Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặc biệt quan tâm đến thợ mỏ và ngành sản xuất than. Không chỉ nhiều lần xuống thăm Vùng mỏ, Người còn đến tận bếp ăn của công nhân, chăm chút cho họ từng bát cơm, con cá.
Cụ Nguyễn Thọ Chân, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, bùi ngùi kể: Thực tế thì sau khi tiếp quản Vùng mỏ, công việc của người thợ mỏ rất nặng nề nhưng đời sống vô cùng thiếu thốn, toàn cơm rau mắm, chả có thức ăn. Chúng tôi lo cho anh em công nhân nhưng chưa tìm được giải pháp. Có lần, Bác Hồ gọi tôi lên hỏi: “Này chú, Bác có một chuyện muốn nói với chú. Không biết chú có chịu làm hay không?”.
Tôi thưa rằng, Bác cứ chỉ thị, dù khó khăn đến mấy tôi cũng về bàn với anh em thường vụ làm cho bằng được. Bác bảo rằng anh em công nhân mỏ khổ lắm, ăn uống khem khổ như thế thì lấy sức đâu mà đào than. Các chú phải lo cho họ được bữa ăn có cá. Mỗi tháng 1 nhà phải có được 5 cân cá. Tôi thưa xin phép làm từ từ, đầu tiên là 3 cân đã. Được một thời gian, Bác lại gọi tôi kiểm tra. Tôi báo cáo đã được 3 cân rồi. Bác động viên: “Vậy tốt rồi. Các chú tiếp tục cố gắng”.
Cụ Chân chia sẻ: Thành thực mà nói, 3 cân cá đó chia ra cho cả tháng thì một ngày cả nhà chỉ có lạng cá thôi, chả ăn thua gì nhưng thời đó thế đã là quý giá lắm rồi. Còn tại sao có được cá ư? Hồi đó Vịnh Hạ Long có cá nhưng chúng ta toàn đánh thủ công, đánh gần bờ chẳng có tàu lớn mà đi khơi. Chúng tôi đã nhờ giúp đỡ xin được 1 đôi tàu, mỗi chiếc 300 mã lực để đánh cá. Anh biết không, lúc đó đôi tàu vươn khơi này to tiền lắm chứ chẳng chơi. Nhưng có tàu rồi lại sợ nhất là ra ngoài khơi gặp tàu của Mỹ đành quay vào đánh gần bờ hay trong lộng thì toàn cá tạp, cá bé. Tất nhiên, dù là cá bé thời điểm đó cũng quý rồi. Câu chuyện kể của cụ Chân minh chứng cho sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ đối với đời sống của thợ mỏ. Và không chỉ có những chỉ thị Người còn trực tiếp chỉ dẫn cụ thể để cho lãnh đạo tỉnh và ngành Than lúc đó thực hiện việc chăm lo đời sống công nhân.
Trước đó, ngày 30/3/1959, Bác Hồ về thăm vùng than lên tầng than Đèo Nai, vừa là trung tâm của vùng than Cẩm Phả, vừa có vị thế đẹp, bởi đứng trên đó sẽ bao quát được cả thị xã và vịnh Bái Tử Long. Không quản bụi bặm, Người leo lên tận tầng 10 công trường khai thác cơ khí mỏ Đèo Nai, đến từng cỗ xe goòng, trò chuyện với công nhân và dặn dò. Bác cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế: Chất lượng than khai thác còn kém, than cục chưa đảm bảo tỷ lệ quy định; công tác bảo hộ lao động còn yếu. Bác nói: “Cán bộ có cố gắng, nhưng chưa đầy đủ và còn một số cán bộ quan liêu, mệnh lệnh, cần phải gần gũi giúp đỡ công nhân sản xuất. Công nhân và cán bộ đoàn kết thành một khối thì việc gì cũng làm được”.
Sau khi đi thăm tầng than, Bác vào thẳng nhà ăn trên công trường. Bác hỏi chị em cấp dưỡng cho anh em ăn mấy món. Rồi Bác dặn: “Anh em công nhân mỏ làm việc vất vả, các cô phải cơm dẻo, canh ngọt cho mọi người”. Người đã căn dặn cán bộ phụ trách sản xuất của ngành Than phải liên hệ thật mật thiết với các đồng chí chuyên gia, và ra sức học tập các đồng chí chuyên gia, đồng thời phải thực hiện tốt bảo hộ lao động, phải chăm sóc đời sống vật chất tinh thần của cán bộ và công nhân. Sau này trong bài nói chuyện với lãnh đạo và công nhân mỏ, Người vẫn biểu dương nhà ăn của mỏ Đèo Nai nơi đã lên thăm: “Nhà ăn công cộng phải làm cho tốt như nhà ăn của công trường than Trụ”. Đồng thời, Bác Hồ cũng phê bình khu nhà 3 tầng Cẩm Phả đồ sộ nhưng bẩn thỉu, mất vệ sinh. Người còn động viên cán bộ, công nhân và gia đình thợ mỏ nên tăng gia, để tự cải thiện thêm đời sống.
Đến tận bây giờ, trong trái tim những cựu thợ mỏ còn sống, hình ảnh Bác Hồ lên công trường, vào tận bếp ăn của công nhân mãi không thể nào quên. Hình ảnh Bác Hồ với bộ áo nâu giản dị, ánh mắt sáng ngời, nụ cười đôn hậu, phong thái gần gũi và một giọng nói ấm áp đầy sức thuyết phục trên tầng than Đèo Nai đầy nắng gió, thật vĩ đại mà thân thương. Đó sẽ là động lực, là niềm tin cho cán bộ, công nhân ngành Than vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/bac-ho-cham-lo-bua-an-cho-cong-nhan-mo-201907081405448402.htm” button=”Theo vinacomin”]