Khó để có một câu trả lời đúng. Tuy nhiên, xét về góc độ đặc thù của ngành Than – Khoáng sản, nên chăng cần đưa ra một vài điểm mấu chốt để tập trung vào công tác chăm lo nguồn nhân lực có trọng điểm trong thời đại cạnh tranh nguồn nhân lực ngày càng gay gắt hiện nay.
Gặp nhau trong lò
Người lao động muốn gì? Phải chăng là một công việc có thu nhập cao trong điều kiện làm việc tốt; một sự hợp lý trong tổ chức cuộc sống cá nhân và gia đình? Đây có thể là câu trả lời của đại đa số giới trẻ và cũng là mong ước của gia đình họ. Nếu thực sự theo những mong muốn của người lao động như vậy hiện nay thì ngành Than – Khoáng sản chúng ta vừa có lợi thế nhưng cũng vừa có nhiều bất lợi. Lợi thế là hiện nay, ngành Than – Khoáng sản đã trả lương công nhân khá cao so với nhiều ngành nghề khác. Về điểm này chúng ta có thể đủ sức cạnh tranh với nhiều doanh nghiệp, ngay cả với các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Thu nhập của người thợ luôn tăng cao hàng năm. Nhiều trường hợp thu nhập của thợ lò đã vượt mức 300 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, xét về điều kiện làm việc thì chúng ta khá bất lợi vì đặc thù của ngành Than là làm việc trong điều kiện khác biệt hơn. Đây là điểm yếu cần tiếp tục được khắc phục thông qua việc áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Mặc dù trong những năm qua, ngành Than đã áp dụng nhiều giải pháp công nghệ cao, nhưng điều kiện khai thác lại ngày càng xuống sâu khiến cho điều kiện làm việc của người lao động vẫn còn nhiều khó khăn.
Đối với vấn đề về tổ chức cuộc sống cá nhân và gia đình cho người lao động chúng ta cũng có điểm mạnh và chưa mạnh. Điểm mạnh là chúng ta đã tổ chức chăm lo khá tốt cho người thợ từ ăn, ở đi lại. Về vấn đề này nhiều nghành nghề khác không thể cạnh tranh được. Nhưng điểm chưa mạnh lại ở chỗ, khi những người thợ trẻ đến tuổi xây dựng gia đình, họ dường như rất khó khăn trong những dự định về tổ chức cuộc sống sau hôn nhân. Đa phần thợ lò trẻ làm việc tại vùng Than Quảng Ninh chủ yếu đến từ các tỉnh khác. Nếu may mắn, lấy vợ có công ăn việc làm tại vùng Quảng Ninh sẽ tốt hơn. Nhưng đa số thợ lò lại thường về quê lấy vợ. Những người đưa vợ ra ở cùng thì khó tìm được một công việc ổn định, chưa nói đến việc họ cần có thời gian để lo được một chỗ ở ổn định, lâu dài. Những người để vợ ở quê thì đi đi, về về mất rất nhiều thời gian, sức khỏe và cả chi phí tốn kém… Do vậy, họ thường chỉ làm việc được vài năm là tính bài “chuồn”.
Thiết nghĩ, để tiếp tục đưa ra các giải pháp thu hút nguồn nhân lực thợ lò, cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Tuy nhiên, vấn đề chính phải là cải thiện tốt hơn nữa điều kiện làm việc của người lao động thông qua các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, giảm sức lao động cho công nhân, tạo môi trường làm việc tốt hơn. Song song với đó, có thể tạo những điều kiện thuận lợi cho các giai đình thợ lò trẻ tổ chức cuộc sống tốt hơn. Chẳng hạn như có cơ chế với chính quyền địa phương tạo ra các công ăn việc làm cho lao động nữ là vợ con công nhân, đồng thời cũng phối hợp với chính quyền địa phương nghiên cứu các quỹ đất tạo ra các khu dân cư mới để công nhân có điều kiện xây dựng nhà ở, hoặc xây dựng các chung cư thương mại bán trả góp cho các hộ gia đình công nhân… bởi hiện nay, chúng ta mới chỉ xây dựng chung cư tập thể cho các hộ độc thân…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/canh-tranh-nguon-nhan-luc-dau-la-mau-chot-201804061726473708.htm” button=”Theo vinacomin”]