Dự thảo “Quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến quặng bôxit giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030” hiện đang trình Chính phủ xem xét phê duyệt. Trong khi Quy hoạch chưa phê duyệt xin được luận bàn thêm về chiến lược phát triển ngành công nghiệp bô xít.
1) Chính sách của Nhà nước về khoáng sản:
Điều 3 Luật Khoáng sản (2010) quy định một số chính sách như sau:
– Nhà nước đầu tư thăm dò, khai thác một số loại khoáng sản quan trọng để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh.
– Nhà nước khuyến khích dự án đầu tư khai thác khoáng sản gắn với chế biến, sử dụng khoáng sản để làm ra sản phẩm kim loại, hợp kim hoặc các sản phẩm khác có giá trị và hiệu quả kinh tế – xã hội.
– Nhà nước có chính sách xuất khẩu khoáng sản trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế – xã hội trên nguyên tắc ưu tiên bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước.
2) Hiện trạng ngành công nghiệp khai thác, chế biến bô xít Việt Nam:
a. Theo dự thảo “Quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến quặng bôxit giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030” đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho thấy:
– Tổng trữ lượng và tài nguyên quặng bôxit các mỏ đã và đang thăm dò khoảng 6,85 tỷ tấn quặng nguyên khai, tương đương khoảng 3,0 tỷ tấn quặng tinh, trong đó ở miền Nam, chủ yếu là ở Tây Nguyên khoảng 2,95 tỷ tấn. Tài nguyên dự báo của các mỏ sẽ điều tra cơ bản giai đoạn 2011-2015 khoảng 4,4 tỷ tấn quặng nguyên khai, tương đương 1,7 tỷ tấn quặng tinh. Bô xít của Việt Nam chủ yếu là quặng gibbsite có chất lượng tốt và đang có nhu cầu ngày càng tăng của các nhà máy chế biến alumin.
– Nhu cầu nhôm của Việt Nam: Chỉ riêng nhập khẩu chính ngạch năm 2008, Việt Nam đã nhập khẩu nhôm với giá trị lên tới 734,6 triệu USD tương ứng khoảng gần 300.000 tấn nhôm/năm. Nếu tính cả nhập khẩu tiểu ngạch thì con số còn lớn hơn nhiều. Dự báo nhu cầu nhôm đến năm 2015: khoảng 0,4 triệu tấn; 2020 sẽ lên tới 0,6 – 0,9 triệu tấn và năm 2030 là 1,0 – 1,2 triệu tấn. Cho đến nay Việt Nam chưa có cơ sở luyện nhôm nào và toàn bộ nhu cầu nhôm trong nước đều được đáp ứng từ nguồn nhập khẩu.
– Để đáp ứng nhu cầu nhôm nêu trên Quy hoạch đề ra giai đoạn đến năm 2015 xúc tiến việc nghiên cứu, đầu tư điện phân nhôm; giai đoạn 2016-2020 tuỳ thuộc khả năng về nguồn điện, đầu tư 1-2 dự án điện phân nhôm công suất 0,2-0,3 triệu tấn/năm; đầu tư các dự án sản xuất hợp kim nhôm, nhôm lá, nhôm tấm, giấy tráng nhôm, vật liệu chịu lửa cao nhôm, v.v.
b. Thực tế hiện nay, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã được Nhà nước cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ bô xít chính ở Tây Nguyên (Đắc Nông, Lâm Đồng), đầu tư xây dựng và cơ bản hoàn thành, chuẩn bị đưa vào hoạt động nhà máy alumin Tân Rai (Lâm Đồng) công suất 650 ngàn tấn/năm và đến năm 2013 đưa vào hoạt động nhà máy alumin Nhân Cơ (Đắc Nông) công suất 650 ngàn tấn/năm. Tổng cộng công suất 2 nhà máy là 1,3 triệu tấn/năm. Hiện nay Vinacomin đang chuẩn xây dựng nhà máy thủy điện và nhiệt điện để phục vụ cho điện phân nhôm và nhà máy điện phân nhôm với công suất dự kiến 0,3-0,6 triệu tấn/năm.
c. Nếu không có nhà máy điện phân nhôm thì toàn bộ alumin của Vinacomin đều phải xuất khẩu. Điều đó gặp một số khó khăn là: (1) Chi phí vận chuyển bằng đường bộ từ Tây Nguyên đến cảng biển rất cao (khoảng 25 $/tấn); (2) Khả năng vận tải bằng đường bộ là hạn chế, nhất là trong thời gian tới khi quy mô nhu cầu vận chuyển phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của Tây Nguyên tăng cao; (3) Giá và thị trường xuất khẩu alumin không ổn định, nhất là giá hiện còn bất lợi.
d. Trong nước thiếu vốn đầu tư, thiếu công nghệ (bao gồm công nghệ chế biến alumin, điện phân nhôm, xử lý bùn đỏ, hoàn thổ, phục hồi môi trường) và thiếu nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, trong khi nhu cầu đầu tư chế biến bô xít và xây dựng cơ sở hạ tầng (GTVT, nhà máy điện…) rất cao.
3) Tình hình đặc điểm của vùng Tây Nguyên:
– Hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là GTVT, điện, cấp nước còn yếu kém;
– Thời tiết phân chia 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau;
– Địa hình đồi núi cao có nhiều thung lũng và dòng chảy (độ cao t/b so với mặt nước biển 600-800m, nhiều dãy núi trùng điệp với những đỉnh núi cao trên 2.000 mét như: Ngọc Linh, Ngọc Niay, Chư Hmu, Cư Yang Sin, Lang Biang; 22 con sông lớn và nhỏ);
– Trình độ phát triển kinh tế – xã hội còn thấp, đặc biệt cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, số lao động qua đào tạo và lao động lành nghề rất ít (năm 2011 tỉ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo đạt 10,8%; trong khi b/q cả nước là 15,4%), năng suất lao động bằng 47,5% mức trung bình của cả nước thu nhập thấp (năm 2008 GDP b/q đầu người đạt 11,5 triệu đ (bằng 66% b/q cả nước), thu ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu chi ngân sách, có 46 dân tộc ít người chiếm 25,3% tổng số dân toàn vùng, số dân tăng cơ học rất cao (dân di cư từ nơi khác đến). Dân số tăng nhanh cùng với nghèo đói và chậm phát triển đã gây ảnh hưởng lớn đến tài nguyên, môi trường, ổn định chính trị – xã hội và bảo tồn văn hóa (diện tích rừng bị chặt phá nghiêm trọng, khoảng 1.000 ha/năm, bản làng truyền thống bị thu hẹp dần, văn hóa bản địa bị mai một, v.v.). Có thể nói Tây Nguyên là một trong số vùng đất giàu tài nguyên nhất nhưng đang thuộc diện nghèo đói và kém phát triển của nước ta. Phải chăng Tây Nguyên đang vận vào “lời nguyền tài nguyên”?
– Việc giải phóng mặt bằng, tái định cư, bảo tồn văn hóa bản địa, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng, ổn định chính trị – xã hội, v.v. là những vấn đề vô cùng phức tạp và nhạy cảm.
4) Kinh nghiệm thực tế về đầu tư phát triển của Vinacomin thời gian qua:
Từ khi thành lập năm 1994 đến nay tuy Vinacomin không được Nhà nước cấp vốn bổ sung nhưng vẫn liên tục phát triển trên cơ sở biết khai thác, phát huy các nguồn lực được Nhà nước giao, nhất là nguồn lực tài nguyên khoáng sản theo phương châm: “Từ tài nguyên khoáng sản và nguồn nhân lực đi lên giàu mạnh”. Cụ thể là để có vốn đầu tư phát triển các mỏ than mới, các nhà máy điện, phát triển công nghiệp khai thác khoáng sản – luyện kim (quặng đồng – luyện đồng, quặng sắt – luyện thép, quặng bô xít – alumin – nhôm, v.v.), công nghiệp hóa chất mỏ, cơ khí mỏ, cơ sở hạ tầng vùng mỏ, v.v. Vinacomin phải tự tích lũy từ công nghiệp than mà chủ yếu là từ xuất khẩu than. Bài học kinh nghiệm rút ra từ Vinacomin trong phát triển công nghiệp khai khoáng là: lấy nhỏ nuôi lớn, lấy quảng canh nuôi thâm canh, lấy thô để nuôi tinh (tức là lấy khai thác để nuôi chế biến sâu), lấy xuất khẩu nuôi trong nước, lấy thuận lợi nuôi khó khăn, lấy ngắn nuôi dài, lấy lợi thế vùng này phát triển vùng khác, lấy lợi thế của khoáng sản này để phát triển khoáng sản có tiềm năng khác, lấy lợi thế hiện tại để phát triển lợi thế tương lai, v.v. Tóm lại, phải luôn luôn chủ động tìm cách khai thác, phát huy có hiệu quả năng lực, lợi thế và tiềm năng sẵn có để tạo ra năng lực mới nhằm mục tiêu liên tục phát triển và phát triển bền vững.
5) Tình hình ngành công nghiệp bô xít alumin nhôm thế giới:
– Phần lớn các nhà sản xuất alumin lớn hiện đang rất thiếu nguồn cung bô-xít có chất lượng cao và dự kiến sẽ càng thiếu hụt hơn trong những năm tới. Ngược lại, nguồn cung bô-xít chất lượng cao đang giảm dần, ngày càng khó mua và việc cấp phép khai thác các mỏ mới ngày càng khó khăn hơn.
– Sự tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến alumin & nhôm của Trung Quốc và Trung Đông đang giảm dần sự tích hợp theo chiều dọc (khai thác bô xít, chế biến alumin, luyện nhôm; tức là mỏ bô xít nhà máy alumin nhà máy luyện nhôm nằm trong một dây chuyền khép kín) do các mỏ trực tiếp cung cấp bô xít đã bị khai thác cạn kiệt trữ lượng.
– Những nhà sản xuất alumin hiện thiếu nguồn cung bô-xít đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung bô-xít được vận chuyển bằng đường biển từ bên thứ 3 những nhà cung cấp bô-xít nằm ngoài dây chuyền khai thác bô xít – tinh chế alumin – luyện nhôm có sẵn nêu trên).
– Hiện đang có sự dư thừa lớn trong công suất của ngành công nghiệp chế biến alumina và luyện nhôm trên toàn cầu. Căn cứ vào mức giá bán và giá thành hiện hành, rất nhiều nhà sản xuất alumin và nhôm hiện nay không có lời và đóng cửa bớt các nhà máy sản xuất hiện nay. Mặt hàng nhôm tồn kho cao, và với sự tham gia của nhiều nhà máy sản xuất mới được xây dựng, sẽ tạo thêm áp lực trong việc tiêu thụ và áp lực giảm giá trong trung hạn của thị trường nhôm, ít nhất đến năm 2015.
– Giá alumin trên thị trường thế giới hiện đang bấp bênh trong tương quan với chi phí sản xuất, tạo nên lợi nhuận không ổn định. Việc đầu tư vào nhà máy chế biến alumin chỉ trở nên hấp dẫn khi thị trường nhôm có nhu cầu và giá tăng lên trở lại.
Đề xuất định hướng chiến lược phát triển công nghiệp khai thác, chế biến bô xít tại Tây Nguyên
1) Mục tiêu, yêu cầu:
Chiến lược phát triển công nghiệp bô xít alumin nhôm tại Tây Nguyên phải đáp ứng được các mục tiêu và yêu cầu sau đây:
A. Mục tiêu:
– Góp phần tích cực phát triển kinh tế – xã hội của cả nước nói chung và của Tây Nguyên nói riêng, trong đó các mục tiêu cụ thể là: (1) Đáp ứng nhu cầu nhôm của thị trường trong nước ngày tăng, hiện đang phải nhập khẩu và góp phần giảm nhập siêu; (2) Đối với Tây Nguyên: tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới mô hình tăng trưởng cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế; xây dựng và phát tiển kết cấu hạ tầng; cải thiện đời sống, nâng cao trình độ dân trí, bảo tồn và phát triển văn hóa bản địa; bảo vệ môi trường.
B. Yêu cầu:
– Phù hợp với chính sách của Nhà nước về khoáng sản.
– Phù hợp với tình hình đặc điểm của Tây Nguyên, hiện trạng của ngành công nghiệp bô xít nước ta và có tính đến tình hình ngành công nghiệp và thị trường bô xít alumin nhôm trên thế giới.
– Có lộ trình thích hợp, đảm bảo tính khả thi và bền vững.
2) Định hướng chiến lược phát triển:
Để thực hiện được mục tiêu và đáp ứng các yêu cầu nêu trên, chiến lược phát triển công nghiệp bô xít ở Tây Nguyên phải tuân thủ phương châm có bước đi thích hợp, vững chắc phù hợp với từng giai đoạn phát triển của ngành: từ không tới có, từ nhỏ đến lớn, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện, từ chưa đồng bộ đến đồng bộ và phải đi vào hiện đại ngay từ đầu.
Trên tinh thần đó lộ trình chiến lược phát triển ngành công nghiệp bô xít ở Tây Nguyên kể từ nay gồm 3 giai đoạn chính như sau:
– Giai đoạn 1 với mục tiêu kết thúc bước thử nghiệm và hình thành nền móng ban đầu ngành công nghiệp khai thác bô xít chế biến alumin luyện nhôm: Đi đôi với việc chuẩn bị đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (đường sắt + cảng biển) và nâng cấp đường bộ, xây dựng nhà máy điện phát triển đồng thời cả 3 loại sản phẩm là tinh quặng bô xít, alumin, nhôm kim loại với quy mô hợp lý, trong đó phát triển sản phẩm alumin và nhôm chủ yếu trên cơ sở khai thác năng lực sẵn có (alumin và điện) của Vinacomin; công suất điện phân nhôm tùy thuộc vào khả năng cung cấp điện, tối thiểu 0,3 triệu tấn/năm đặt tại Đắc Nông và tối đa 0,6 triệu tấn/năm, trong đó đặt thêm ở Lâm Đồng 0,3 triệu tấn/năm (chủ yếu để luyện alumin của 2 nhà máy alumin hiện có của Vinacomin). Ngoài ra, đào tạo phát triển nguồn nhân lực và nghiên cứu hoàn thiện công nghệ hoàn thổ và phục hồi môi trường.
Với định hướng nêu trên sẽ vừa phát huy năng lực sẵn có, vừa tránh được những khó khăn, bất cập hiện nay liên quan đến alumin của Vinacomin (vận tải, giá bán, thị trường), vừa đáp ứng được kịp thời nhu cầu nhôm của thị trường trong nước, đồng thời có điều kiện chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp một cách đầy đủ, vững chắc và toàn diện hơn.
– Giai đoạn 2 với mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng và hình thành tương đối đồng bộ ngành công nghiệp bô xít alumin nhôm với định hướng gồm 2 phân khúc có mối quan hệ chặt chẽ với nhau là: (1) Đẩy mạnh xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ gồm cảng biển + đường sắt và tiếp tục nâng cấp đường bộ, đồng thời xây dựng các nhà máy điện mới phục vụ điện phân nhôm; hệ thống giao thông phải phù hợp với quy hoạch chung về hệ thống GTVT của Tây Nguyên và Quốc gia với mục tiêu phục vụ cho ngành công nghiệp bô xít – alumin nhôm và các ngành sản xuất khác cũng như nhu cầu của xã hội (tức là mục tiêu tổng hợp); (2) Mở rộng quy mô công suất bô xít – alumin – nhôm một cách hợp lý tùy theo nhu cầu và giá cả thị trường của từng loại sản phẩm cũng như mức độ phát triển kết cấu hạ tầng (GTVT và nguồn điện), trong đó công suất điện phân nhôm tăng thêm tối thiểu 0,3 triệu tấn (đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước); công suất alumin tăng thêm tối thiểu 0,6 triệu tấn và mở rộng xuất khẩu tinh quặng với quy mô hợp lý (có tính đến các yếu tố: thị trường; khả năng và quy mô giải phóng mặt bằng; tái định cư; bảo tồn văn hóa bản địa; hoàn nguyên môi trường ở khu vực khai thác và bảo quản bùn đỏ ở các nhà máy chế biến alumin và yêu cầu thu hồi vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng). Ngoài ra đầu tư phát triển các ngành sản xuất từ sản phẩm nhôm.
– Giai đoạn 3 với mục tiêu xây dựng và phát triển hoàn chỉnh một ngành công nghiệp bô xít – alumin – nhôm đồng bộ và hiện đại có quy mô phù hợp với định hướng: chủ yếu phát triển đồng bộ và mở rộng đến quy mô tối ưu ngành công nghiệp bô xít – alumin nhôm sản phẩm sau nhôm và công nghiệp phụ trợ phù hợp với tiềm năng tài nguyên bô xít và nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Định hướng các giải pháp phát triển
1) Trước hết để thực hiện được Chiến lược phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến bô xít ở Tây Nguyên cần phải thống nhất nhận thức và ý chí của toàn bộ hệ thống chính trị và toàn thể xã hội theo tinh thần sau:
(i) Khai thác bô xít, chế biến alumin và luyện nhôm đã được thế giới thực hiện từ lâu và đến nay tích lũy được nhiều kinh nghiệm, không phải là điều gì mới lạ; ngành công nghiệp này đang và sẽ ngày càng phát triển;
(ii) Nước ta nói chung và Tây Nguyên nói riêng có nguồn tài nguyên thiên nhiên tương đối dồi dào, trong đó có tài nguyên bô xít; do vậy khai thác bô xít chính là khai thác tiềm năng, thế mạnh, là phát huy nguồn lực sẵn có để đáp ứng nhu cầu và phát triển; chúng ta không thể cam tâm chấp nhận tình cảnh “ngồi trên miệng giếng mà chịu khát nước”, đặc biệt, trong khi nền kinh tế còn khốn khó, nhập siêu trầm trọng thì lại phải bỏ ra hàng tỉ đô la mỗi năm để nhập khẩu nhôm; mà phải hành động theo lời cha ông dạy “muốn ăn thì phải lăn vào bếp”; thiên hạ nhiều người đang thèm muốn có được nguồn tài nguyên của chúng ta.
(iii) Khai thác tài nguyên khoáng sản là một sự đánh đổi giữa cái được và cái mất, nhất là giữa kinh tế và môi trường; vấn đề là làm sao cho trong quá trình đánh đổi đó cái được nhiều hơn cái mất, tức là lợi ích thu được nhiều hơn chi phí bỏ ra; đó là một việc khó, song nhất định “trong cái khó sẽ ló cái khôn” và “khó vạn lần dân liệu cũng xong”, chính điều này cũng là một cái được rất lớn trong việc phát huy sức mạnh dân tộc. Liên quan đến vấn đề môi trường phải lưu ý rằng ở Tây Nguyên mặc dù các dự án bô xít chưa đi vào hoạt động nhưng rừng về cơ bản đã bị tàn phá, đường giao thông xuống cấp, bản làng và văn hóa bản địa truyền thống đã, đang bị thu hẹp, mai một vì sự mưu sinh.
(iv) Với điều kiện khai thác thuận lợi và chất lượng cao, việc khai thác bô xít ở Tây Nguyên chắc chắn có hiệu quả; nếu không có hiệu quả là do không biết cách làm chứ không phải do bản thân khai thác bô xít không hiệu quả; chẳng hạn với cách làm bô xít như thời gian qua ở Tân Rai và Nhân Cơ, chỉ riêng tiến độ chậm 2 năm và nhiều khoản chi phí phát sinh thêm thì “đi chơi cũng bị lỗ” là chắc, làm như thế không lỗ mới là chuyện lạ. Do vậy, phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa trung ương và địa phương và giữa các cấp các ngành và doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện chiến lược; quản lý và giám sát nghiêm ngặt quá trình thực hiện các dự án nhằm đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng và chi phí đầu tư đã duyệt.
2) Để phát triển ngành công nghiệp bô xít cần phải huy động và khai thác tối đa mọi nguồn lực trong nước kết hợp tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài có năng lực thực sự về mọi mặt: công nghệ, tài chính, thị trường trên các lĩnh vực chế biến alumin, điện phân nhôm, chế tạo sản phẩm sau nhôm, xây dựng kết cấu hạ tầng (cảng và đường sắt), xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường (nhất là hoàn nguyên môi trường và xử lý, tái chế bùn đỏ).
Để phát triển ngành công nghiệp bô xít quy mô lớn ở Tây Nguyên cần có đường sắt và cảng biển. Cảng và đường sắt này không chỉ phục vụ ngành công nghiệp bô xít mà còn phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Có như vậy, hệ thống cảng, đường sắt mới có hiệu quả. Do vậy, Nhà nước và địa phương cũng phải có trách nhiệm trong việc xây dựng cảng, đường sắt Tây Nguyên chứ không thể bỏ mặc cho ngành công nghiệp bô xít lo liệu. Doanh nghiệp chủ yếu lo liệu các công trình và vốn trong phạm vi trách nhiệm hoạt động kinh doanh của mình.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/ban-ve-chien-luoc-phat-trien-cong-nghiep-bo-xit-3367.htm” button=”Theo vinacomin”]