Năm nay, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu và nhiều nguyên nhân khác nên tiêu thụ than rất chậm. Kinh tế thị trường đã hình thành nên tư duy để từ người công nhân cũng hiểu được một điều rằng “đầu ra” quyết định tất cả. Bởi vậy ở Vùng Than cũng như trong toàn Tập đoàn, câu chuyện nóng nhất người ta nói với nhau bây giờ đều xoay quanh câu hỏi liệu những tháng cuối năm, bức tranh tiêu thụ có sáng màu?
Tại văn phòng Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả, tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Minh, Trưởng phòng Thương mại cho biết, những tháng qua, tình hình xuất khẩu than rất ảm đạm, đặc biệt là tháng 7. Cả tháng chỉ có 1 con tàu đến ăn than với tổng số được 300 ngàn tấn. Đây là tháng xuất khẩu thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Nhưng có lẽ tình hình cũng đã có những tín hiệu khả quan. Trong tháng 8/2012, tổng số hợp đồng xuất khẩu than đã được ký lại và ký thêm với khách hàng Trung Quốc và các nước khác trong toàn Tập đoàn đạt trên 3 triệu tấn than các loại. Trong đó, riêng phía Trung Quốc ký mua trên 2 triệu tấn than. Tuy nhiên, ông Minh cho biết, các hợp đồng này vẫn chưa được đặt cọc. Nhưng dù sao đây cũng là tín hiệu tốt cho công tác tiêu thụ trong những tháng cuối năm nay. Những tín hiệu lạc quan về tình hình tiêu thụ than đang làm cho hàng vạn thợ mỏ của ngành Than – Khoáng sản vui mừng và chờ đợi bức tranh tiêu thụ than sáng hơn. Ngoài ra, trong tháng 9/2012, Tập đoàn sẽ xuất khẩu khoảng 25 nghìn tấn than đi thị trường Nam Phi. Loại than được xuất khẩu sang thị trường này là loại than cục HG số 5 và than cục VD 6/22mm đạt các tiêu chuẩn quy định về chất lượng. Tập đoàn đã yêu cầu các đơn vị thành viên gồm: Công ty Tuyển than Cửa Ông, Công ty than Hòn Gai, Uông Bí, Nam Mẫu; Công ty cổ phần than Vàng Danh và Công ty Kho vận Đá Bạc chuẩn bị nguồn theo yêu cầu để đảm bảo thời gian giao than cho khách hàng.
Tiêu thụ trong nước tiếp tục gặp khó khăn
Theo ông Minh, tình hình tiêu thụ than trong nước vẫn đang gặp nhiều khó khăn . Nhiều khách hàng truyền thống như điện, đạm, xi măng, giấy… do tiêu thụ sản phẩm giảm nên sản lượng than mua của Tập đoàn cũng giảm đáng kể. Khó khăn nhất hiện nay là các doanh nghiệp xi măng. Do thị trường bất động sản, xây dựng vẫn đóng băng nên lượng xi măng tồn kho lớn. Nhiều doanh nghiệp mới đầu tư xây dựng nhà máy, có mức khấu hao lớn, lãi vay thương mại cao nên bị lỗ lớn. Đối với các hộ điện, theo Cục điều tiết điện lực, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, sản lượng điện đốt than có thể tiếp tục giảm trong những tháng tới. Nguyên nhân là do hiện nay, nhiều vùng có mưa lớn, lưu lượng nước tại nhiều dòng sông tăng hơn so với các năm trước. Cục điều tiết điện lực sẽ chỉ đạo tập trung phát điện hết công suất các nhà máy thủy điện và cắt giảm sản lượng điện đốt than của một số nhà máy nhiệt điện, kể cả các nhà máy nhiệt điện thuộc EVN. Như vậy, công tác tiêu thụ than trong nước của Vinacomin sẽ tiếp tục gặp khó khăn do sản lượng cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện giảm. Khó khăn lại chồng khó khăn. Cụ thể, trong một, hai tháng gần đây, một số nhà máy nhiệt điện của Vinacomin cũng đã phải giảm sản lượng phát điện đáng kể. Mặt khác, tiền bán than cho các nhà máy điện của EVN vừa phải bù lỗ lớn, vừa bị nợ khiến cho tài chính của Tập đoàn đã khó càng khó hơn.
Nhiều giải pháp đồng bộ khắc phục khó khăn
Trong điều kiện tiêu thụ than khó khăn, Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị kiên quyết không để công nhân mất việc làm, bằng mọi giá ổn định thu nhập và đời sống cho người lao động. Để thực hiện yêu cầu đó, Tập đoàn chấp nhận số lượng than tồn kho nhất định để đảm bảo việc làm cho thợ mỏ và chủ động lượng than khi nhu cầu tiêu thụ tăng.. Đối với thợ lò, Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị bằng mọi giá phải đảm bảo mức thu nhập theo kế hoạch và kiên quyết không trả lương thấp hơn năm 2011. Đối với lao động ngoài lò, Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị cân đối chi trả tiền lương theo khả năng tài chính của đơn vị và các văn bản hướng dẫn của Tập đoàn trước đó. Theo đó, riêng đối với khu vực phụ trợ và gián tiếp nếu không cân đối được khả năng tài chính, đơn vị có thể giảm 15% tiền lương so với năm 2011. Ngoài ra, Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị áp dụng các biện pháp quản trị chi phí phù hợp trong điều kiện đặc biệt khó khăn này, hạn chế các cuộc họp không trực tiếp phục vụ sản xuất, quy định cụ thể các mức chi tiêu tại cơ quan và xây dựng văn hóa chi tiêu tiết kiệm trong mọi hoạt động của doanh nghiệp… Ngoài ra, Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị tập trung chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm đặc biệt là tăng than cám tốt, kéo than ra các nhà máy tuyển tối đa để sàng tuyển ra các loại than tốt và rót than tại cảng chính nhằm giảm chi phí chuyển tải. Cụ thể từ 1/8/2012, đối với than cám 1HG, cám 2HG, cám 3a, b,c HG và cám 4 a,b HG giao cho Tập đoàn, các công ty than sẽ được thanh toán bổ sung 20 ngàn đồng/tấn ngoài giá mua bán đã ban hành. Riêng các đơn vị có kế hoạch giao than nguyên khai cho nhà máy tuyển phải hoàn thành kế hoạch điều hành giao than ra nhà máy tuyển mới được tính bổ sung…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/buc-tranh-tieu-thu-than-co-sang-mau-2622.htm” button=”Theo vinacomin”]