Tại một Hội thảo bàn về nâng cao hiệu quả khai thác than lộ thiên của Tập đoàn với nhiều ý kiến tham luận, các chuyên gia đã đưa ra nhiều phương án thay đổi công nghệ như: Vận tải đất đá bằng xe trọng tải lớn hơn từ 100 – 200 tấn; đầu tư dây chuyền băng tải vận tải đất đá; công nghệ nổ mìn hay chuẩn bị các bãi thải đất đá đảm bảo trình tự hợp lý, giảm cung độ vận chuyển đất đá… Điều đáng quan tâm hơn cả là ý kiến cho rằng, đã đến lúc nghiên cứu “Bãi thải trong” tại các mỏ lộ thiên lớn, có bờ moong rộng. Vị chuyên gia dày dạn kinh nghiệm này còn khẳng định: “Việc xáo đảo đất đá để lấy than, tức là đất đá đổ vị trí này rồi lại đảo vị trí khác trong cùng một khu vực “Bãi thải trong” vẫn có thể hiệu quả hơn việc vận chuyển đất đá với cung độ hàng chục ki lô mét và tạo ra những bãi thải lớn…”.
Thực tế cho thấy, việc khai thác than lộ thiên của một số mỏ lớn trong ngành Than Việt Nam đã có từ lâu. Mỗi năm, một mỏ lộ thiên có tới vài chục triệu mét khối đất đá được nổ mìn, bốc xúc, vận chuyển đến vị trí khác đã tạo ra những moong than khổng lồ với bờ moong rộng. Khi tính toán mở một mỏ lộ thiên, các kỹ sư thường phải tính toán rất kỹ lưỡng về tuổi mỏ qua từng giai đoạn. Từ giai đoạn mở vỉa, bắt đầu đi vào khai thác, giai đoạn phát triển và xuống sâu cho đến giai đoạn kết thúc. Và vấn đề lợi ích kinh tế, ngoài việc phân chia cho từng giai đoạn còn phải tính toán đến cả tuổi đời của một mỏ. Trong bất cứ giai đoạn nào, công tác đổ thải cũng luôn là bài toán khó nhất. Thường thì giai đoạn đầu và giai đoạn phát triển mỏ ở thời kỳ công suất khai thác cao nhất, người ta tìm một bãi đổ thải riêng. Trong thuật ngữ kỹ thuật gọi là “Bãi thải ngoài” để khai thác than trong moong. Giai đoạn dần kết thúc, người ta sẽ tiến hành đổ thải vào chính trong moong tại phía đã khai thác hết vỉa than, gọi là “Bãi thải trong”. Nếu các vỉa than có độ thoải chạy theo phương và hướng dốc rõ ràng, khi đó có thể khai thác đầu moong một bên, đổ thải tại đầu moong một bên đối diện. Như vậy, cung độ vận chuyển đất đá sẽ được ngắn lại, nâng cao hiệu quả kinh tế và đảm bảo môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, không áp dụng được do các vỉa than có điều kiện địa chất phức tạp.
Vậy câu hỏi đặt ra là các mỏ khai thác lộ thiên của Tập đoàn hiện nay đã đến giai đoạn có thể tính toán đến việc đổ “Bãi thải trong” được chưa sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cấu tạo các vỉa than có thể khai thác phía dưới. Đây cũng là vấn đề cần bàn khi các vỉa than khai thác bằng công nghệ lộ thiên đã quá sâu, tới âm 200 – 250 mét so với mực nước biển. Việc vận tải đất đá từ đáy moong sâu lên độ cao lớn, cộng với cung độ vận chuyển dài, bãi thải cao… sẽ làm giảm hiệu quả kinh tế do giá thành cao. Thực tế, một số mỏ lộ thiên trực thuộc Tập đoàn hiện nay cũng đã có giá thành khai thác cao hơn công nghệ khai thác than hầm lò.
Hiện nay, theo tính toán, càng vào giai đoạn tuổi mỏ cao, các mỏ lộ thiên càng có hệ số bóc đất đá cao. Nhiều mỏ hệ số bóc đất đã lên tới 13 – 15 mét khối đất đá/tấn than. Cạnh đó cung độ vận chuyển cũng ngày càng xa dần. Tất cả các yếu tố đó khiến cho giá thành khai thác ngày càng cao. Giải pháp về đổi mới công nghệ khai thác là những điều kiện mang tính quyết định đến sự tồn tại của các mỏ. Đây cũng là bài toán cho các nhà công nghệ xác định rõ một số mỏ lộ thiên đang ở giai đoạn nào để lựa chọn một giải pháp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/bao-gio-do-bai-thai-trong-201811011110281562.htm” button=”Theo vinacomin”]