Những ngày này 67 năm về trước, cùng với khí thế cách mạng của cả nước, đồng bào, chiến sỹ, nhân dân vùng mỏ Quảng Ninh đang sục sôi khí thế, vùng lên giành chính quyền về tay nhân dân. Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại vùng mỏ Quảng Ninh diễn ra rất độc đáo, có thể nói diễn ra trước khi có lệnh Tổng khởi nghĩa. Hãy cùng điểm lại những thời khắc lịch sử này.
Trên thực tế, vào đầu năm 1945, ở Đông Triều đã từng bước hình thành một căn cứ khá vững của ta. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng là “Với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương, cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”. Đêm 6/6/1945, Ban lãnh đạo khởi nghĩa địa phương, sau khi phân tích tình hình cụ thể đã quyết định phát động nhân dân khởi nghĩa với phương châm: “Tình thế lúc này đòi hỏi ta phải kịp thời hành động, nếu chậm trễ bọn phỉ sẽ đánh chiếm một số đồn bảo an, vũ khí sẽ rơi vào tay chúng, hoặc chúng làm cho quân Nhật tăng cường phòng thủ, điều động nhân mối trong binh lính người Việt đi nơi khác”. Cuộc khởi nghĩa nổ ra vào ngày 8/6/1945, lực lượng vũ trang cách mạng mà hầu hết là những đoàn viên, thanh niên hăng hái, dưới sự lãnh đạo của cán bộ, đảng viên của Đảng đã đồng loạt tấn công đánh chiếm các đồn Đông Triều, Mạo Khê, Tràng Bạch, Chí Linh… và thành lập Chiến khu Trần Hưng Đạo.
Ở Mạo Khê, sáng ngày 8/6/1945, hàng trăm công nhân vũ trang bằng cuốc chim, búa, dao… bất ngờ giương cao cờ đỏ sao vàng, xông vào bao vây nhà chủ mỏ, trại lính bảo an và chiếm kho vũ khí. Nghĩa quân làm chủ khu mỏ giữa tiếng hoan hô dậy đất trời của công nhân. Ngay sau đó, ta lập chính quyền cách mạng và kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất của mỏ. Chiều ngày 8/6/1945 một cuộc mít tinh lớn được tổ chức ở Hổ Lao, chính thức tuyên bố thành lập chiến khu Đông Triều (Đệ tứ chiến khu), lập Ủy ban quân sự cách mạng, lập đội vũ trang tuyên truyền…
Hongay trong phong thư thời Pháp thuộc
Trận đánh tỉnh lỵ Quảng Yên (cách Hải Phòng 20km) đêm 20/7/1945 là trận đánh lớn nhất của quân cách mạng chiến khu Đông Triều kể từ ngày thành lập. Nó cũng là trận đánh phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa lực lượng quân sự của chiến khu Đông Triều với lực lượng quần chúng cách mạng địa phương và giữa cán bộ Việt Minh Quảng Yên với bộ phận lãnh đạo chiến khu Đông Triều về việc triển khai lực lượng, mở rộng phạm vi hoạt động của nghĩa quân Đông Triều hỗ trợ cho phong trào quần chúng vùng Quảng Yên và lân cận.
Chỉ sau vài phát súng của quân khởi nghĩa, tên chỉ huy lực lượng bảo an binh Quảng Yên đã đầu hàng không điều kiện. Ta thu toàn bộ vũ khí, gồm trên 400 súng các loại và nhiều đồ dùng quân sự. Chiến thắng Quảng Yên đã có tiếng vang và ảnh hưởng khá rộng lớn. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh vũ trang của Đảng ta trước Tổng khởi nghĩa tháng Tám, quân cách mạng đã đánh chiếm một tỉnh lỵ ở vùng trung du (mặc dù địch có số quân đông) và phá bỏ bộ máy chính quyền bù nhìn cấp tỉnh. Đây cũng là lần đầu tiên nghĩa quân chiến khu Đông Triều sử dụng một lực lượng quân sự khá lớn, đánh chiếm một vị trí có ý nghĩa chiến lược quan trọng của địch, nhưng không phải chiến đấu gay go, đổ máu vì đã chuẩn bị chu đáo, có quần chúng nhân dân làm hậu thuẫn, làm tốt công tác binh vận, nhất là biết chọn thời cơ, tiến công bất ngờ. Đây cũng là cuộc khởi nghĩa từng phần kế tiếp các cuộc khởi nghĩa từng phần trước đây của du kích chiến khu Đông Triều, chuẩn bị điều kiện tiến lên Tổng khởi nghĩa.
Ngày 9/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật. Chỉ trong vòng một tuần lễ, quân đội Xô Viết anh hùng đã tiêu diệt hoàn toàn một triệu quân Quan Đông thiện chiến của Nhật. Quân đội Nhật ở Đông Dương mất tinh thần và chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim rệu rã từ trên xuống dưới. Thời cơ cách mạng nghìn năm có một đã đến. Trước tình hình khẩn cấp, tại Tân Trào (Tuyên Quang), Đảng ta đã triệu tập Hội nghị toàn quốc, quyết định phát động toàn dân Tổng khởi nghĩa. Tiếp đó Đại hội quốc dân đã thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, thông qua lệnh Tổng khởi nghĩa, bầu Uỷ ban Dân tộc giải phóng (tức Chính phủ Lâm thời) do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Từ Tân Trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Ở Quảng Ninh, lệnh Tổng khởi nghĩa và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh truyền đi nhanh chóng. Trừ Quảng Yên là nơi quân ta đã chiếm được tỉnh lỵ, tuy vẫn chưa thành lập chính quyền cách mạng, các địa phương khác trong vùng mỏ, anh chị em công nhân, nhất là thanh niên, nông dân, học sinh, thanh niên lao động… sôi sục khí thế cách mạng, nhiều người đã tự may cờ đỏ sao vàng, tự sắm vũ khí thô sơ, sẵn sàng vùng lên giành chính quyền. Ngày 16/8/1945, các lực lượng vũ trang từ đệ tứ Chiến khu Đông Triều tiến về giải phóng huyện Thuỷ Nguyên và từ đây toả đi các vùng: Hải Phòng, Quảng Yên, Cẩm Phả, Hòn Gai…
Khi nghe tin ngày 19/8/1945, nhân dân Hà Nội đã giành được chính quyền trọn vẹn, nhân dân và thanh niên Quảng Ninh hết sức phấn khởi. Ngày 24/8/1945, tại thị xã Quảng Yên, Uỷ ban nhân dân Cách mạng lâm thời của tỉnh đã ra mắt nhân dân. Lực lượng vũ trang cách mạng của tỉnh được tăng cường và được bổ sung thêm nhiều đoàn viên, thanh niên hăng hái, nhiệt tình cách mạng, sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ chính quyền non trẻ.
Đêm 25/8/1945, nhận được lệnh, một đơn vị vũ trang chiến khu Trần Hưng Đạo đã cấp tốc hành quân về Hòn Gai. Chiều 26/8/1945, ta tổ chức cuộc biểu dương lực lượng lớn và sau đó là cuộc mít tinh của hàng ngàn quần chúng cách mạng, tay giương cao cờ đỏ sao vàng, miệng hô to: “ủng hộ Việt Minh”, “ủng hộ cách mạng giải phóng dân tộc”… Bọn Việt cách ở các vị trí chúng đã chiếm trước đó lăm le nổ súng, nhưng trước khí thế của quần chúng, lại được sự hỗ trợ của lực lượng thanh niên vũ trang, nên phải chùn tay. Một số thanh niên trong hàng ngũ Việt cách trốn khỏi đơn vị mang theo vũ khí về với cách mạng, làm cho bọn chỉ huy rất hoang mang, tìm kế chạy về bản doanh bên kia biên giới hoặc chạy về Hải Phòng. Ở Cẩm Phả, ngày 22/8/1945, sau khi khởi nghĩa thành công (12/8/1945), thanh, thiếu niên mỏ đã hồ hởi đón Đại đội Nguyễn Trãi do Nguyễn Thiệu chỉ huy đang nhanh chóng cập bến tàu, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng vừa giành được.
Ngày 27/8/1945, ta tiếp tục lập chính quyền Cách mạng lâm thời ở Cẩm Phả, Cửa Ông và hầu hết các đảo ở Cẩm Phả (trừ 2 đảo Vạn Hoa và Cô Tô). Quá trình giành chính quyền ở Cẩm Phả và Cửa Ông diễn ra khá phức tạp và đầy khó khăn, phải kết hợp cả chính trị, vũ trang và phân hoá kẻ thù, vì phần lớn ở những nơi này có cả quân Tưởng, quân của bọn Việt cách, quân thổ phỉ và cả tàn quân thực dân Pháp đang tìm cách tranh giành ảnh hưởng.
67 mùa thu lịch sử đã qua đi, vùng mỏ Quảng Ninh đã trở mình, vươn vai đứng dậy, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn không ngừng nỗ lực cố gắng vươn lên, đoàn kết, hăng hái thi đua lao động sản xuất và chiến đấu, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng chung của cả nước. Người dân vùng mỏ tự hào về thành công Cách mạng tháng Tám năm 1945 trên quê hương. Chính từ sự độc đáo trong Cách mạng tháng Tám ở vùng mỏ, chúng ta tin tưởng rằng Quảng Ninh hôm nay luôn chủ động, sáng tạo, tiên phong trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/cach-mang-thang-tam-o-vung-mo-quang-ninh-2647.htm” button=”Theo vinacomin”]