Thực tế cho thấy, khi nhu cầu tiêu thụ than thuận lợi cũng là lúc áp lực gia tăng sản lượng khai thác tăng cao. Trong khi đó, hiện nay việc tuyển dụng nhân lực thợ lò ngày càng khó khăn. Xây dựng mỏ than ít người, hiện đại, lương cao đã trở thành nhiệm vụ cấp bách.
Toàn Tập đoàn sẽ giảm còn dưới 10 vạn lao động
Mỏ ít người không phải là khái niệm mới. Trên thực tế, Tập đoàn đã định hướng và triển khai thực hiện từ nhiều năm nay trong những đề án tái cơ cấu các doanh nghiệp. Chỉ trong vòng 5 năm gần đây, toàn Tập đoàn đã giảm gần 4 vạn lao động. Từ gần 14 vạn xuống còn trên 10 vạn lao động. Nhưng điều quan trọng là sản lượng khai thác cũng như các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh khác đều tăng trưởng cao. Theo đà của những thành công đó, ngày 17/7/2018, Đảng ủy Tập đoàn đã ra Nghị quyết số 35 – NQ/ĐU về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2018 – 2025, tầm nhìn 2030. Theo Nghị quyết, từ nay đến 2025, Tập đoàn sẽ phát triển nguồn nhân lực có số lượng, cơ cấu hợp lý, chất lượng phù hợp với nhu cầu sử dụng của Tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên trong bối cảnh tăng cường đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ và tự động hóa vào quá trình sản xuất, quản lý nhằm tăng năng suất lao động, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Cũng theo mục tiêu này, đến năm 2020, tổng số lao động trong toàn Tập đoàn sẽ giảm về dưới 10 vạn lao động. Do vậy, các đơn vị khối ngoài than sắp xếp lại lao động theo tiến độ và đúng hướng dẫn định biên lao động theo mô hình mẫu đã được Tập đoàn phê duyệt. Đối với các đơn vị trong khối sản xuất than, tập trung triển khai đề án tái cơ cấu đã được Tập đoàn phê duyệt theo hướng đẩy mạnh các giải pháp tinh giảm lao động, đồng thời thực hiện các giải pháp thu hút, tuyển dụng lao động kỹ thuật, đặc biệt là thợ lò để đáp ứng nhu cầu tăng sản lượng trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
Xây dựng các mỏ hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới
Những năm gần đây, Tập đoàn đã luôn chủ động trong việc huy động tài nguyên, triển khai các dự án đầu tư xây dựng các mỏ mới cũng như duy trì sản xuất, đồng thời đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, hiện đại hóa trong các dây chuyền sản xuất than nhằm không ngừng gia tăng sản lượng khai thác. Từ chỗ tổng sản lượng toàn ngành than chỉ khai thác chưa đầy chục triệu tấn, Tập đoàn đã nâng sản lượng lên đạt 20 triệu tấn (1994), trên 30 triệu tấn năm (2005) và trên 40 triệu tấn (2011). Đây là những con số đầy ấn tượng, đáp ứng cơ bản nhiên liệu đầu vào cho các ngành kinh tế trong nước và có xuất khẩu. Tuy nhiên, theo sơ đồ điện VII được Chính phủ phê duyệt, nhu cầu than cấp cho các nhà máy nhiệt điện trong tương lai tăng đột biến, dự kiến có thể lên đến 75 triệu tấn vào năm 2025, gấp đôi hiện nay. Việc nhập khẩu than là đương nhiên, nhưng đẩy mạnh gia tăng sản lượng khai thác than trong nước vẫn là nhiệm vụ cấp bách vì thời gian không còn nhiều.
Điều khiển hệ thống khai thác lò chợ CGH đồng bộ công suất 1,2 triệu tấn/năm tại Công ty CP than Hà Lầm (Ảnh Phạm Tăng)
Trước tình hình trên, lãnh đạo Tập đoàn đã xây dựng và triển khai chương trình hành động đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, tin học hóa, tự động hóa trong các dây chuyền sản xuất, xây dựng các mỏ than hiện đại. Nhiệm vụ đặt ra là rõ ràng, có lộ trình và đầy quyết tâm. Nhiều công trình, dự án đã được áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực như các dự án mỏ mới Khe Chàm III, Núi Béo, các dự án mở rộng sản xuất tại Than Thống Nhất, Quang Hanh, Hà Lầm, Nam Mẫu, Vàng Danh, Mạo Khê v.v. Các dây chuyền cơ giới hóa đã đưa sản lượng than khai thác bằng máy lên trên 20%. Tỷ lệ này sẽ tiếp tục được nâng cao. Nhiều tuyến băng tải đã thay thế phương thức vận tải cũ. Nhiều dây chuyền tự động hóa đã được áp dụng mang lại hiệu quả cao. Mỗi năm, Tập đoàn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng mở rộng sản xuất. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Tập đoàn đã đầu tư gần 3000 tỷ đồng cho các dự án mở rộng và duy trì sản xuất. Các mỏ than đều được đầu tư các trang thiết bị hiện đại trong tất cả các dây chuyền ngang tầm khu vực và trên thế giới.
Thu nhập Thợ lò 1.300 USD/tháng
Hiện nay, thu nhập của Thợ lò vẫn đang là ưu tiên hàng đầu. Mức thu nhập bình quân của Thợ lò khi đi làm đủ công và năng suất đạt từ 13-15 triệu đồng/người-tháng. Hàng trăm Thợ lò đã có mức thu nhập trên 20 triệu đồng/người-tháng. Đó là những Câu lạc bộ Thợ lò 300 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, Tập đoàn tiếp tục đặt mục tiêu tăng lương 5% mỗi năm, phù hợp với tốc độ tăng năng suất lao động và quá trình tái cơ cấu lực lượng lao động. Tập đoàn quyết tâm thực hiện phương châm “Doanh nghiệp ít người, thu nhập cao” và “Tiền lương bình quân của người lao động tăng nhưng chi phí tiền lương của doanh nghiệp giảm”. Phấn đấu tỷ trọng tiền lương trong giá thành đến năm 2020 giảm còn 16%, đến năm 2030 giảm còn 10%, nhưng tiền lương tuyệt đối chi cho người lao động sẽ tiếp tục tăng cao. Đặc biệt là mức thu nhập của lao động chính, Thợ lò đến năm 2020 sẽ phấn đấu đạt 1.300 USD/tháng.
“Mỏ càng ít người, càng hiện đại thì lương công nhân sẽ càng cao. Máy móc và các thiết bị cơ giới hóa, tự động hóa trong hầu hết các dây chuyền sản xuất như khai thác, vận tải, chế biến, sàng tuyển, cấp phát vật tư, nhiên liệu… sẽ dần được đầu tư thay thế sức lao động của con người, năng suất lao động sẽ tăng cao hơn. Khi đó, thu nhập của người lao động sẽ tăng cao…” – Lãnh đạo Tập đoàn chia sẻ. Lãnh đạo Tập đoàn cũng cho hay, đây là nhiệm vụ đã được định hướng triển khai từ nhiều năm nay và đã đạt được những kết quả ban đầu. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để đạt mục tiêu, các bước công việc còn nhiều. Trong đó, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu đặt ra là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Muốn xây dựng một mỏ ít người thì phải đầu tư các máy móc thiết bị hiện đại dần thay thế sức lao động của con người. Muốn hiện đại các mỏ thì cần phải có những kỹ sư giỏi, phải có những công nhân lành nghề. Điều đó cho thấy, nguồn nhân lực vẫn là yếu tố quyết định sự phát triển, đi lên giàu mạnh của Tập đoàn trong tương lai và sẽ được lãnh đạo Tập đoàn đặc biệt quan tâm.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/cang-it-nguoi-thu-nhap-cang-cao-201809070930231689.htm” button=”Theo vinacomin”]