằm phát huy tối đa năng lực của các thiết bị qua đó làm tăng năng suất của tổ hợp đồng bộ thiết bị khai thác, góp phần giảm giá thành và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Hiện nay, Viện cũng đang triển khai nghiên cứu công nghệ khai thác hợp lý quặng thiếc sa khoáng vùng Quỳ Hợp, Nghệ An; Nghiên cứu công nghệ khai thác hợp lý quặng thiếc Titan trong tầng cát đỏ vùng Bình Thuận; nghiên cứu công nghệ phá vỡ đất đá hợp lý đối với các bờ trụ mỏ lộ thiên bị trượt lở, nhằm đảm bảo an toàn cho các công trình trên mặt.
Nâng cao giá trị hòn than, bảo vệ môi trường mỏ
Trong lĩnh vực công nghệ sàng tuyển, chế biến, sử dụng than và khoáng sản, Viện KHCN Mỏ đã triển khai thành công nhiều đề tài nghiên cứu, dự án SXTN các cấp, có thể kể đến một số công trình như: Nghiên cứu công nghệ tuyển thu hồi than từ bã sàng bãi thải, than chất lượng thấp các mỏ than vùng Quảng Ninh; nghiên cứu lựa chọn công nghệ tuyển than phù hợp để phát triển bền vững vùng than Quảng Ninh; nghiên cứu công nghệ tuyển tận thu các loại quặng sắt, thiếc, chì kẽm từ quặng đuôi hoặc từ bãi thải; Nghiên cứu đánh giá công nghệ nhà máy tuyển quặng bauxite Tân Rai Lâm Đồng… Với những kết quả nghiên cứu từ năm 2006 đến nay, Viện đã tư vấn thiết kế, đào tạo chuyển giao công nghệ, phối hợp với các công ty than Mạo Khê, Uông Bí, Nam Mẫu, Hà Lầm, Núi Béo, Quang Hanh, Đèo Nai, Cọc Sáu triển khai xây dựng các cụm sàng tuyển tại mỏ với các qui mô công suất 300.000-2.000.000 tấn than/năm. Cho đến nay đã triển khai 18 hệ thống sàng tuyển tại mỏ thu hồi than sạch từ các nguồn than xấu chất lượng thấp, don xô bã sàng và đã giúp cho các mỏ trên giải quyết được vấn đề tồn đọng than bã sàng, than xấu, ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm than sạch, tận thu tài nguyên. Ngoài ra, Viện cũng đã triển khai các công tác tư vấn đầu tư xây dựng nhà máy sàng tuyển than Lép Mỹ, Khe Thần; thiết kế, đào tạo, chuyển giao công nghệ theo hình thức thầu EPC như Nhà máy tuyển quặng bauxite Tân Rai Lâm Đồng và Nhà máy tuyển quặng bauxite Nhân Cơ. Trong đó Nhà máy tuyển quặng bauxite Tân Rai đã đưa vào hoạt động từ năm 2013, nhà máy tuyển quặng bauxite Nhân Cơ đã hoàn thành lắp đặt, đào tạo, vận hành thử không tải đảm bảo tiến độ hợp đồng. Viện cũng đã thực hiện tư vấn thiết kế công trình nhà máy tuyển quặng đồng Tả Phời và Nhà máy tuyển quặng đồng Sin Quyền mở rộng công suất 1,1-1,3 triệu tấn/năm. Hiện nay, các nhà máy tuyển quặng đồng trên đang được triển khai giai đoạn thi công xây dựng.
Viện đã và đang tiếp tục triển khai đề tài nghiên cứu lựa chọn chất keo tụ phù hợp cho các loại quặng bauxite Tân Rai và Nhân Cơ, nghiên cứu tiền khả thi khai thác tuyển quặng ti tan trong tầng cát đỏ vùng Bình Thuận. Sẽ tham gia triển khai tư vấn thiết kế, đào tạo chuyển giao công nghệ Nhà máy tuyển than Khe Chàm, tư vấn thiết kế hệ thống pha trộn than cho các nhà máy nhiệt điện. Triển khai đề tài nghiên cứu đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp kỹ thuật công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả hệ thống xử lý bùn nước nhà máy Tuyển than Cửa Ông. Tư vấn thiết kế chuyển giao công nghệ sấy than bùn cho các đơn vị sàng tuyển chế biến than của Tập đoàn. Tư vấn thiết kế xây dựng, áp dụng công nghệ tuyển nâng cao chất lượng than mỏ Khánh Hoà bằng công nghệ xoáy lốc huyền phù tự sinh.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/cau-noi-giua-khcn-va-doanh-nghiep-nganh-mo-201608011725045164.htm” button=”Theo vinacomin”]