Là một trong những thợ cơ khí lâu năm, có tay nghề bậc cao của Công ty CP Chế tạo máy – Vinacomin, với 26 năm gắn bó với nghề, thợ Gò bậc 7/7 Nguyễn Ngọc Niên hàng ngày cần mẫn làm việc, không ngại khó khăn, vất vả, bởi trong anh luôn có sự đam mê, tâm huyết và tình yêu nghề.
Cơ duyên với nghề
Biết Nguyễn Ngọc Niên từ những năm đầu khi anh làm việc ở Nhà máy Cơ khí Trung tâm Cẩm Phả (nay là Công ty CP Chế tạo máy – VINACOMIN). Anh sinh năm 1971 ở Đông Triều, Quảng Ninh, học xong phổ thông, đi học nghề ở Trường Công nhân Cơ khí Chí Linh (nay là Trường ĐH Công nghiệp Sao Đỏ). Năm 1991, anh tốt nghiệp nghề Gò bậc 3/7 và về làm việc tại nhà máy cho đến nay.
Theo giới thiệu của anh Nguyễn Văn Bốn, Quản đốc Phân xưởng Kết cấu Xây lắp, tôi gặp Niên khi anh đang bận rộn với những tập bản vẽ và các sản phẩm cơ khí mà anh đang cùng với anh em công nhân chế tạo. Vẫn dáng người cao gầy, khuôn mặt vuông chữ điền và nụ cười hiền, nhưng có lẽ thời gian và công việc của một người thợ đã làm anh có vẻ già trước tuổi.
Gặp lại người quen cũ, không xa lạ gì nên chúng tôi thoải mái chuyện trò. Niên cười bảo, âu cũng là cơ duyên lúc đăng ký học nghề, khi anh bạn thân hỏi “học nghề gì” thì buột miệng trả lời “bạn đăng ký học nghề gì thì mình cũng học nghề đấy”. Thế là học nghề Gò, một nghề không hề dễ dàng, vậy mà thấm thoát đã 27 năm gắn bó với nghề. Niên tâm sự, nghề cơ khí nói chung và nghề gò nói riêng, ngoài việc học ở trường để có kiến thức cơ bản thì phải kiên trì, chịu khó. Riêng với nghề gò thì đòi hỏi phải có kiến thức về hình học, đọc bản vẽ kỹ thuật. Nhiều chi tiết, sản phẩm yêu cầu độ chính xác cao, bản vẽ rất phức tạp thì người thợ phải nghiên cứu kỹ bản vẽ, hình dung hình dạng, hình chiếu của chi tiết trên bản vẽ, tính chất và nguyên lý của sản phẩm cần chế tạo và lên quy trình công nghệ để chế tạo ra sản phẩm theo đúng yêu cầu kỹ thuật…
Lao động sáng tạo
Quá trình làm việc, thợ gò Nguyễn Ngọc Niên và anh em công nhân Phân xưởng Kết cấu Xây lắp đã hoàn thành không biết bao nhiêu sản phẩm, thiết bị, công trình phục vụ cho ngành Than và các ngành kinh tế khác. Đó là chế tạo, sửa chữa các thiết bị máy khoan, xúc, gạt cho khai thác mỏ lộ thiên, máy sàng rung, gầu ngoạm; hợp tác với Ba Lan sản xuất máy đào lò Combai AM-50Z; hợp tác với CH Liên bang Nga sản xuất máy xúc EKG 10m3; chế tạo máy xúc lật hông VMC E500-1; chế tạo thiết bị cho Dự án nhà máy tuyển quặng bauxite Tân Rai, Nhân Cơ; thiết bị cho Nhà máy cán thép – Công ty CP thép Hòa Phát Dung Quất… Với mỗi sản phẩm, thiết bị đều khác nhau về hình học, đa dạng và phức tạp nên trong quá trình làm việc, Niên đã vận dụng các kiến thức được học và luôn tìm tòi, sáng tạo để hoàn thành công việc. Là Tổ trưởng Tổ Kết cấu 2, Niên đã luôn phát huy tinh thần đoàn kết, trình độ, tay nghề của các thành viên trong tổ. Đồng thời, bản thân anh và anh em công nhân đã phát huy hàng chục sáng kiến để nâng cao năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế.
Nói về Niên, Quản đốc Nguyễn Văn Bốn tự hào: “Là một đảng viên, thợ bậc cao luôn gương mẫu, trách nhiệm trong công việc. Anh Niên và Tổ Kết cấu 2 luôn hoàn thành nhiệm vụ, là một tổ sản xuất dẫn đầu của Phân xưởng. Điều đáng quý nữa là anh Niên rất quan tâm hướng dẫn, đào tạo lớp công nhân trẻ để đáp ứng cho sản xuất”.
Với những cống hiến trong nghề, Nguyễn Ngọc Niên luôn đạt danh hiệu “Bàn tay vàng”, được tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua và năm 2014, được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng “Bằng Lao động sáng tạo” – với anh đó là niềm vinh dự, tự hào của người thợ, của sự say mê, tâm huyết và lòng yêu nghề.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/ban-tay-vang-cua-vmc-201809281657277148.htm” button=”Theo vinacomin”]