Năm 2012, tại Hội nghị tổng kết năm của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã khen ngợi Tập đoàn làm nhiệt điện “mát tay”. Tuy nhiên để được lời khen đó, ngành Than đã phải trải qua gần 2 thập kỷ với nhiều gian nan thử thách để đưa công nghiệp điện của TKV phát triển mạnh mẽ với hàng chục tỷ KWh điện mỗi năm.
Theo các đồng chí nguyên lãnh đạo Tập đoàn kể lại, TKV đã phải theo đuổi 10 năm kể từ khi đưa ra ý tưởng để có được dòng điện đầu tiên hòa vào lưới điện quốc gia từ Nhà máy Nhiệt điện ở Na Dương (Lạng Sơn) với công suất 100MW. Tiếp theo đó, phải thêm 8 năm nữa, nhà máy thứ hai mới được đưa vào vận hành ở Cao Ngạn, Thái Nguyên là Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn có công suất 110 MW. Từ thành công đó, liên tiếp các nhà máy Nhiệt điện công suất lớn được đưa vào vận hành như: Nhiệt điện Cẩm Phả 660MW, Nhiệt điện Sơn Động 220MW, Nhiệt điện Mạo Khê 440MW. Các nhà máy này đều đạt và vượt công suất thiết kế, sử dụng công nghệ đốt than xấu, hiệu quả hơn hẳn các nhà máy nhiệt điện đốt than chất lượng tốt hơn của EVN như Uông Bí mở rộng, Hải Phòng, Quảng Ninh v.v.
Ngược dòng thời gian, ý tưởng sản xuất điện của TKV bắt đầu từ khát khao có một nhà máy điện để tiêu thụ than xấu cho Mỏ than Na Dương, Lạng Sơn cũng như các mỏ than Khánh Hoà, Núi Hồng tại Thái Nguyên. Các mỏ than này vốn có nhiệt lượng thấp hơn than ở vùng Quảng Ninh, lưu huỳnh lại cao đến 2,5 – 3%. Đặc biệt, than của Mỏ Na Dương là loại than ngọn lửa dài có hàm lượng lưu huỳnh 6,5 đến 7%. Đầu những năm 1993, khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Nhà máy xi măng Bỉm Sơn đổi mới công nghệ, theo đó sẽ không dùng than Na Dương nữa khiến hơn 1.000 lao động của Mỏ phải đối diện với nguy cơ dừng sản xuất thì khát khao có nhà máy điện tại Mỏ Na Dương có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Khi đó mặc dù vốn đầu tư còn hạn chế, lãnh đạo Tập đoàn vẫn mong muốn có một nhà máy điện theo phương thức tìm kiếm một Công ty nào đó vào đầu tư xây dựng nhà máy theo hình thức Xây dựng – Vận hành – Chuyển giao (BOT). Ý tưởng này được Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ ủng hộ và chỉ đạo sát sao. Thủ tướng yêu cầu tính toán hiệu quả kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của Dự án thay vì chỉ tính đến hiệu quả kinh tế trực tiếp. Và cũng chỉ sau đó vài năm, Nhà máy nhiệt điện Na Dương được xây dựng. Công nhân cán bộ và người lao động Mỏ than Na Dương vui mừng khôn xiết vì không còn nỗi lo mất việc và hy vọng về một vùng biên cương được thắp sáng bằng chính nguồn điện than từ Mỏ Na Dương. Và Mỏ than Na Dương dần thay da đổi thịt. Những dãy nhà làm việc, nhà ăn nhà cấp 4 được xây dựng từ những năm 1959 – 1960 được nhường chỗ cho các tòa nhà cao tầng mới khang trang và phía trước là một hồ nước trong xanh cùng những hàng cây xanh mát. Cách làm ăn tạm bợ, cầm chừng đã lùi vào dĩ vãng, nhường chỗ cho một cuộc sống mới, một điểm sáng văn hóa công nghiệp giao thoa với văn hóa bản địa đầy sắc màu của nhân dân các dân tộc trên đất mỏ Na Dương. Dòng điện từ nguồn than có chất lượng xấu nhất Việt Nam, có hàm lượng lưu huỳnh cao vào loại hàng đầu thế giới đã hòa vào lưới điện quốc gia, khai sinh ngành kinh doanh mới biến than xấu thành điện, góp phần nâng giá trị hòn than lên cao trong chiến lược phát triển của Tổng Công ty Than Việt Nam lúc bấy giờ. Một giấc mơ 15 năm, từ năm 1989 đến năm 2004 mới trở thành hiện thực. Những người dân ở vùng Na Dương, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn rạo rực niềm vui khó tả thành lời.
Tiếp theo những thành công của Nhà máy nhiệt điện Na Dương là thành công của Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn, Thái Nguyên đã sử dụng hiệu quả lượng than xấu của Mỏ than Núi Hồng và Khánh Hòa. Lễ khởi công xây dựng Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn được tiến hành vào năm 2002 trên nền đất của Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn cũ trong niềm vui của CBCNV Nhà máy. Sau đó, Tập đoàn cũng được Chính phủ và các Bộ, Ban ngành Trung ương đồng ý tiếp tục cho xây dựng hàng loạt các nhà máy điện khác như: Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả 660MW, Nhiệt điện Sơn Động 220MW, Nhiệt điện Mạo Khê 400MW và Nhiệt điện Nông Sơn 30MW. Các nhà máy nhiệt điện hiện nay đều sử dụng đốt than xấu tại mỏ, hay bên cạnh các nhà máy tuyển than do Tổng Công ty Than đề xuất.
Hiện nay, TKV tiếp tục vận hành ổn định, sửa chữa bảo dưỡng kịp thời để phát huy tối đa công suất các nhà máy điện; tham gia thị trường điện cạnh tranh một cách chuyên nghiệp, hiệu quả; xây dựng, hoàn chỉnh cơ chế quản lý, điều hành của Tổng Công ty Điện lực – TKV đối với các nhà máy một cách hiệu quả. Trong giai đoạn từ nay đến 2020, TKV sẽ vận hành ổn định phát huy công suất các nhà máy điện Na Dương, Cao Ngạn, Cẩm Phả 1 và 2 và Sơn Động, với tổng sản lượng sản xuất gần 10 tỷ kWh mỗi năm. Đồng thời, TKV cũng đang tiếp tục đầu tư đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành thương mại Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 2 tại Lạng Sơn có công suất 100 MW dự kiến phát điện từ năm 2018 và Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 tại Nghệ An có công suất 1200MW sẽ phát điện từ năm 2020. Ngoài ra, TKV cũng chuẩn bị các bước sẵn sàng cho việc đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 3 công suất 2400MW để đưa vào sản xuất từ năm 2023-2025.
Cùng với sự nỗ lực trong quản lý và vận hành hiệu quả các nhà máy điện của Tổng Công ty Điện lực – TKV, các đơn vị sản xuất than trong Tập đoàn cũng phối hợp giao than đảm bảo chủng loại, chất lượng để phát huy tối đa công suất của các nhà máy; đồng thời nghiên cứu phương án thải xỉ, sản xuất vật liệu từ tro xỉ nhằm giảm tối đa chi phí vận chuyển xỉ thải từ các nhà máy điện.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/bien-than-xau-thanh-dien-thanh-cong-cua-tkv-201611121806221053.htm” button=”Theo vinacomin”]