Công ty CP than Núi Béo được biết đến là một đơn vị khai thác than lộ thiên lớn nhất của Vinacomin và đã lập được kỳ tích mang tính lịch sử của ngành thăm dò, khai thác than Việt Nam khi năm 2009 khai thác được 5,1 triệu tấn than nguyên khai. Dự án khai thác hầm lò mỏ Núi Béo với công suất thiết kế 2 triệu tấn than/năm là một bước ngoặt quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của Than Núi Béo khi chuyển từ khai thác lộ thiên sang hầm lò.
Công ty CP than Núi Béo là đơn vị khai thác lộ thiên với sản lượng cao nhất Tập đoàn. Với sản lượng cao như vậy, khai thác than lộ thiên của Núi Béo dự kiến sẽ chấm dứt sau năm 2017. Do vậy, để duy trì sản lượng và giải quyết việc làm trong những năm tới, việc triển khai Dự án khai thác hầm lò mỏ Núi Béo có tính đột phá khi Công ty than Núi Béo chuyển toàn bộ từ khai thác lộ thiên sang hầm lò và được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Tập đoàn. Đây là dự án hầm lò đầu tiên do Vinacomin tự thiết kế xây dựng và giao cho Núi Béo làm chủ đầu tư, là một trong những dự án trọng điểm có tổng mức đầu tư trên 5.300 tỷ đồng, công suất khai thác 2 triệu tấn than/năm, khai thông mở vỉa bằng cặp giếng đứng:
Giếng đứng chính từ mặt bằng mức +35 ÷ -351, chiều dài 386,6m; giếng đứng phụ từ mức +35 ÷ -381,6m, chiều dài 416,6m, cả hai giếng đều có đường kính sử dụng là 6000mm. Giếng đứng chính được trang bị thùng skip vận chuyển than, giếng đứng phụ được trang bị thùng cũi vận chuyển người, thiết bị, vật liệu… được khởi công đúng vào dịp kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2012).
Là dự án khai thác hầm lò có quy mô lớn, công nghệ thi công đào lò giếng đứng hiện đại nhất hiện nay của Ucraina đang được các nước trên thế giới áp dụng, thiết bị thi công bằng máy khoan chùm 4 cần, chiều sâu khoan của mỗi mũi 4,5m và hệ thống máy bốc đất đá, công nghệ đổ bêtông cốppha trượt. Khi đi vào khai thác áp dụng phương pháp thông gió hút với 1 trạm quạt gió chính đặt tại mặt bằng +35. Công tác thoát nước bằng phương pháp bơm cưỡng bức theo đường ống từ mức -350m lên mặt bằng sân công nghiệp +35 và được xử lý trước khi thải ra môi trường, tại các đường lò áp dụng phương pháp vận tải bằng băng tải, máng cào, máng trượt phù hợp với từng vị trí… Công nghệ khai thác hiện đại, từ các mức -140 và -350, xây dựng hệ thống sân ga, các đường lò xuyên vỉa, dọc vỉa gặp các vỉa than để chuẩn bị các lò chợ cho các tầng -50 đến 140m và -140 đến -350m. Dự án thiết kế gồm 6 lò chợ, trong đó áp dụng cơ giới hóa đồng bộ khấu than bằng máy Combai kết hợp với dàn chống tự hành tại 2 lò chợ, công suất từ 400 ngàn đến 600 ngàn tấn/năm; 2 lò chợ giá khung di động hạ trần thu hồi than nóc, công suất 250 ngàn tấn/năm và 2 lò chợ giá khung di động khai thác hết chiều dày vỉa công suất 200 ngàn tấn/năm.
An toàn, tiến độ, chất lượng
Trong những ngày tháng 9/2013, có mặt tại công trường, chúng tôi nhận thấy không khí thi đua lao động rất khẩn trương của công nhân, cán bộ đơn vị thi công, đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát và các chuyên gia Ucraina với mục tiêu hàng đầu là an toàn, tiến độ, chất lượng của dự án. Trong quá trình triển khai thực hiện, các đồng chí lãnh đạo Tập đoàn thường xuyên kiểm tra tiến độ, đôn đốc thực hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của chủ đầu tư và các nhà thầu. Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước cũng đã về thăm, động viên công nhân, cán bộ Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài đang thi công tại dự án.
Tổng giám đốc Lê Minh Chuẩn kiểm tra thiết bị thi công
Hiện nay, Công ty Xây dựng mỏ hầm lò 1 – Nhà thầu chính và Công ty TNHH Gomvina (Ucraina ) – Nhà thầu phụ đang thi công dự án, đã lắp đặt xong các thiết bị đồng bộ thi công dự án tại giếng chính, giếng phụ và các công trình phục vụ thi công khác. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quốc Tuấn – Phó Giám đốc Công ty, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Dự án cho biết số lượng công nhân, cán bộ thường xuyên có mặt tại công trường là 108 người Việt Nam và trên 51 chuyên gia, công nhân nước ngoài. Quá trình thi công gặp khó khăn do mưa nhiều, khối lượng công việc lớn vừa thi công, vừa đào tạo công nhân Việt Nam… nên tiến độ hiện nay của dự án tính đến hết tháng 9/2013 mới đạt 224,7m, trong đó giếng chính 114,7m; giếng phụ 110m. Theo tiến độ chung đến năm 2017 sẽ ra than, đóng góp vào sản lượng than của Tập đoàn, đến năm 2018 đạt 1,7 triệu tấn và đến năm 2019 đạt công suất thiết kế 2 triệu tấn/năm.
Cùng với những nỗ lực thực hiện, triển khai đảm bảo tiến độ của dự án, Núi Béo đã rất quan tâm, khẩn trương xây dựng phương án chuyển đổi sản xuất, chuẩn bị nguồn nhân lực với việc ký thỏa thuận hợp tác đào tạo với Trường Hồng Cẩm và Công ty than Hà Lầm đào tạo với số lượng 1.800 công nhân làm việc trực tiếp trong hầm lò và 410 cán bộ kỹ thuật, nghiệp vụ, điều hành sản xuất và công nhân các nghề khác khi dự án đi vào hoạt động. Năm 2013, Công ty đã tuyển sinh đào tạo được 116 học sinh, bằng 116% kế hoạch.
Việc triển khai thực hiện dự án khai thác hầm lò đầu tiên khai thông bằng giếng đứng do Vinacomin tự tổ chức, thiết kế và thi công mở ra bước phát triển mới trong sản xuất cho Than Núi Béo đồng thời nâng cao trình độ quản lý, tay nghề của đội ngũ cán bộ, công nhân đào lò trong việc thi công các dự án hầm lò giếng đứng, đáp ứng cho các dự án trọng điểm của Vinacomin trong thời gian tới.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/buoc-dot-pha-quan-trong-6560.htm” button=”Theo vinacomin”]