Có thể khẳng định kỹ thuật đổ thải và triển khai công tác bảo vệ bờ thải tại các mỏ lộ thiên của Vinacomin luôn có hệ số an toàn cao. Ngoài việc thiết kế bãi đổ thải đất đá bài bản, công tác trồng cây phủ xanh các bãi thải khi đã kết thúc đổ thải của Vinacomin được quan tâm thường xuyên. Giá trị san tầng, xây đập, làm rãnh thoát nước, trồng cây xanh… tại các khu vực này mỗi năm lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Về kỹ thuật tạo phân tầng, Vinacomin áp dụng biện pháp tạo phân tầng hiện nay chủ yếu được thực hiện theo giải pháp đổ cạp thêm đất đá thải vào các phân tầng theo thiết kế được duyệt. Tuỳ thuộc vào điều kiện địa hình cụ thể, các phân tầng được tạo ra cùng lúc, có thể tạo 2 – 3 phân tầng một lúc. Giải pháp kỹ thuật này đã được áp dụng trong cải tạo bãi thải Khe Rè (Cọc Sáu), Chính Bắc (Núi Béo). Việc tạo 3 phân tầng cùng lúc sẽ hạn chế được hiện tượng sụt lún gây nứt bề mặt tầng (bãi thải Chính Bắc – Núi Béo) ở tầng giữa khi thi công cải tạo ở tầng trên cùng.
Việc ổn định bãi thải được các đơn vị thực hiện nhiều bước công việc như: Tạo hình thể bãi thải, tạo mặt tầng và đê chắn mép tầng, kè chân bãi thải, chân tầng thải chống trôi trượt, tạo hệ thống thoát nước mặt tầng và sườn tầng… Theo tính toán cho thấy, độ ổn định của các bãi thải chỉ có thể được đảm bảo khi góc dốc sườn tầng thải lớn hơn 320. Trong khi đó, hầu hết các bãi thải Vinacomin đều đã đổ thải từ lâu nên góc dốc sườn tầng của các bãi thải vùng Quảng Ninh luôn trên 32o, đảm bảo an toàn.
Đối với mặt tầng và đê chắn mép tầng cũng vậy, mặt tầng của các bãi thải thường có chiều rộng từ 10 đến 20m. Với chiều rộng này, mặt tầng luôn đủ để phương tiện cơ giới có thể đi lại phục vụ cho việc kiểm tra, chăm sóc cây cối, vận chuyển phương tiện, vật tư phục vụ việc tu bổ mặt tầng và các công trình khác trên bãi thải khi cần. Đê chắn mép tầng đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi đi lại trên mặt tầng, ngăn nước mặt tầng không chảy tràn thẳng xuống sườn tầng để không gây xói lở sườn tầng. Sử dụng đất đá thải tạo đê chắn mép tầng. Kích thước đê chắn mép tầng thông thường có chiều rộng mặt đê tối thiểu 7 – 10m để có thể trồng 2- 3 hàng cây. Chiều cao thân đê từ 2 – 5m. Trong trường hợp sử dụng mặt tầng làm mương thoát nước trực tiếp, các đơn vị áp dụng giải pháp kè chân đê (xây tường đá hộc, kè đá hộc khan) để chống xói lở chân đê. Hầu như toàn bộ các bãi thải của các mỏ lộ thiên của Vinacomin đều xây dựng hệ thống thoát nước mặt tầng và sườn tầng.
Sơ đồ hình thể bãi thải
Mặt khác, yếu tố quan trọng không kém nữa là các bãi thải của Vinacomin khi dừng đổ thải đều được phủ xanh bằng các loại cây keo, một loại cây rất dễ sống trong điều kiện đất đá thải mỏ. Keo là loại rễ cọc, vừa phủ xanh đảm bảo môi trường và đồng thời có tác dụng giữ cho những sườn bãi thải được chắc chắn, khó xảy ra trượt lở. Vấn đề trồng cây trên bãi thải cũng được Vinacomin nghiên cứu kỹ trước khi quyết định trồng loại cây gì. Theo các chuyên gia thì, đối với các bãi thải đã tồn tại từ 1 – 5 năm cần xúc tiến nhanh quá trình ổn định bãi thải nên có thể chọn các loại cây có hệ rễ chùm lan rộng, ăn sâu để tạo sự liên kết đất đá thải, ổn định bề mặt bãi thải. Có thể sử dụng các loại cây sắn dây dại, bìm bìm, lau, le, chít trồng trên sườn dốc (bãi thải Nam Lộ Phong, Nam Đèo Nai). Phần chân bãi thải có thể trồng tre gai ken dày để hạn chế sự trôi đất đá (bãi thải LV.14 Hà Tu cũ). Đặc biệt, từ tháng 10 năm 2007, cỏ vetiver đã được thử nghiệm trồng tại bãi thải LV.46 – Hồng Thái, bãi thải Chính Bắc – Núi Béo, bước đầu đã cho thấy tính thích ứng của giống cỏ này với điều kiện khắc nghiệt của bãi thải và khả năng giữ ổn định sườn bãi thải, chống xói lở rất tốt. Đối với các bãi thải đã tồn tại từ 5 – 10 năm, các bãi thải này đã tương đối ổn định nên có thể trồng một số loại thân gỗ có khả năng chịu hạn và thích ứng với điều kiện khắc nghiệt của bãi thải như phi lao, keo lai, keo chịu hạn, keo đen, keo tai tượng, thông đuôi ngựa, thông nhựa…
Để đảm bảo lâu dài, Tập đoàn cũng đang xem xét, thiết kế tổng thể để đảm bảo cho khai thác các mỏ lộ thiên nhằm đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất, tận dụng tối đa được không gian bãi thải tạm, bãi thải trong hợp lý, hạn chế bãi thải ngoài, đồng bộ về tốc độ xuống sâu, có cung độ vận tải hợp lý nhất, hạn chế được việc tập trung vốn đầu tư lớn trong cùng một thời điểm… Và điều đặc biệt là đảm bảo an toàn, chống trượt lở…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/cac-bai-thai-dat-da-cua-vinacomin-co-he-so-an-toan-cao-1765.htm” button=”Theo vinacomin”]