Tròn nửa thế kỷ trước, giữa giai đoạn đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một đoàn quân hừng hực khí thế lên đường vào Nam chiến đấu sau một đợt tuyển quân quy mô lớn mở ra trong ngành Than Điện. Đó là Binh đoàn Than – Niềm tự hào của giai cấp công nhân mỏ, huyền thoại về chủ nghĩa anh hùng cách mạng giữa thế kỷ XX.
Trân trọng những giá trị về lịch sử và nhuệ khí hào hùng của Binh đoàn Than năm ấy, các thế hệ lãnh đạo và thợ mỏ đã và đang kế thừa và phát huy truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”, đưa ngành Than vững bước trong tiến trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa lịch sử, chính trị cũng như sự nỗ lực của Tập đoàn trong việc gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp này, phóng viên Tạp chí đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Nguyễn Ngọc Cơ (Đ/c N.N.C) – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV), Giám đốc Trung tâm điều hành sản xuất tại Quảng Ninh nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Binh đoàn Than ra trận (30/7/1967 – 30/7/2017).
P.V: Thưa đồng chí, vào giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước cách đây 50 năm, trong bối cảnh cả nước đang hướng về miền Nam ruột thịt, đồng chí đánh giá như thế nào về ý nghĩa sự xuất hiện của Binh đoàn Than – Một lực lượng chi viện gồm đông đảo các công nhân là thợ mỏ ngành Than?
Đ/c N.N.C:
Có thể nói rằng, sự kiện Binh đoàn Than ra đời ngày 30/7/1967 là một sự kiện mang tính lịch sử của ngành Than và tỉnh Quảng Ninh. Trước nhiệm vụ chuẩn bị lực lượng chi viện cho miền Nam và chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chỉ trong vòng bốn ngày, tỉnh Quảng Ninh và ngành Than đã huy động được gần hai ngàn người, đủ quân số cho ba tiểu đoàn. Tự hào thay, quân số chủ yếu lại là các cán bộ công nhân ngành Than Điện, số còn lại là cán bộ công nhân một số cơ quan, đơn vị và con em nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Mặc dù trước đó, Hồ Chủ tịch đã nói “Sản xuất than như quân đội đánh giặc”, thợ mỏ được miễn tham gia chiến trường, nhưng việc thợ mỏ ngành Than tình nguyện làm đơn tòng quân tham gia kháng chiến đã minh chứng sống động cho truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của người thợ mỏ, kế thừa xứng đáng hào khí từ cuộc Tổng bãi công năm 1936. Với khí thế hừng hực ấy, việc ngành Than và tỉnh Quảng Ninh tặng danh hiệu “Binh đoàn Than” cho lực lượng này như một ngọn đuốc thổi bùng lên ý chí quyết tâm của những người lính trẻ tuổi. Dù không phải là một phiên hiệu quân đội nhưng cái tên Binh đoàn Than đã thôi thúc tinh thần chiến đấu vì Tổ quốc, cũng từ đó, nhiều chiến sỹ của Binh đoàn đã anh dũng chiến đấu, lập nên nhiều chiến công lẫy lừng. Binh đoàn Than thật sự đã trở thành một huyền thoại về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giữa thế kỷ XX.
P.V: Khi chiến tranh kết thúc, đa số những người lính của Binh đoàn Than đã trở về với đất mỏ như lời thề ngày xuất quân. Phải chăng điều đó đã thể hiện sự gắn bó máu thịt của những người thợ mỏ với nghề, cũng là một dẫn chứng sống cho lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Làm than cũng như quân đội đánh giặc”?
Đ/c N.N.C: Đó là điều mà chúng tôi rất trân trọng ở các chiến sỹ Binh đoàn Than. Chiến tranh không may đã khiến hàng trăm người ngã xuống nơi chiến trường ác liệt, người trở về cũng thành thương, bệnh binh. Chính sự mất mát và cống hiến ấy ở họ đã góp phần cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Không chỉ lập nhiều chiến công, được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý như Dũng sỹ diệt mỹ, Huân chương Chiến sỹ Giải phóng, Dũng sỹ diệt xe cơ giới…, khi trở về từ chiến tranh, họ quay trở lại nhà máy, xí nghiệp, với tay búa, tay máy, những người lính quả cảm của Binh đoàn Than tiếp tục tham gia đảm nhận nhiều trọng trách trong các công ty, cơ quan, đoàn thể… Họ không chỉ phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ mà còn kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của người thợ mỏ, cùng ngành Than đương đầu và vượt qua những khó khăn, tiếp tục làm giàu đẹp cho quê hương. Thậm chí, những thành viên trong gia đình họ như các con, các cháu hiện vẫn đang học tập và công tác trong ngành Than. Quả là một điều đáng tự hào!
P.V: Được biết, Tập đoàn vừa qua đã tổ chức thành công chuyến đi về thăm lại chiến trường xưa cho 45 đồng chí thương binh, cựu chiến binh của Binh đoàn Than, để lại trong họ những cảm xúc và ấn tượng khó quên. Phải chăng, đây là một trong những hành động thiết thực thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Tập đoàn trong việc tri ân những người lính Binh đoàn Than?
Đ/c N.N.C: Đúng vậy! Vừa qua Tập đoàn đã tổ chức đưa các cựu chiến binh Binh đoàn Than trở về chiến trường xưa, thăm Ngã ba Đồng Lộc, mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều địa danh như thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang Trường Sơn, sân bay Tà Cơn, Làng Vây… Bên cạnh việc tổ chức các chuyến hành hương về thăm lại chiến trường xưa, chúng tôi còn phối hợp tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, thường xuyên động viên các gia đình thương binh, bệnh binh cả về vật chất lẫn tinh thần, đồng thời hỗ trợ các gia đình liệt sỹ khó khăn. Xuất phát từ ý nghĩa lịch sử, chính trị vô giá của Binh đoàn Than, chúng tôi đã phối hợp với Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Quảng Ninh tổ chức sưu tầm, giới thiệu về đơn vị đặc biệt mang tên “Binh đoàn Than”, phối hợp với tỉnh Quảng Ninh trong việc xác định địa điểm xuất quân của Binh đoàn Than và đặt bia kỷ niệm, phục vụ công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau. Ngay tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức một buổi lễ gặp mặt, ôn lại chặng đường oai hùng đã qua dành cho các thương binh, cựu chiến binh nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Binh đoàn Than ra trận (30/7/1967 – 30/7/2017) và 70 năm ngày Thương binh, liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017).
P.V: Lịch sử ngành Than đã ghi nhận nhiều mốc son chói lọi kể từ Cuộc Tổng bãi công của thợ mỏ năm 1936. Những người lính Binh đoàn Than đã tiếp lửa cha anh, viết nên một trang sử oai hùng. Đồng chí suy nghĩ gì về nhận định:“Truyền thống tốt đẹp “Kỷ luật và Đồng tâm” đã, đang và sẽ là hành trang trong hành trình xuyên suốt của những người thợ mỏ trong thời đại mới”?
Đ/c N.N.C: Với những thành quả đầy tự hào mà các bậc tiền bối đã gây dựng và để lại, tôi cho rằng chúng ta cần có trách nhiệm lưu giữ và truyền bá những bài học lịch sử này để giáo dục tới thế hệ trẻ, đặc biệt là những lớp thợ mỏ kế cận. Tôi tin tưởng rằng, bề dày truyền thống ngành Than đã xây dựng suốt nhiều năm qua, trong đó có những chiến công vang dội của những người lính Binh đoàn Than như một bức tượng đài thép của tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”, đó sẽ là điểm tựa vững chắc, là nguồn cổ vũ, khích lệ to lớn cho chúng tôi – Những người thợ mỏ hôm nay, tiếp nối nhuệ khí hào hùng của Binh đoàn Than năm xưa để thêm vững vàng trước những khó khăn, thách thức, sát cánh bên nhau đưa ngành Than ngày một phát triển hơn nữa.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
[odex-source url=”http://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/binh-doan-than-tuong-dai-thep-cua-tinh-than-ky-luat-va-dong-tam-201707271410263294.htm” button=”Theo vinacomin”]