Tại Hội nghị Tổng kết công tác xây dựng mỏ hầm lò năm 2011, chúng tôi thật bất ngờ: Đơn vị đào được nhiều mét lò nhất và hoàn thành kế hoạch với tỷ lệ cao nhất, dẫn đầu Tập đoàn là Công ty than Uông Bí (đào gần 9 nghìn mét lò; đạt 106,4 KH Tập đoàn giao). Trong khi đó, rất nhiều đơn vị kế hoạch thấp, vẫn không hoàn thành kế hoạch đào lò, điển hình là Than Hà Lầm (chỉ đào được 326 mét, đạt 16,2% KH), Than Khe Chàm (đào 1931 mét, đạt 39,7% KH); v.v. Năm trước (2010), khối lượng mét lò của Than Uô
Sở dĩ chúng tôi cho rằng, kết quả trên của Than Uông Bí là sự bất ngờ, bởi, đây là công ty hai cấp, hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn. Hiện, trong Tập đoàn, ở vùng Quảng Ninh, ngoài Tổng công ty Đông Bắc, còn có 3 công ty 2 cấp, quy mô tương đương nhau là Than Uông Bí, Than Hòn Gai và Than Hạ Long. Trong 3 đơn vị này, Than Uông Bí là đơn vị duy nhất khai thác hoàn toàn bằng bằng hầm lò, trong đó, Xí nghiệp than Hoành Bồ chỉ tham gia sản lượng khoảng 250 nghìn tấn/năm. Diện hoạt động của Công ty thì phân tán, địa bàn rộng lớn và xa xôi. Có những vị trí sản xuất xa trung tâm vài chục cây số. Điều kiện địa chất của các mỏ rất phức tạp, nhiều phay phá; có những vỉa rất dốc, không thể khai thác bằng công nghệ truyền thống, nhưng chưa lựa chọn công nghệ mới thích hợp. Than Hồng Thái thì chất lượng thấp, có khả năng tự cháy, phải đầu tư kinh phí cao cho công tác kỹ thuật, an toàn v.v. Trong điều kiện ấy mà Công ty đạt kết quả trên là thật bất ngờ và đáng biểu dương lắm thay.
Điều bất ngờ, thú vị nữa là, Trưởng phòng Đầu tư Công ty là một phụ nữ – chị Phạm Thị Lan- kỹ sư khai thác mỏ hầm lò duy nhất của Tập đoàn, hiện đang làm việc đúng nghề đào tạo.
Theo ông Phạm Văn Tứ, Phó Tổng Giám đốc Công ty có 3 nguyên nhân chính để Công ty đào được nhiều mét lò nhất và nhanh nhất Tập đoàn: Thứ nhất, đó là sự nỗ lực của cán bộ quản lý điều hành dự án. Như chúng ta đã biết, thủ tục đầu tư phải qua nhiều khâu, liên quan tới nhiều cơ quan và nhiều văn bản quy định của Tập đoàn, của Nhà nước. Có những dự án gặp vướng mắc, Công ty phải cử cán bộ đi lại các cơ quan chức năng hàng chục lần; ban hành tới 60 văn bản. Dù vậy, cán bộ quản lý điều hành dự án của Công ty vẫn kiên trì nghiên cứu tìm hiểu và thực hiện đầy đủ các thủ tục đầu tư theo các quy định của Nhà nước, của Tập đoàn và đã được các ban liên quan của Tập đoàn, các cơ quan chức năng của địa phương và các bộ, ngành ủng hộ. Do đó, công tác chuẩn bị đầu tư nhanh. Hiện, Công ty Than Uông Bí quản lý 3 đơn vị sản xuất than là Than Hồng Thái, Than Đồng Vông, Than Hoành Bồ và quản lý 8 dự án đầu tư khai thác hầm lò, bao gồm: Than Hồng Thái quản lý 2 dự án; Than Đồng Vông, quản lý 4 dự án, Than Hoành Bồ quản lý 1 dự án và Công ty mẹ quản lý 1 dự án. Trong 8 dự án nêu trên, có 7 dự án đã được cấp phép khai thác. Ngoài ra, Công ty còn tiếp tục huy động thêm 4 dự án khai thác hầm lò. Công tác chuẩn bị đầu tư nhanh đã góp phần quan trọng vào tiến độ đào lò nói riêng và toàn bộ dự án nói chung.
Nguyên nhân chính nữa là, Công ty đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tư vấn, đơn vị thi công và đã kịp thời tháo gỡ khó khăn trong điều chỉnh thiết kế hoặc những ách tắc trong quá trình thi công v.v. Đơn vị thi công các công trình hầm lò trong dự án của Công ty, chủ yếu là Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 2. Đây là đơn vị có nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật công nghệ và tổ chức đào lò, nên tốc độ đào lò nhanh, chất lượng cao. Năm qua, Hầm lò 2 đã đào gần 8 nghìn mét cho các công ty: Than Uông Bí, Than Mạo Khê, Tổng Công ty Đông Bắc, Công ty than Khánh Hòa v.v. và là một trong ít đơn vị hoàn thành kế hoạch. Trong thành tích của Than Uông Bí, có vai trò của Công ty XD mỏ Hầm lò 2.
Nguyên nhân chính thứ 3 là, Than Uông Bí đã sắp xếp lại bộ máy quản lý điều hành dự án. Trước đây, Công ty thành lập Ban Quản lý dự án. Đây là cơ quan độc lập, trực thuộc Công ty mẹ, có con dấu, tài khoản riêng, làm nhiệm vụ quản lý điều hành các dự án hầm lò và trên mặt bằng. Qua thời gian hoạt động, mô hình này bộc lộ nhiều tồn tại, năng lực quản lý điều hành kém hiệu quả. Từ đầu năm 2011, Công ty đã giải thể Ban Quản lý dự án. Nhiệm vụ quản lý, giám sát công trình cho Phòng Quản lý công trình của Công ty đảm nhận và nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư (lập đề cương dự án, các thủ tục phê duyệt dự án, thủ tục đấu thầu, xin cấp đất v.v.) giao cho Phòng Đầu tư. Việc thay đổi bộ máy quản lý điều hành dự án không những góp phần đẩy nhanh các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ đào lò mà thuận lợi hơn trong việc thanh quyết toán, thu hồi vốn v.v của các dự án.
Công ty quyết tâm phấn đấu đến năm 2015 đạt sản lượng 4,2 triệu tấn. Năm nay, phấn đấu khai thác 2.52 triệu tấn, đào 50.322 mét lò, với hệ số 17,5 m/1000 tấn than; doanh thu trên 3,225 nghìn tỷ; lợi nhuận khoảng 104 tỷ đồng.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/bat-ngo-than-uong-bi-1376.htm” button=”Theo vinacomin”]