Nằm giữa một vùng đồi núi tận cùng ngoại ô phía bắc TP Hạ Long – Cao Thắng, mỏ “già” nhất của Cty Than Hòn Gai đang phải đối mặt với tình trạng tài nguyên cạn kiệt và phép tồn tại duy nhất chỉ có thể là xuống sâu hơn bởi vì đây là một mỏ hầm lò. Trên thực tế, Cao Thắng đang sản xuất ở hai khu vực: một khu vực ở Bắc Bàng Danh và một khu vực xây dựng cơ bản ở Cái Đá. Khoảng cách giữa hai mặt bằng công nghiệp cách nhau 5km đường vòng. Sự phân tán cho thấy nguồn tài nguyên dưới chân khôn
Kỹ sư khai thác Bùi Xuân Vững, Bí thư đảng ủy XN Than Cao Thắng cho biết: “Nếu chỉ trông vào một công trường Bắc Bàng Danh với sản lượng 370.000 tấn than/năm thì chỉ đến năm 2014, hơn 1300 thợ mỏ sẽ không biết đi về đâu. Vì vậy, từ năm 2009, chúng tôi đã quyết định mở diện sản xuất mới tại Cái Đá, tức Công trường khai thác 5. Và mỗi năm, công trình XDCB này cũng mang lại cho mỏ trên 130.000 tấn than. Nói một cách khiêm nhường, thế của Cao Thắng hiện nay vẫn là thế của người đang đi trên hai chân…”. Nhìn vào biểu đồ phát triển, năm 2008 mỏ đạt 380.000T; năm 2009: 460.000T; năm 2010: 472.000T; năm 2011: 512.000T và năm 2012, sản lượng than khai thác dự kiến 520.000T. Xu thế của Cao Thắng vẫn không ngừng đi tới. Kết thúc năm 2011, XN được xếp hạng doanh nghiệp đứng đầu về SX – KD của Công ty Than Hòn Gai. Tuy nhiên, để giữ vững được nhịp độ này là cả một câu chuyện dài liên quan tới hơi thở, mồ hôi của cả tập thể hơn một nghìn thợ thuyền. Việc làm trước tiên là điều kiện và môi trường sản xuất. Khu vực hầm lò đặc biệt được quan tâm liên tục củng cố bảo đảm quy chuẩn; đầu tư đồng bộ về kỹ thuật, công nghệ khai thác từ thiết bị xúc đất đá, hệ thống băng tải, monoray; hệ thống quạt gió, cảnh báo khí; tời chở người, thiết bị tự cứu cá nhân…đến bữa ăn giữa ca và chỉ tính riêng nước khoáng uống cho thợ lò mỗi năm mỏ đã bỏ ra bạc tỷ. Cùng với cách tân công nghệ, những năm gần đây, Cao Thắng tiến hành áp dụng hàng loạt biện pháp tổ chức lại sản xuất và phương thức quản lý, điều hành SX – KD theo mô thức nhất quán từ cấp Công ty xuống hệ thống văn phòng, phân xưởng và các tổ đội sản xuất trực thuộc mỏ. Lương thời gian và sản phẩm nhất nhất tính theo giá trị hòn than và lương bình quân của thợ lò luôn được ấn định cao hơn 33% so với khu vực văn phòng. Sự bất hợp lý trong thu nhập bị loại bỏ là yếu tố đầu tiên xác lập lại vị trí của người lao động và đó là sự kích thích một cách hiệu quả năng lực công hiến của mọi thành viên trong doanh nghiệp. Ở hệ thống phân xưởng, các bộ phận cùng tính chất công việc được sáp nhập làm gọn nhẹ bộ máy, gia tăng nguồn lao động trực tiếp. Phân xưởng khai thác 5 là đơn vị đầu tiên của mỏ thực hiện mô hình sản xuất ” Bốn tổ – Ba ca” bảo đảm cho người lao động vẫn có thời gian nghỉ ngơi nhưng hầm lò không có ngày nào ngừng khai thác. Vừa tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, vừa không ngừng tạo ra sản phẩm. Từ mức tiền lương trên 5 triệu đồng/ tháng đối lao động trực tiếp năm 2008, năm 2011 đã tăng lên 12,5 triệu đồng. Riêng thợ lò chống cuốc đã đạt mức bình quân 15,2 triệu đồng/người/tháng. Sự bài bản, căn cơ đã biến Cao Thắng thành một mỏ hầm lò vững chãi và tinh nhuệ.

Anh Vững đưa tôi lên khu Khai thác 5 – Cái Đá để gặp một thợ lò mà theo anh là “Một người tuyệt vời” – Quản đốc phân xưởng Phùng Châu Hà. Đó là một “chàng” ngoài năm mươi cao chừng một mét bảy lăm có khuôn mặt và hàng ria của người Cozak. Phùng Châu Hà vừa chui lò ra, đang còn để mình trần ngồi bàn bạc cùng với hai cán bộ phòng kỹ thuật của mỏ. Thấy khách lạ, ông kéo vội chiếc áo bảo hộ sau thành ghế khoác lại người và lấy thuốc lá ra mời. Phùng Châu Hà cho biết: nhiệm vụ trọng tâm của phân xưởng ông tại đây – bắt đầu từ năm 2009 – là đào 3.700m lò từ độ sâu -50 xuống -160 và phải kết thúc XDCB ngay trong năm 2012, mở ra một diện khai thác mới công suất 300.000 tấn than/năm, giữ thăng bằng cho nhịp độ phát triển của mỏ. Hiên tại, đường lò cơ bản đã đi được trên 3.000m và đang bước vào giai đoạn nước rút. Phân xưởng Phùng Châu Hà cũng là đơn vị đầu tiên của Cao Thắng áp dụng mô hình “Bốn tổ – Ba ca” rất hiệu quả. Liên tục 365 ngày, công trường không một giờ ngừng hoạt động. Ngoài công việc chính, mỗi năm đơn vị của Phùng Châu Hà còn đảm nhận khai thác trên 100.000 tấn than hỗ trợ cho Bắc Bàng Danh. Trong cương vị thủ lĩnh một tập thể 450 con người, Phùng Châu Hà hầu như không ngày nào vắng mặt trên công trường. Khắc phục mọi sự biến lớn nhỏ của cả guồng máy đều phải qua tay ông. ” Cũng may bọn trẻ nhà tôi đều đã trưởng thành. Thằng lớn sau khi tốt nghiệp Đại học Quốc gia – Khoa Công nghệ thông tin, hiện tu nghiệp ở New Zealand. Đứa con gái đang theo học Đại học Tài chính. Vợ tôi thì đã nghỉ hưu và chỉ lo bếp núc ở nhà vì thế tôi mới có thời gian “tung tẩy” ở đây.” – Ông Hà hóm hỉnh. Trong câu chuyện sau này với Vững, tôi mới biết Phùng Châu Hà là con của một gia đình trí thức lớn ở Hà Nội. Cách đây hơn 30 năm, vì lý lịch vấp váp, anh con trai Tràng An mặc dù với điểm thi Đại học Bách khoa cao chót vót và thừa gần 10 điểm cho “nguyện vọng hai” vẫn không được gọi vào trường mà lại bị gạt xuống một trường nghề mỏ. Vậy là Phùng Châu Hà về Quảng Ninh. Ông đã có bảy năm làm nhân viên kỹ thuật XDCB và thợ lò bậc 5 của mỏ Hà Lầm; hai năm dạy học ở Trường đào tạo nghề mỏ Công ty Than Hòn Gai (cũ); Sáu năm làm nhân viên Công ty Cung ứng than Miền Nam và dạt vào tận Sài Gòn. Phùng Châu Hà ra đi như là để trốn mình nhưng giữa chốn phồn hoa kia, quá khứ oan khiên vẫn không buông tha ông. Phùng Châu Hà quyết định quay về vùng than và làm lại từ đầu. Cuối cùng thì ông cũng nhận ra tổ ấm đích thực của cuộc đời mình chính là cộng đồng thợ mỏ. Năm 2001, Phùng Châu Hà được kết nạp đảng. Ông từng làm Trưởng phòng kế hoạch của mỏ than Thành Công trước khi được điều động về Cao Thắng. Có lẽ đây là bến đậu cuối cùng của một số phận nhiều lận đận. Tôi hỏi: ” Tại sao ông lại không thích những chỗ ngồi tử tế trên kia nhỉ? ông định chui lò mãi sao?”. Phùng Châu Hà: ” Vậy anh nghĩ công việc chỗ này chán lắm ư? Anh có biết quân tôi nhiều đứa vừa đẩy goòng trong lò vừa huýt sáo không? Tôi thì thấy ở đây mình rất “vừa giày”. Có phải anh xích lô nào cũng muốn làm ông chủ đâu !” Tôi hiểu Phùng Châu Hà nói rất thật lòng. Sự thực, Công trường Khai thác 5 luôn có những tổ lò đá giành ngôi kỷ lục về năng suất của Vinacomin. Trong dàn quân của ông tựa như một bè trầm của bản hành khúc mạnh mẽ, có cả những người đã từ bỏ nghề đào than thổ phỉ. Tôi tin ở đây, rất nhiều người cũng cùng chung cách nghĩ giản dị và một tình yêu nghề nghiệp như ông. Đó cũng chính là gốc văn hóa nhân bản nhất – cái mà giờ đây, mỏ Cao Thắng cũng như mọi doanh nghiệp Ngành Than đang hướng tới.. Chợt nghĩ đến con số kinh phí bình quân 20 tỷ một năm Công ty than Hòn Gai dành riêng cho 6.000 thợ mỏ tham quan, du lịch trong nước, ngoài nước và câu chuyện Phùng Châu Hà bảo: ở công trường này có trường hợp đã đăng ký nhưng lại hủy chuyến đi suýt bị kiểm điểm, may mà có lý do vợ ốm. Nghe vừa dễ thương, vừa muốn bật cười.
Ở đây, khẩu hiệu “Tất cả cho sản xuất than” dường như đã cũ rồi. Giờ là : “Vui vẻ hơn – Chuyên nghiệp hơn – Hiệu quả hơn ” – Cuộc sống lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần của người thợ mỏ đang thực sự trở thành chủ thể.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/be-tram-cao-thang-1488.htm” button=”Theo vinacomin”]