Phong cách Hồ Chí Minh là phong cách đặc biệt, chứa đựng trong đó tất cả trí tuệ, tư tưởng, đạo đức, phong thái, lề lối làm việc. Phong cách đặc biệt này được hình thành từ chính sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, tạo nên những nét riêng biệt trong lối sống, cách ứng xử hết sức tinh tế và văn hóa, độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân nhưng lại rất gần gũi, rất đời thường, không cao siêu, không khó hiểu.
Báo Paris ra ngày 18/6/1946 đã viết về phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
“Chủ tịch nước Việt Nam là một người giản dị quá đỗi. Quanh năm Ông chỉ mặc một bộ quần áo kaki xoàng xĩnh và khi những người cộng tác bên cạnh để ý, nói với Ông rằng với địa vị Ông ngày nay, nhiều khi cần phải mặc cho được trang trọng, thì Ông chỉ mỉm cười trả lời: Chúng ta tưởng rằng chúng ta được quý trọng vì có áo đẹp mặc, trong khi bao nhiêu đồng bào không có đủ áo đang rét run trong thành phố và các vùng quê.
Sự ăn ở giản dị đến cực độ, như một nhà ẩn sĩ, đó là một đức tính rõ rệt nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một tuần lễ Ông nhịn ăn một bữa, là để nêu một tấm gương dè sẻn gạo cho đồng bào đặng làm giảm bớt nạn đói trong nước, hết thảy mọi người xung quanh đều bắt chước hành động đó của Ông.
Tính giản dị và thân mật của Ông còn biểu lộ ra trong những bài diễn văn. Không bao giờ Ông tỏ vẻ thông thái và vốn hiểu biết rất rộng của mình. Ông thông thạo nhiều thứ tiếng khác nhau nhưng Ông chỉ dùng những câu nôm na, khiến cho một người dù quê mùa, chất phác nghe cũng hiểu ngay được. Ngày Ông viết xã luận cho báo Cứu quốc, trước khi đem bài cho xưởng in, bao giờ Ông cũng đem đọc cho một số người không biết chữ, ông già, bà già cùng nghe. Nếu Ông thấy thính giả tỏ vẻ không hiểu những ý tưởng trong bài viết lập tức Ông viết lại ngay bài khác. Tất cả đức tính Hồ Chí Minh bao gồm cả những cử chỉ nhỏ bé đó.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất ghét lối nói khoa trương, văn vẻ. Mỗi bài diễn văn của Ông là một bài học nhỏ kết luận bằng một ý kiến đạo đức. Bởi những ý tưởng hết sức giản đơn ấy mà bài diễn văn của Ông có một tiếng vang lớn trong giới trí thức và dân chúng”.
Năm 1971, sau khi Bác Hồ đã mất, một nhà báo – nhà văn Mỹ Đây-vít-han đã viết:
“… Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kì lạ của thời đại này, hơi giống Găng-đi, hơi giống Lênin nhưng lại hoàn toàn Việt Nam. Có lẽ hơn bất kì một người nào khác của thế kỉ này, đối với dân tộc của Ông, và đối với cả Thế giới, Ông là hiện thân của một cuộc cách mạng. Thế nhưng đối với hầu hết nông dân Việt Nam, Ông là biểu tượng của cuộc sống, hy vọng, đấu tranh, hy sinh và thắng lợi của họ. Ông là một người Việt Nam lịch sự, khiêm tốn, nói năng hòa nhã, không màng địa vị, luôn luôn mặc quần áo đơn giản nhất, cách ăn mặc của Ông không khác những người nông dân nghèo nhất, một phong cách mà phương Tây đã chế giễu Ông trong nhiều năm, cười Ông thiếu nghi thức quyền lực, không có đồng phục, không theo thời trang. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, địa vị càng cao sang, ông càng giản dị và trong sạch. Hình như ông luôn luôn giữ được những giá trị vĩnh cửu của người Việt Nam. Ông Hồ không cố tìm kiếm cho mình những cái trang sức quyền lực, Ông không cần những pho tượng, những pho sách, những tấm ảnh để chứng tỏ điều đó cho mình và cho thiện hạ biết. Việc Ông từ chối sự sùng bái cá nhân là đặc biệt đáng chú ý trong cái xã hội còn kém phát triển. Tính giản dị ấy là một sức mạnh…”.
Không chỉ có người Pháp, người Mỹ nói về Bác, mà còn rất nhiều người trên thế giới xem Bác như một nhà văn hóa lớn, nhà đạo đức lớn, nhà cách mạng lớn, nhà chính trị lớn, một con người rất giản dị, một con người Việt Nam gần gũi với mọi người.
Cuộc đời Hồ Chí Minh là một biểu tượng trong sáng, cao đẹp về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng yêu nước, yêu nhân dân tha thiết, tác phong khiêm tốn, giản dị. Người để lại cho chúng ta một tấm gương sáng, vì nước, vì dân, vì Đảng; một trí tuệ anh minh, một tầm nhìn xa rộng, sâu sắc; một mẫu mực tuyệt vời về phong cách tư duy, phong cách diễn đạt, phong cách làm việc; phong cách ứng xử và phong cách sinh hoạt; sự nhất quán giữa tư tưởng và hành động, giữa nói và làm… Những đức tính ấy vẫn còn nguyên giá trị cho hôm nay và mai sau.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/cam-nhan-cua-nguoi-phap-nguoi-my-ve-phong-cach-ho-chi-minh-201910161602127187.htm” button=”Theo vinacomin”]