Trong những ngày tháng 8 lịch sử, ở khắp mọi miền đất nước đều hoà chung một niềm vui hân hoan, tự hào với tinh thần thi đua sôi nổi. Nhìn lại 72 năm về trước, đó là khí thế cách mạng sục sôi, mạnh mẽ của đồng bào và chiến sĩ với quyết tâm giành lại chính quyền trong cả nước.
Lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên tung bay tại TX Quảng Yên sau ngày giải phóng 20-7-1945.
Vùng mỏ Quảng Ninh – địa phương tiến hành giành chính quyền sớm nhất trong cả nước, với nhiều điểm đấu tranh độc đáo, sáng tạo, đã góp phần vào thắng lợi của cả dân tộc trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945
Vào đầu năm 1945, ở Đông Triều đã từng bước hình thành một căn cứ khá vững của ta. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng là “Với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương, cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”. Cuộc khởi nghĩa nổ ra vào ngày 8-6-1945, lực lượng vũ trang cách mạng mà hầu hết là những thanh niên hăng hái, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đồng loạt tấn công đánh chiếm các đồn Đông Triều, Mạo Khê, Tràng Bạch, Chí Linh… giành được chính quyền về tay nhân dân. Chiều ngày 8-6-1945 một cuộc mít tinh lớn được tổ chức ở Hổ Lao, chính thức tuyên bố thành lập “Đệ tứ chiến khu” còn gọi là Chiến khu Trần Hưng Đạo – Chiến khu Đông Triều, lập Uỷ ban quân sự cách mạng, lập đội vũ trang tuyên truyền. Sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của Chiến khu Trần Hưng Đạo có vai trò đặc biệt quan trọng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Đây không chỉ đơn thuần là chiến khu quân sự, mà đã huy động được sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân, thu hút rất nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, tạo thế và lực mạnh mẽ để khởi nghĩa giành thắng lợi vang dội.
Đến giữa tháng 7-1945, thế và lực của ta phát triển thuận lợi, do đó Uỷ ban quân sự chiến khu quyết định tiến đánh tỉnh lỵ Quảng Yên. Theo kế hoạch, trận đánh tỉnh lỵ Quảng Yên định vào ngày 23-7-1945, một lực lượng quân sự tương đối mạnh của chiến khu Đông Triều được lệnh tập trung quân từ chiều 19-7-1945. Sáng 20-7-1945, trong khi đồng chí chỉ huy trận đánh và một số cán bộ đang đi kiểm tra tình hình chuẩn bị chiến trường thì nhận được tin cơ sở báo: Bọn Đại Việt ở Hải Phòng sang Quảng Yên thúc ép Tỉnh trưởng (có cảm tình với Việt Minh) giao chính quyền cho chúng, nhưng bị từ chối. Trước tình hình khẩn trương đó, ta phải hành động ngay để chặn đứng âm mưu của bọn Đại Việt thân Nhật. Giờ nổ súng được định vào đêm 20-7-1945. Trận đánh tỉnh lỵ Quảng Yên đêm 20-7-1945 là trận đánh lớn nhất của quân cách mạng Chiến khu Đông Triều kể từ ngày thành lập. Chiến thắng Quảng Yên đã có tiếng vang và ảnh hưởng khá rộng lớn. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh vũ trang của Đảng ta trước Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, quân cách mạng đã đánh chiếm một tỉnh lỵ ở vùng trung du và phá bỏ bộ máy chính quyền bù nhìn cấp tỉnh. Đây cũng là cuộc khởi nghĩa từng phần kế tiếp các cuộc khởi nghĩa từng phần trước đây của du kích chiến khu Đông Triều, chuẩn bị điều kiện tiến lên Tổng khởi nghĩa.
Ngày 19-8-1945, nhân dân Hà Nội giành được chính quyền trọn vẹn. Tin vui này đã thôi thúc nhân dân Quảng Ninh tiếp tục đứng lên. Ngày 24-8-1945, tại TX Quảng Yên, UBND Cách mạng lâm thời của tỉnh đã ra mắt nhân dân. Đêm 25-8-1945, nhận được lệnh, một đơn vị vũ trang chiến khu Trần Hưng Đạo đã cấp tốc hành quân về Hòn Gai. Chiều 26-8-1945, ta tổ chức cuộc biểu dương lực lượng lớn và sau đó là cuộc mít tinh của hàng ngàn quần chúng cách mạng, tay giương cao cờ đỏ sao vàng, miệng hô to: “Ủng hộ Việt Minh”, “ủng hộ cách mạng giải phóng dân tộc”…
Ở Cẩm Phả, ngày 27-8-1945, ta tiếp tục lập chính quyền Cách mạng lâm thời ở Cẩm Phả, Cửa Ông và hầu hết các đảo ở Cẩm Phả (trừ 2 đảo Vạn Hoa và Cô Tô). Quá trình giành chính quyền ở Cẩm Phả và Cửa Ông diễn ra khá phức tạp, đầy khó khăn, phải kết hợp cả chính trị, vũ trang và phân hoá kẻ thù, vì phần lớn ở những nơi này có cả quân Tưởng, quân của bọn Việt cách, quân thổ phỉ và cả tàn quân thực dân Pháp đang tìm cách tranh giành ảnh hưởng. Trong khi đó, tình hình tại khu vực biên giới Hải Ninh rất phức tạp, do vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp cử cán bộ đại diện cho Mặt trận Việt Minh đàm phán, đấu tranh bằng ngoại giao với Việt cách, Việt quốc. Đây cũng là nơi duy nhất trong cả nước sử dụng hình thức ngoại giao để giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám.
Thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không chỉ đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử, là niềm tự hào của cả dân tộc, mà những bài học ý nghĩa, sáng tạo từ cuộc cách mạng để lại vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước hôm nay. Tự hào truyền thống, nhân dân Vùng mỏ Quảng Ninh không ngừng nỗ lực, đoàn kết, đóng góp trí tuệ, công sức xây dựng quê hương, đất nước vững bước trên mỗi chặng đường phát triển mới.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tin-tuc/cach-mang-thang-tam-o-quang-ninh-nhung-diem-doc-dao-sang-tao-201708211515133461.htm” button=”Theo vinacomin”]