Thức ăn đựng trong các chậu nhựa, bày trên chiếc sạp dài – nơi là chỗ nằm, chỗ ăn, tiếp khách của thợ địa chất. Trong ngôi lều bạt phập phồng, trong tiếng máy khoan rền vang, chúng tôi được ăn bữa tất niên đạm bạc, được nghe thợ địa chất Tổ Khoan 2, Xí nghiệp Địa chất Trắc địa Đông Triều (Công ty Địa chất mỏ) nói về công việc và bày tỏ tâm tư…
Chúng tôi lên tháp khoan đúng vào ngày gió mùa đông bắc tăng cường. Tháp khoan đứng chơ vơ giữa bốn bề núi trọc nên gió hú ghê người. Cô phóng viên không chuẩn bị áo ấm, run lập cập, phải mượn cái áo của thợ khoác tạm. Trong gió rét căm căm, kíp thợ vẫn mong manh bộ bảo hộ, dồn sức để nối cần khoan, chuẩn bị cho mũi khoan tiến sâu thêm vào lòng đất.
Bắt tay nữ phóng viên, anh Nguyễn Trung Quất, tổ trưởng, nói vui: “Ôi trời, cả tháng nay mới chạm tới tay phụ nữ, người ấm hẳn lên”. Cô phóng viên chia sẻ: “Các anh làm việc vất vả quá”. Anh Quất hào hứng: “Đã ăn thua gì so với khoan ở Mạo Khê, hả chị! Chúng tôi vừa kết thúc lỗ khoan sâu tám trăm mét ở Mạo Khê. ở đó, điều kiện đi lại, ăn ở khó khăn hơn đây nhiều. Đường lên lỗ khoan hơn tám cây số, dốc ngợp mắt”. Rồi anh cho biết, lỗ khoan mà các anh đang thi công là một trong 6 lỗ khoan thăm phục vụ cho Dự án xây dựng mỏ Khe Chàm II – IV. Lỗ khoan có chiều sâu 800 mét, được khởi công từ ngày 11/11 năm 2011. Dự kiến, Dự án Khe Chàm II – IV sẽ khởi công vào ngày 19/5/2012 nên các anh quyết tâm phải kết thúc sớm lỗ khoan này để kịp thời phục vụ cho Dự án. Với tích chất quan trọng như vậy nên anh em làm liên tục ba ca. Tết này các anh vẫn làm việc bình thường. Anh Chiển, tổ trưởng công đoàn, mới cưới vợ, bố bị tai biến nằm một chỗ; anh Quyền, kíp trưởng, vợ mới sinh cháu nhỏ v.v vẫn ở lại. Toàn bộ anh em trong tổ đều đón giao thừa bên tháp khoan. Tôi thắc mắc:
– Sao các anh không bố trí cho anh em có hoàn cảnh khó khăn làm thêm giờ để họ nghỉ bù vào dịp Tết?
Anh Quất giải thích:
– Nghỉ bù thế nào được anh! Cả tổ chỉ có 11 người. Mỗi ngày, ngoài vận hành khoan, anh em trong tổ còn phải chế biến, sử dụng 9 tấn đất sét, khoảng 50 m3 nước cung cấp cho lỗ khoan, mệt lắm, làm 8 tiếng cần phải nghỉ ngơi, lấy đâu sức khỏe để làm thêm giờ, hả anh?
– Sao các anh không cắt cử vài người ở lại trông máy, ra Tết làm tiếp?
Anh Quất kêu lên:
– Chết chết! Ai lại khoan kiểu ấy! Khi đang khoan mà dừng, lỗ khoan bị sập, nguy hiểm lắm.
Thì ra, lâu nay có người nhầm tưởng, nghề khoan địa chất cứ cho máy khoan chạy rồi ngồi trực, nhàn nhã như là thợ vận hành máy bơm nước, trạm điện v.v. nhưng không phải vậy. Ví như thợ khoan ở đây, họ phải khoan qua 5 tầng lò cũ, qua một tầng bãi thải. Khi khoan qua địa tầng như vậy, thường gặp sự cố mất nước, bị kẹt cần, các anh phải xử lý rất vất vả. Thứ đất sét mà các anh chất tú ụ cạnh lỗ khoan là dùng để hòa trộn với hóa chất, tạo thành thứ dung dịch sền sệt, bơm xuống lỗ khoan khi bị mất nước.
Quan sát các anh xử lý mất nước mới thấy, nghề khoan cũng thật nặng nhọc. Tôi chưa tận mắt chứng kiến thợ địa chất xử lý lỗ khoan bị sập nhưng có thể hình dung được, công việc ấy còn phức tạp, nặng nhọc và tốn kém gấp bội. Bây giờ tôi mới biết, thợ khoan địa chất phải làm cật lực, làm liên tục, kể cả Tết, ngoài yêu cầu tiến độ, còn vì tính chất công việc của nghề khoan.
Tổ khoan có 11 người, chỉ có 3 người là thợ “cũ”, làm việc trên dưới 20 năm, trong đó anh Quất 7 năm là CSTĐ cấp Công ty, từng làm kíp trưởng tổ Anh hùng Lao động Vũ Xuân Quý, số còn lại là thợ trẻ.
Thấy khách đến, các anh thợ trẻ choàng dậy, mắt váng đỏ, dường như đi ca ba về ngủ chưa đẫy giấc. Rồi họ nhanh chóng xuống bếp, người thì lau bát đũa, người sắp thức ăn. Gian bếp quây bằng tôn, chật chội, trong đó lủng củng xoong nồi đen nhẻm, vêu vao. Bể nước lộ thiên quây bằng bạt, dưới đáy đọng lớp cặn đen sì. Trong lều, phương tiện phục vụ đời sống tinh thần là chiếc ti vi gắn đầu kỹ thuật số và cuốn Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam. Dường như đọc được sự ái ngại của chúng tôi, anh Chiển, tổ trưởng công đoàn cười, như chưa hề gặp gian khó:
– Địa chất mà anh. Nay đây mai đó, tạm bợ quen rồi. Chúng tôi chỉ mong lúc nào cũng có việc làm và thu nhập khá hơn, tương xứng với công sức của thợ khoan thôi anh ạ.
Câu nói của anh Chiển trở thành chủ đề chính trong bữa tất niên. Rằng, sau khi thực hiện cơ chế đấu thầu, thu nhập của họ so với trước thấp quá; giảm khoảng 20 %. Tháng vừa rồi, người cao nhất (tổ trưởng), bình quân 202 nghìn/ ngày công; thấp nhất bình quân hơn 84 nghìn/ ngày công; bình quân cả tổ khoảng 150 nghìn/ ngày công thấp hơn cả thợ phụ hồ, trong khi đó giá vật tư và giá thực phẩm tăng cao…
Nghe anh em nói về chuyện tiền lương, anh Quất gạt đi:
– Thôi, anh em, đây không phải là lúc nói chuyện đó.
Quay sang tôi, anh Quất nói:
– Anh biết không, nghề khoan địa chất gian khổ thế nhưng hai phần ba con em làng địa chất chúng tôi đều theo nghiệp bố mẹ. Ngay ở tổ này cũng có anh Bùi Thanh Hùng, bố mẹ là công nhân địa chất, đã nghỉ hưu đấy anh ạ. Nào, uống! Mời anh, mời anh em!
Cạn xong chén rượu, anh Quất trầm ngâm:
– Gì thì gì, Tết năm nay tôi cũng đặt in thiếp chúc Tết của tổ gửi tới gia đình anh em trong tổ, trong ấy có chút tiền mừng tuổi các cụ. Những năm trước, khấm khá, chúng tôi gửi thiếp kèm theo tiền mừng tuổi các cụ dăm trăm. Năm nay khó khăn, tiền mừng ít hơn. Quan trọng là tấm lòng, anh nhể? Nào, mời anh, mời anh em…
Gõ thêm tuần rượu, anh Quất tiếp:
– Gì thì gì, mai kia tôi cũng cho anh em đi chợ, mua mấy con gà, đặt bánh chưng, giò … cho anh em ăn Tết. Khó khăn mấy anh em vẫn cứ ăn Tết ở tháp khoan đàng hoàng, đầy đủ, vui vẻ, anh nhể?
Tôi gật gù, chợt phát hiện ra, ở vị trí trang trọng nhất của cái lán tạm bợ này là bàn thờ sơn son thiếp vàng. Anh Quất giải thích:
– Chúng tôi rước bàn thờ đi khắp nơi rồi đấy. Tết nào chúng tôi cũng bày mâm ngũ quả. Dù cuộc sống thợ địa chất tạm bợ, nay đây mai đó; dù nhiều lúc gặp gian khó, nhưng tấm lòng luôn được yên tĩnh, luôn được giữ thăng bằng; tinh thần luôn hướng thiện, anh nhể?
Các chén rượu lại gõ lanh canh. Ngoài kia, tiếng máy khoan vẫn rền vang. Thấp thoáng dưới dàn khoan, tốp thợ ca 2 đang nối cần khoan trong căm căm gió rét…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/bua-tat-nien-ben-thap-khoan-dia-chat-867.htm” button=”Theo vinacomin”]