Là người dân đất mỏ thì ai cũng biết những địa danh quen thuộc. Nhưng không phải ai cũng biết tại sao lại có những cái tên gọi gắn liền với công việc, nghề nghiệp cũng như đời sống của những người Thợ mỏ. Dưới đây là một số địa danh và lý giải dơn giản nhất để bạn đọc tham khảo.
Một góc thành phố mỏ Cẩm Phả ngày nay (Ảnh: Đỗ Phương)
Chợ Địa chất
Nghe tên đã có thể hiểu đó là địa danh gắn liền với những người thợ địa chất mỏ. Đúng như vậy, trước đây khu này còn có tên gọi là “Dốc Địa chất” vì các loại xe chở vật liệu, thiết bị và cung cấp các loại dung dịch đến các tổ khoan thăm dò của Liên đoàn địa chất 9 đều đi qua con đường này. Con đường gập ghềnh đá sỏi, vào mùa mưa thì trơn trượt. Sau này được giải phóng mặt bằng toàn bộ khu rừng thông và gạt phẳng ngọn đồi đất đỏ để xây dựng các công trình lớn của thị xã Cẩm Phả. Do thuở ban đầu của nó là ở gần Liên đoàn địa chất nên người dân quen gọi với cái tên “Chợ Địa chất”. Cho đến tận bây giờ dù thành phố đã đổi tên thành “Chợ trung tâm Cẩm Phả” nhưng cái tên cũ có lẽ vẫn mãi mãi in đậm trong ký ức của người dân Cẩm Phả khó có thể phai mờ. Cứ hỏi Chợ Địa chất thì ai cũng biết.
Rạp chiếu bóng công nhân Cẩm Phả
Đây là rạp chiếu bóng lớn trước đây, được xây dựng với mục tiêu ban đầu là phục vụ công nhân mỏ. Sau mở rộng nhiều hoạt động văn hóa khác, nhưng cái tên Rạp công nhân vẫn gắn liền với thợ mỏ cho đến tận bây giờ. Theo lời kể của những người trước đây tham gia xây dựng rạp được gọi là “Ban kiến thiết xây dựng cơ bản” cho biết: Rạp được xây dựng theo thiết kế của một kỹ sư giỏi nhất miền Bắc lúc bấy giờ tên là “Trung Thanh”. Khởi công vào năm 1960, đến năm 1962 cắt băng khánh thành đưa vào sử dụng. Đây là nơi được người dân rất nhiều thế hệ yêu mến, đón đợi đầy háo hức món ăn tinh thần qua các bộ phim chủ yếu do Liên Xô và các nước XHCN khác cung cấp như: “Đàn sếu bay qua; Sông Đông êm đềm; Bài ca người lính”… và phim của Việt Nam với các bộ phim kinh điển như: Chung một dòng sông, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu, Sao tháng Tám, Cánh đồng hoang, Ván bài lật ngửa… Rạp được nhận Huân chương Kháng chiến hạng Ba năm 1967.
Đèo Nai
Thợ mỏ có câu hát nổi tiếng: “…lên đỉnh Đèo Nai ngắm thành phố mỏ…” trong bài hát “Về với Cẩm Phả quê anh” của nhạc sỹ, nhà báo Ngô Tiến Cảnh. Đèo Nai ngày nay là một mỏ than lớn. Xa xưa Đèo Nai có tên là Núi Trọc, là đường đèo nối con đường tắt từ Cẩm Phả đi Dương Huy, Ba Chẽ. Nguyên mảnh đất này trước kia là một vùng rừng có nhiều gỗ lớn như: trầm, dẻ, trò, ngát lẫn với những vạt rừng tre, nứa bạt ngàn, hoang dã. Vào mùa xuân, măng tre và lộc cây mọc lên tươi tốt um tùm, nai rừng đến ở, sinh sôi rất nhiều. Chúng thường đi theo bầy đàn ra ăn cỏ vào những buổi sáng sớm khi trời còn chưa tan sương. Vào những năm 60 khi công nhân mỏ lên tầng vẫn bắt gặp những đàn nai ra ăn cỏ. Thi thoảng có con nai chạy lạc xuống dưới, mọi người đổ xô ra bắt… Người dân và công nhân mỏ thường hay qua đây thấy thế gọi nơi này là Đèo Nai. Đó là lịch sử về tên gọi của “Than Đèo Nai” ngày nay.
Dốc Ba tầng
Ngày xưa, nhà 3 tầng là những tòa nhà cao nhất Cẩm Phả. Vào những năm sau khi hòa bình được lập lại, thợ mỏ được xây dựng 6 lô nhà tập thể 3 tầng để phân phối cho những gia đình công nhân mỏ ở. Trong đó chủ yếu là của các đơn vị như: Đèo Nai, Vận Tải, Thống Nhất và Cơ khí Cẩm Phả được sắp xếp theo khu. Thị xã Cẩm Phả cũng bố trí ở đó một phần giành cho giáo viên.
Kiến trúc của những lô nhà này được phỏng theo mô hình giống như những căn hộ chung cư của Liên Xô thời bấy giờ. Kế bên những lô nhà này là con dốc thoai thoải, phía dưới là những vệ cỏ xanh mát, cùng với những dải rừng thông non. Ban ngày thì bình thường nhưng khi tối đến, từng tốp nam nữ đang yêu thường rủ nhau hẹn hò tới đây, họ vun lá thông khô thành nệm ngồi đàn hát, hóng mát, ngắm trăng, hưởng không khí trong lành. Nơi đây không biết tự khi nào trở thành điểm hẹn lãng mạn của nam thanh nữ tú và cái tên “Dốc ba tầng” cũng bắt nguồn từ đó.
Khu Lán Gianh
Là khu vực phía sau Rạp Công nhân đi lên phía núi. Trước đây toàn bộ khu này là một bãi xít đổ thải. Vào những năm 1936-1938, nhiều phu mỏ từ các miền quê đồng bằng Bắc Bộ ra làm việc. Để đảm bảo nơi ăn chốn ở cho lực lượng này người ta dựng thành từng khu nhà lán được lợp bằng gianh (kiểu nhà lợp tranh vách đất) cho phu mỏ ở. Do vậy cái tên “Lán gianh” cũng bắt nguồn từ đó. Đến khi khu mỏ được giải phóng (1955), khu vực này được đổi tên thành khu phố “Hòa Bình” và khu phố “Thống Nhất”.
Ngã tư tổng hợp hay Quảng trường 12/11
Giờ thì ngã tư tổng hợp còn có cái tên “Quảng trường 12/11”, gắn liền với truyền thống thợ mỏ. Trước đây, cái tên “Ngã tư Tổng hợp” xuất phát từ một thực tế là ngay nút giao thông này có một cửa hàng Bách hóa tổng hợp mọc lên (được xây dựng vào khoảng năm 1957 đến năm 1960), là thiên đường mơ ước trong tiềm thức bao người ngày ấy. Đây cũng là một trong hàng loạt những công trình tiêu biểu được xây dựng trong thời kỳ này ở Cẩm Phả như: Rạp chiếu bóng Công nhân, Khu nhà tập thể ba tầng… Sau khi thành lập Tổng công ty Than Việt Nam, lãnh đạo Tổng công ty đã cho xây dựng quảng trường 12/11 trên nền đất của nhà máy cơ khí Cẩm Phả cũ. Vì đây là địa danh lịch sử, nơi nổ ra cuộc đình công của hơn 3 vạn thợ mỏ vào ngày 12/11/1936, đòi chủ mỏ Pháp lúc bấy giờ phải tăng lương, giảm giờ làm, làm tiền đề cho những phong trào cách mạng giải phóng dân tộc sau đó…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/cam-pha-nhung-cai-ten-gan-lien-voi-giai-cap-cong-nhan-mo-201911111637012278.htm” button=”Theo vinacomin”]