Trên con đường tầng quanh co đi lên mỏ vào ngày cuối năm, một bên là vách núi cao, một bên là moong sâu thẳm, mặt đường trơn lầy do mưa, hằn lên các vết lốp sâu, to của xe tải hặng nặng, chúng tôi mới cảm nhận hết được cái vất vả, gian nan của nghề làm mỏ.
Thế nhưng, khó khăn của trời đất dường như vẫn không làm giảm đi khí thế thi đua 90 ngày đêm sản xuất và tiêu thụ than quý IV. Trên các gương tầng, máy xúc ÝÊÃ , 8é, 10 é , máy xúc thủy lực gầu ngược PC-1250, PC-2000 vẫn quay đều gầu xúc đất đá, máy khoan điện #Á# 250, máy khoan thủy lực DML, CAT vẫn kêu ro ro cắm mũi khoan sâu vào lòng đất. Dưới mong sâu, các máy xúc thủy lực đang khẩn trương xúc than. Từng đoàn xe ô tô CAT, HD 60 đến 90 tấn nối đuôi nhau chở đất đá đổ vào bunke băng tải đá, ra đầu đường, xe khung động Volvo, HM trở đầy than ra, vào máng ga, trạm sàng. Các băng sàng đang tuôn chảy các dòng than đen, đánh đống to như núi…Tất cả đang là cuộc tấn công tổng lực, hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm. Nếu chỉ thực hiện kế hoạch đầu năm là bốc xúc và vận chuyển 28 triệu m3 đất đá, khai thác 3,1 triệu tấn than thì Cao Sơn chắc chắn hoàn thành ngay trong ngày đầu tháng 12. Song do yêu cầu sản xuất của Tập đoàn TKV, Cao Sơn đã nhận làm thêm 2.675.000 m3 đất đá, 143.000 tấn than. Mặc dù tăng sản lượng, kế hoạch sản xuất kinh doanh điều chỉnh vẫn được Cao Sơn hoàn thành vào dịp 22/12, chào mừng kỷ niệm 74 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Theo số liệu Công ty đang điều hành sát sao từng ngày thì Cao Sơn sẽ hoàn thành toàn diện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2018 như: Bốc xúc 30,7 triệu m3 đất đá, đạt 100,1% KH, bằng 119,6 năm 2017; khai thác 3,3 triệu tấn than, đạt 101,8% KH, bằng 106,3% năm 2017; tiêu thụ 3,7 triệu tấn than, đạt 115,5% KH, bằng 101,6% năm 2017; doanh thu đạt 4.100 tỷ đồng, đạt 105% KH, bằng 105% năm 2017; lợi nhuận 50 tỷ đồng, đạt 161% KH, bằng 111,4%; thu nhập bình quân người lao động đạt trên 9,2 triệu đồng/người-tháng, đạt 109% KH, bằng 117% năm 2017. Đặc biệt hơn cả là so với năm 2017, năm 2018, Cao Sơn chỉ tăng tiêu thụ than 1,6%, nhưng lợi nhuận lại tăng 11,4% và thu nhập của người lao động tăng trên 17%. Điều đó nói lên hiệu quả của công tác quản trị sản xuất kinh doanh, sự quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thợ mỏ của lãnh đạo Than Cao Sơn tăng cao.
Vậy điều gì giúp cho Cao Sơn “vượt núi” ngoạn mục như vậy? Lãnh đạo Công ty khẳng định, đó chính là sức mạnh của tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”. Tinh thần ấy được cụ thể hóa ở Cao Sơn thông qua việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhiều hơn cho các đơn vị từ quản trị chi phí đến đề xuất mua sắm vật tư, điều hành sản xuất, phân phối thu nhập cho người lao động… Công ty tăng cường quản lý, điều chỉnh sản xuất thông qua các quy chế, quy định, định mức minh bạch, công khai, đúng theo các quy định hiện hành và thực tế của Công ty. Điều này đã phát huy tính tự chủ, sáng tạo của tập thể, cá nhân người lao động quan tâm, chăm lo thiết bị, tăng năng suất lao động, tính toán hiệu quả từng ca làm việc, tiết kiệm vật tư, nhiên liệu…
Song hành với việc chuyển giao quyền tự chủ cho cơ sở, Công ty đã tập trung nỗ lực vào quản lý kỹ thuật, công nghệ khai thác. Việc lập kế hoạch khai thác, kế hoạch sản xuất kinh doanh được tính toán chi tiết, tỉ mỉ, tổng thể và được quản lý điều hành chặt chẽ theo thiết kế. Nhờ vậy, công tác kỹ thuật kết hợp nhịp nhàng với điều hành sản xuất từ hướng khai thác, chiều cao tầng khai thác, chiều rộng đường, bờ an toàn, bãi thải, chuẩn bị đất đá bắn tơi, moong khai thác… đều đúng theo tiêu chuẩn ngành, năng suất thiết bị tăng cao, chi phí được kiểm soát chặt chẽ.
Ngoài ra, việc đổi mới khoa học kỹ thuật, mở rộng quan hệ hợp tác trong sản xuất, áp dụng công nghệ tin học vào quản lý chi phí, giữ gìn an ninh, ranh giới mỏ, trật tự, an toàn… đem lại hiệu quả cao cũng là một động lực chính. Minh chứng cụ thể nhất là bài toán vận chuyển đất thải ra bãi thải Bàng Nâu dài hơn 5km của Cao Sơn đã thành công bằng hệ thống băng tải vận chuyển đất đá có tổng chiều dài 2,93km, chiều rộng 2m.
Dự kiến năm nay, hệ thống băng tải đá này “gùi” 17 triệu m3 đất đá ra bãi thải Bàng Nâu. Đây là dây chuyền vận chuyển đất đá liên hợp ô tô với băng tải, là đổi mới khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới vào sản xuất than ở Cao Sơn, là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa Công ty Cổ phần Tân Phú Xuân với Than Cao Sơn. Các chuyên gia kinh tế của Cao Sơn và TKV đều khẳng định: Nếu vận chuyển khối lượng đất đá thải này bằng ô tô thì Than Cao Sơn cần phải mua 70 xe ô tô CAT lớn nhất đang được sử dụng trong ngành Than có trọng tải 96 tấn, phải chi ra 65 triệu USD, tương đương 1.500 tỷ đồng để đầu tư và mỗi năm phải trả ngân hàng lãi vay hơn trăm tỷ đồng. Điều đáng kể là giá thành vận chuyển đất đá bằng băng tải thấp hơn giá thành vận chuyển đất đá bằng ô tô theo cung độ thực tế vận chuyển, nhất là giá dầu ngày một tăng cao như hiện nay, chưa kể đến chi phí làm đường vận chuyển, tưới nước dập bụi, san gạt bãi thải và chi phí rủi ro… khi vận chuyển bằng ô tô. Và nhiều, rất nhiều vấn đề dù nhỏ nhất vẫn đã và đang được Cao Sơn hoàn thiện, giúp cho thợ mỏ Cao Sơn vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Tập đoàn TKV giao năm 2018, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cho bốc xúc, vận chuyển 35,7 triệu m3 đất đá, khai thác 3,8 triệu tấn than và 42 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2019.
Kết quả sản xuất – kinh doanh xuất sắc năm 2018 và những năm trước đây đã khẳng định truyền thống thợ mỏ Cao Sơn đúng như nhà báo, nhà thơ Mai Phương đã viết:
“Tháng – năm qua không giây phút nào ngừng
Dốc núi cao, người còn cao hơn núi
Để mãi cho dòng suối than ngời chói
Người Cao Sơn luôn bước vượt núi cao”.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/ban-linh-cao-son-201901181457021376.htm” button=”Theo vinacomin”]