Gia đình tôi may mắn được sống gần ông bà nội. Tôi cũng là đứa cháu nội đầu tiên của dòng họ, được ở bên ông bà nhiều nhất. Cũng bởi thế mà từ bé đến lớn, những câu chuyện trong đời tôi đều có hình ảnh của bà. Thời trẻ, bà tôi cũng là một nữ công nhân nhà sàng của Xí nghiệp Bến Cửa Ông. Bà khỏe lắm. Khi mẹ sinh tôi, bà là người bế mẹ từ phòng đẻ sang phòng sau sinh. Tôi lớn lên trong tiếng ru của bà. Có một bài ru quen thuộc mà bà vẫn hay hát, bắt đầu bằng câu ca: “Nước sông nọ có nguồn mới chảy/ Hạt thóc kia có cấy mới lên”. Tôi lên ba, bà tự tay đan cho tôi chiếc áo len gile rất dày dặn và ấm áp. Rồi khi bố mẹ đi làm, lũ trẻ xóm bận bịu với những trò nghịch dại của riêng chúng, tôi lại chơi đá bóng, chơi đánh chuyền, đá cá ngựa với bà. Những khi tôi mắc lỗi, bị bố mẹ đánh mắng, bà cũng là người đầu tiên can bố mẹ tôi mà rằng: “Nó còn bé, có biết gì đâu. Sao lại đánh nó thế”. Và giờ đây, khi đã là một cô gái trưởng thành, bà vẫn là người nghe tôi tâm sự những chuyện học hành, yêu đương của cái tuổi ương ương dở dở.
Đã thành nếp sống, hàng năm, cứ vào độ hăm sáu, hăm bảy Tết, đại gia đình chúng tôi lại quây quần bên nhau để gói bánh chưng. Những bó lá dong đã được mua từ hôm trước, được lũ trẻ chúng tôi gột rửa sạch sẽ, xanh mướt, xếp thành từng tập gọn gàng. Ông tôi cũng tự tay chẻ sẵn lạt tre, chỉ chờ đem ra dùng . Các cô chú tôi hàng năm đều được Công ty tuyển than thưởng đôi yến gạo cả nếp cả tẻ nên mang cả vào nhà bà để dùng gói bánh và nấu cơm suốt kỳ nghỉ Tết. Trong buổi tối cuối năm, những nụ đào góc nhà đang trổ đóa, hương thơm nhè nhẹ của gạo nếp, đỗ xanh phả lẫn trong tiếng chuyện trò râm ran. Cô tôi gấp và cắt sẵn lá dong, bố và chú tôi là người gói bánh. Gạo nếp, đậu xanh và thịt lợn cũng đã sẵn sàng. Đặt khuôn bánh lên những lạt tre mỏng, bố tôi nhanh tay lớp lá dong bốn góc khuôn rồi đổ gạo, đỗ, thịt, đỗ, gạo rồi gấp mép lại, thắt lạt tre quanh chiếc bánh. Từng chiếc, từng chiếc bánh chưng xanh rì được buộc thành cặp, nhìn hệt như những hộp quà vuông vức, xinh xắn.
Gói xong đủ số lượng bánh chưng mà vẫn thừa nguyên liệu, bà tôi sẽ dùng tất cả chúng để gói cho chúng tôi những chiếc bánh gù bé bé. Bà rất biết cách để khơi gợi cái háo hức trong lòng tôi. Dù có cái rất ít hoặc không có thịt, bà vẫn gói. Bà bảo: “Bánh gù nó giống bánh chưng. Nhưng nó bé hơn nên chín nhanh. Mà bánh này ấy mà, ăn lúc nóng nó mới ngon”. Khi ông xếp tất cả những cặp bánh chưng vào chiếc nồi gang to, bà sẽ để bánh gù lên trên cùng. Củi đun được ông tích cóp trong cả năm trời, nay được đem ra đốt. Đêm hôm đó, đại gia đình đều thức canh nồi bánh chưng. Còn riêng tôi thì canh bánh gù.
Bánh chưng thì phải đến độ mười tiếng đun liên tục mới thành. Nhưng bánh gù thì nhanh hơn nhiều. Bà căn đúng giờ bánh chín, mở vung nồi vớt ra cho tôi. Ôi, cái hơi lá dong tỏa ra nghi ngút sao mà thơm đến thế! Và cũng không ai khác, tôi là đứa trẻ may mắn được thưởng thức chiếc bánh đầu tiên này. Phải nói rằng, tôi vốn không thích ăn bánh chưng. Nhưng với chiếc bánh mini xinh xẻo này lại khác. Bóc lớp lá dong nóng hổi, tôi trút bánh ra đĩa mời bà. Bà bảo: “Bé tí thế này bà không thích. Bà chờ bánh chưng to nó chín rồi ăn cho được nhiều”. Tôi tưởng thế thật, hồn nhiên chén tì tì.
Năm nay, Công ty tuyển than có lẽ vẫn phát gạo. Đại gia đình chúng tôi vẫn tổ chức gói bánh chưng cùng nhau như mọi năm. Nhưng năm nay, chẳng còn chiếc bánh gù của bà nữa. Bà không còn ngồi cạnh nồi bánh chưng, chờ bánh chín rồi lấy cho đứa cháu gái yêu nữa. Tết đang về rồi. Sao bồi hồi thấy nhớ chiếc bánh gù, nhớ câu hát ru: Nước sông nọ có nguồn mới chảy/ Hạt thóc kia có cấy mới lên…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/cai-banh-gui-cua-ba-201701231023189292.htm” button=”Theo vinacomin”]