Mùa Xuân luôn khiến ta cảm thấy tràn trề nhựa sống, thiên nhiên, vạn vật dường như cũng sinh sôi nảy nở hơn vào mùa Xuân. Với dân tộc ta, mùa Xuân không chỉ thể hiện cho sự giao mùa, sự kết thúc của một năm cũ bước sang năm mới mà mùa Xuân còn gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc. Kể từ mùa Xuân đầu tiên nhân dân ta có Đảng, ngày 3-2-1930 đến nay, đã có rất nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc ta diễn ra.
Nhớ mùa xuân của 89 năm về trước, xuân Canh Ngọ năm 1930, Bác Hồ khai xuân chính là khai hội thành lập Đảng. Xuân Canh Ngọ năm đó đối với Bác Hồ thật đặc biệt. Sau bao nhiêu năm cách mạng Việt Nam chìm trong bóng đêm nô lệ, các phong trào yêu nước lần lượt thất bại, bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước. Người đã đến với chủ nghĩa Mác – Lênin và tìm thấy ở học thuyết khoa học cách mạng này con đường cách mạng giải phóng dân tộc. Ngày 3/2/1930, Người đã triệu tập Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhiệm vụ cách mạng được Người cụ thể hóa trong Chánh cương vắn tắt nhấn mạnh tới chủ trương chiến lược: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản… Làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, nhân dân được tự do…” Mùa xuân năm đó đi vào lịch sử của dân tộc.
Rồi mùa Xuân năm 1941, đúng 30 năm sau, kể từ năm Bác Hồ ra đi từ cảng Nhà Rồng tìm đường cứu nước, Người từ nước ngoài trở về Tổ quốc qua biên giới Việt – Trung, thuộc huyện Hà Quảng (Cao Bằng). Bác về ở hang Pác Pó, trực tiếp cùng Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam kháng chiến giải phóng dân tộc. Từ đây Bác Hồ ở trong nước, cùng Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Ở Pác Pó, Bác được đồng bào các dân tộc che chở, đùm bọc, yêu thương… Nỗi nhớ Tổ quốc, quê hương sau 30 năm trời đằng đẵng Người ra đi từ miền Nam yêu thương, bôn ba đất khách quê người, ngày trở về ở phía Bắc Việt Nam, cả đất, trời mùa Xuân quê hương đón Bác thật cảm động. Người cúi xuống hôn đất Mẹ nặng nghĩa tình. Đó là mùa Xuân lần thứ hai, lịch sử lại gắn Bác với Đảng, với vận mệnh của dân tộc. Phải chăng đó là “định mệnh” mang tính thời đại. Có một nhà thơ đã viết: “Cuối trời Bác đi ngàn sóng tiễn/Ngày về hoa nở thắm rừng biên/Ba mươi năm thức tìm chân lý/Lập nước Việt Nam sáng vạn niên”.
Cuộc sống kháng chiến vô cùng gian khổ, thiếu thốn, nhưng trong lòng Bác một tình yêu đất nước, giống nòi, ý chí khôi phục giang sơn giải phóng dân tộc không lúc nào nguôi thể hiện trong bài thơ bất hủ được Người viết tại hang Pác Pó, hội tụ của một nhà cách mạng vĩ đại và một thi nhân lớn: “Non xa xa, nước xa xa/Nào phải thênh thang mới gọi là/Đây suối Lênin, kia núi Mác/Hai tay xây dựng một sơn hà”. Từ Pác Pó mùa Xuân năm ấy, Bác và Đảng ta mở Hội nghị Trung ương lần thứ 8, họp từ 15 – 19/5/1941; quyết định đường lối cách mạng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, chuyển hướng chiến lược, chuẩn bị lực lượng toàn dân đấu tranh, tiến tới cuộc cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945.
Mùa xuân nối tiếp mùa Xuân. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thần thánh của dân tộc ta do Đảng, Bác Hồ lãnh đạo kéo dài hơn 20 năm, trải qua nhiều gian khổ, hy sinh, đã giải phóng hoàn toàn miền Nam (lại đúng vào mùa Xuân năm 1975), đưa non sông thu về một mối. Từ đây, Tổ quốc sạch bóng ngoại xâm, cả nước đi lên xây dựng CNXH, tiếp tục công cuộc đổi mới, thực hiện CNH – HĐH, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Đó là những mùa Xuân vĩnh hằng sứ mệnh lịch sử trao cho Bác và Đảng đem về trên đất nước Việt Nam.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/bac-ho-va-nhung-mua-xuan-ky-niem-201902011511306044.htm” button=”Theo vinacomin”]