Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật bình đẳng giới; 10 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị và Kỷ niệm Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, có nhiều ý kiến tham luận xoay quanh câu hỏi giải pháp nào để thực sự “Vì sự tiến bộ phụ nữ của Tập đoàn”?
Tham luận của đồng chí Trần Ngọc Dũng – Phó TGĐ, Trưởng Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ Tổng Công ty CN Hóa chất mỏ (TCT) – nhận được nhiều quan tâm. Tạp chí TKV trích đăng một phần tham luận này (Đầu đề do Tòa soạn đặt).
Tổng Công ty CN Hóa chất mỏ, hiện có trên 4.000 CBCNV làm nhiệm vụ đặc thù, đó là nghiên cứu, phối chế, thử nghiệm, sản xuất, sử dụng, xuất nhập khẩu, dự trữ quốc gia vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ… phục vụ các nhu cầu sử dụng của ngành Than – Khoáng sản Việt Nam và cả nước. Đặc thù này đã dẫn đến những khó khăn trong việc thực hiện nghiêm các quy định về không sử dụng lao động nữ ở một số khâu trong quá trình sản xuất theo Thông tư 26/2013 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là công tác Vì sự tiến bộ phụ nữ phải làm gì? và làm như thế nào? ở một doanh nghiệp mà lao động nữ không những không giữ vai trò chủ chốt trong nhiệm vụ sản xuất chính mà còn bị hạn chế sử dụng ở một số khâu theo quy định của pháp luật lao động, với 983/4.251 là lao động nữ, chiếm tỷ lệ gần 22,2%.
Bằng nhận thức đầy đủ, sâu sắc, toàn diện về công tác Vì sự tiến bộ phụ nữ, cả hệ thống chính trị từ lãnh đạo Đảng, chuyên môn, Công đoàn, Đoàn thanh niên đã thực sự vào cuộc. Kết quả: Với 983 lao động nữ, có 506 người có trình độ đại học; 1 người vừa bảo vệ thành công luận án tiến sỹ; 11 người có trình độ trên đại học; 158 người có trình độ cao đẳng, trung cấp; 74 nữ/464 tham gia bộ máy lãnh đạo từ TCT đến các đơn vị. Hàng trăm lượt nữ công nhân viên chức được cử đi học tập, đào tạo, quy hoạch và sắp xếp sau tái cơ cấu, tinh gọn các phòng ban từ TCT đến các đơn vị.
Nói đến kết quả này có thể có người đặt câu hỏi: Vậy giải pháp căn nguyên để đạt được kết quả trên là gì? Dưới góc độ một cán bộ phụ trách công tác Vì sự tiến bộ phụ nữ ở cơ sở, tôi xin được mạnh dạn trao đổi một số ý kiến:
Thứ nhất, đối với lãnh đạo đơn vị
Rất cần những lãnh đạo “có tâm và có tầm” trong lãnh đạo công tác sản xuất – kinh doanh, trong đó có công tác tiến bộ nữ của đơn vị mình. Không chỉ dừng ở khẩu hiệu hay sự lãnh đạo của cả hệ thống chính trị chung chung mà cần phân vai và xác định rõ, trong đó vai trò của Thủ trưởng, người đứng đầu đơn vị là nhân tố quyết định.
Sự quan tâm chỉ đạo phải thực sự bắt đầu từ việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, chính sách pháp luật của lao động nữ.
Quy định cụ thể các cơ chế, chế tài phù hợp cho công tác này tạo thành một quy định khung thống nhất để các đơn vị coi đó là hành lang tổ chức thực hiện và vận dụng phù hợp theo điều kiện cụ thể của đơn vị mình.
Sự chia sẻ đồng cảm của đồng nghiệp, nhất là các “đấng nam nhi” về những gì thuộc về “năng lực, trình độ và những hạn chế nhất định mà gốc gác mang tính khách quan của nó bắt nguồn từ thiên chức riêng có của phụ nữ ”.
Sự đột phá trong công tác quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ nữ ở cấp lãnh đạo chủ chốt, sự góp mặt nhiều hơn của cán bộ nữ trong bộ máy lãnh đạo của Tập đoàn cũng như đơn vị sẽ là câu trả lời thiết thực nhất về công tác bình đẳng giới và tiến bộ nữ ở một Tập đoàn lớn có bề dày truyền thống như Tập đoàn chúng ta.
Thứ hai, đối với nữ CNVC (những người đóng vai chính)
Chị em cần tự học hỏi nâng cao trình độ không chỉ ở nhà trường, sách vở mà ngay từ những gì đang diễn ra quanh mình, từ ứng xử trên dưới, chia sẻ hợp tác trong đơn vị mình và vượt khỏi thói quen đố kỵ không muốn ai hơn mình ngay trong chính chị em với nhau… Chị em cần suy ngẫm để tự trả lời nhiều hơn câu hỏi: Mình đã đóng góp gì, có lợi có hiệu quả cho tập thể, đơn vị mình mà ít đi những đòi hỏi, yêu cầu mà có thể do cơ chế, thời điểm, điều kiện, khó khăn mà lãnh đạo và đơn vị mình chưa thể đáp ứng ngay được…
Chị em cần khéo léo, tôn trọng, đạo đức truyền thống “Công – Dung – Ngôn – Hạnh” của phụ nữ Việt Nam để gìn giữ mái ấm gia đình. Hơn cả, để phái mạnh chúng tôi luôn ý thức về chị em mãi mãi vẹn nguyên là một nửa quan trọng, là người giữ lửa, giữ hơi ấm của gia đình, không thể vì bất cứ lý do gì làm cho ngọn lửa mà chị em là người đang nắm giữ ấy bị mai một hay vơi đi cùng năm tháng…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/binh-dang-gioi-va-tien-bo-nu-2-nhan-to-cot-loi-quyet-dinh-201710201749114926.htm” button=”Theo vinacomin”]