Gần đây, có nhiều bài báo của các tờ báo lớn đưa tin về hoạt động của các bãi thải đất đá trong khai thác lộ thiên tại các đơn vị thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam. Sự quan tâm của báo giới cũng như công chúng về vấn đề này là cần thiết. Tuy nhiên, rất tiếc là nhiều nhà báo đã không tìm hiểu kỹ và có cách dùng các thuật ngữ về ngành Than không đúng, gây hiểu lầm cho công chúng về tác hại trong hoạt động khai thác than tại vùng Quảng Ninh; nhất là trong lĩnh vực môi trường với những vấn đề nhạy cảm…
Một góc khu vực bãi thải Đèo Nai đã được hoàn nguyên môi trường (ảnh H.H)
Chẳng hạn như nói về bãi thải đất đá của các mỏ khai thác lộ thiên tại vùng Cẩm Phả – Quảng Ninh, nhiều tờ báo dùng từ: “Xỉ thải” hay “Xỉ than”. Điều này hoàn toàn không đúng, bởi trong khai thác than lộ thiên, người ta tổ chức bóc đi lớp đất đá trên bề mặt các vỉa than để tổ chức lấy than. Do vậy đất đá bóc đi và được đổ ra các vị trí khác, trong thuật ngữ ngành mỏ gọi là: “Bãi thải đất đá”. Còn nói đến “Xỉ thải” hay ” Xỉ than” là chỉ các thành phần than khi đã được đốt cháy và thải ra. Như vậy, vô hình dung, các nhà báo đã làm cho người đọc hiểu hoàn toàn sai vấn đề. Người đọc sẽ hiểu rằng ngành Than đã thải ra các loại xỉ than và ảnh hưởng đến môi trường. Nguy hiểm hơn, nhiều tờ còn dùng từ: “Núi xỉ”. Và như vậy người đọc càng hiểu lầm về tính chất nguy hại của vấn đề. Trên thực tế, đó vẫn là những loại đất đá bình thường. Sau khi kết thúc đổ thải đất đá, các đơn vị đều tiến hành phân tầng và trồng cây hoàn nguyên môi trường. Hiện đã có nhiều khu vực bãi thải đất đá được hoàn nguyên, trồng cây xanh mà dễ dàng ai cũng có thể nhìn thấy trên vùng mỏ từ Hòn Gai, Cẩm Phả đến Đông Triều, Uông Bí…
Cũng về vấn đề này, nhiều tờ báo khi nói đến việc sạt lở đất đá lại dùng từ: “Hồ chứa bị vỡ”. Điều này cũng làm cho người đọc hiểu sai. Bởi đất đá thải trong khai thác lộ thiên là đất đá rắn, không phải là dạng lỏng. Các đơn vị dùng ô tô, máy xúc để vận chuyển. Thậm chí còn phải dùng khoan nổ mìn để phá vỡ. Nếu nói “Hồ chứa”, người đọc sẽ hiểu rằng đất đá thải đó ở dạng lỏng thì tính chất vô cùng nguy hại. Chưa dừng lại ở đó, có tờ báo còn miêu tả loại “chất” này ở trên độ cao 300m thì sự việc quả là đi quá xa với thực tế. Người đọc chưa hiểu về ngành Than, chắc chắn sẽ có cái nhìn sai lệch về ngành Than.
Về các hợp chất trong chất thải, một số tờ báo dẫn lời các nhà khoa học cho rằng: “Kim loại nặng trong chất thải có nguy cơ hòa tan vào đất, trong đó có nhiều chất độc hại, như chì, kẽm, mangan, asen, thậm chí một số vùng có thể có phóng xạ…”. Sự phân tích này cũng vô hình dung làm cho người đọc hiểu về đất đá thải có nhiều chất độc hại. Tuy nhiên, như đã nói, đất đá thải vẫn là dạng đất đá bình thường, được di chuyển từ vị trí này qua vị trí khác mà thôi. Điều nguy hiểm là nhiều tờ báo đều dẫn lời các nhà khoa học để đưa ra những phân tích “cặn kẽ” làm cho người đọc dễ tin vào các dẫn chứng đó.
Có thể chỉ là sự vô tình, hay sự tìm hiểu còn thiếu cặn kẽ và nhiều lý do khác nhau, nhưng những bài báo đó đã gây những tác động nhất định đến công chúng, nhất là những người chưa hiểu hết về ngành Than, dẫn đến có sự hiểu lầm đáng tiếc, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sản xuất than với hàng chục vạn lao động đang ngày đêm làm việc trên tầng than hay dưới hầm mỏ.
Thợ mỏ và Vùng mỏ là cái nôi của cách mạng. Trong muôn vàn khó khăn, ngành Than – Khoáng sản luôn là ngành kinh tế gương mẫu sản xuất than phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Dù cho quá trình đổi mới còn nhiều việc phải làm và tiếp tục hoàn thiện, nhưng sự nỗ lực của ngành Than – Khoáng sản luôn hướng tới sự hài hòa trong cộng đồng.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/bao-chi-nham-lan-mot-so-thuat-ngu-ky-thuat-ve-nganh-than-201510121445456537.htm” button=”Theo vinacomin”]