Là một trong những đơn vị tiêu biểu của Tập đoàn trong việc thực hiện tốt các nhiệm vụ của công tác địa chất ở đơn vị, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Phó phòng Địa chất – Trắc địa Công ty đã chia sẻ về ba kinh nghiệm của Than Đèo Nai để thực hiện tốt nhiệm vụ trong công tác địa chất tại các mỏ khai thác lộ thiên.
(Ảnh tư liệu Công ty)
Đặc biệt quan tâm đến công tác nghiên cứu địa chất, địa chất công trình khoáng sàng than
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Địa chất mỏ là theo dõi, giám sát, đo vẽ, cập nhật thường xuyên, kịp thời các diễn biến, sự thay đổi của tình hình địa chất, các cấu trúc địa chất, địa chất công trình, địa chất thuỷ văn, cấu tạo, tính chất các lớp đất đá, các lớp vỉa than, các chùm vỉa than trên khai trường. Các thay đổi của cấu trúc địa chất, cấu tạo, tính chất các lớp đá, các vỉa than đều được đo vẽ và lập thành các bản vẽ gốc và được tổng hợp vào tài liệu địa chất phục vụ cho công việc chuẩn bị tài nguyên, cung cấp chính xác trữ lượng khai thác cho các kỳ kế hoạch, cung cấp tài liệu phục vụ cho công tác khoan nổ mìn phá đá trong bốc xúc đá mở vỉa than. Mặt khác, các tài liệu này giúp cho công việc nghiên cứu, tổng kết cấu trúc địa chất của mỏ, thành lập các báo cáo địa chất toàn mỏ, toàn vùng Than. Chính nhờ có sự thường xuyên theo dõi, cập nhật các biến động địa chất trên các gương tầng mà công việc chuẩn bị tài nguyên cho các kỳ kế hoạch hàng tháng, hàng quý, hàng năm, các kế hoạch dài hạn, đảm bảo độ chính xác, góp phần tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ các năm kế hoạch của Mỏ.
Nhớ lại năm 1995-1997, Mỏ than Đèo Nai rơi vào giai đoạn khó khăn tưởng như phải sáp nhập hoặc giải thể. Sản xuất kinh doanh kém hiệu quả do khai thác khu Moong, khu Công trường chính càng xuống sâu càng khó khăn, hệ số bóc đất đá không đảm bảo, bờ công trường quá dốc, dẫn đến tụt lở mạnh, ảnh hưởng xấu đến chất lượng than, giá bán than đã thấp càng thấp, không đủ chi phí cho các khâu sản xuất. Việc phát hiện ra vỉa than khu Nam moong, khu Nam vỉa chính với chất lượng tốt, thế nằm của vỉa gần như nằm ngang, hệ số bóc đất nhỏ (dưới 3m3/tấn), đã đưa Mỏ than Đèo Nai sang một trang mới. Từ đó công tác nghiên cứu địa chất càng được lãnh đạo Than Đèo Nai quan tâm nhiều hơn, các khu vực khác trong mỏ đều được đầu tư thăm dò thích đáng, các công trình thăm dò sâu đã làm tăng thêm trữ lượng cho khoáng sàng.
Đặc biệt, với việc nghiên cứu chi tiết, tỉ mỉ đứt gãy F.K, đứt gãy từ lâu được các nhà địa chất gọi là đứt gãy nghịch có cự ly dịch chuyển rất lớn, được coi như ranh giới tự nhiên phân chia 2 khối cấu trúc địa chất lớn Đèo Nai – Cọc Sáu, thực ra chỉ là đứt gãy thuận nhỏ. Việc phát hiện này làm đảo lộn quan niệm đồng danh các vỉa than thuộc dải chứa than vùng Cẩm Phả. Trước đây cho rằng vỉa than đang khai thác ở Công trường chính khoáng sàng than Đèo Nai “vỉa G(4)” nằm trên vỉa than đang khai thác ở khu Tả Ngạn khoáng sàng than Cọc Sáu “ vỉa Dày(2)”. Nay thì vỉa than đang khai thác của khoáng sàng than Đèo Nai chui dưới gầm vỉa than đang khai thác của khoáng sàng than Cọc Sáu.
Thực hiện tốt công tác bảo vệ quản trị tài nguyên
Để công việc bảo vệ và quản trị tài nguyên (QTTN) được tốt, bộ phận Địa chất đã cung cấp một cách đầy đủ và chính xác các yếu tố cấu tạo của vỉa, điều kiện Địa chất từng khu vực cho các bộ phận lập kế hoạch, thiết kế khai thác. Trực tiếp hướng dẫn cho các công trường, đơn vị sản xuất khi khai thác than ở các khu vực có cấu tạo địa chất phức tạp, theo dõi và thường xuyên yêu cầu các đơn vị khai thác tận thu các phần than bám vách, bám trụ vỉa than, các lớp, vỉa kẹp mỏng. Duy trì việc cân đối, tính toán tỷ lệ thu hồi than thương phẩm, tỷ lệ tổn thất than hàng năm. Tổ chức các hội nghị chuyên đề, bàn biện pháp nâng cao tỷ lệ thu hồi than thương phẩm, giảm tỷ lệ tổn thất trong quá trình khai thác, nhờ đó công tác QTTN đã đi vào nền nếp. Tỷ lệ tổn thất than hàng năm theo thiết kế là 10%, hiện đã giảm còn khoảng dưới 5%.
Công tác thăm dò nâng cấp trữ lượng luôn được chú ý thích đáng
Hàng năm, Công ty đều lập kế hoạch khoan thăm dò, khảo sát địa chất, và tổ chức thi công các công trình thăm dò phục vụ cho công tác nghiên cứu, tổng hợp tài liệu địa chất. Số lượng lỗ khoan thăm dò tính đến hết năm 2018 là 539 lỗ khoan, khối lượng mét khoan đã thực hiện tính đến nay đạt hơn 131.000 mét. Công tác lập các báo cáo Địa chất, ngoài các báo cáo Địa chất ban đầu do bộ phận tìm kiếm, thăm dò thành lập và cung cấp, từ khi thành lập mỏ đến nay, Mỏ than Đèo Nai đã tiến hành nhiều lần lập các báo cáo địa chất để phục vụ công tác khai thác. Bên cạnh công tác nghiên cứu địa chất, công tác nghiên cứu địa chất công trình, tính chất cơ lý các loại đá cũng được tiến hành, nhằm phục vụ cho công tác thiết kế các hộ chiếu khoan nổ mìn phá vỡ đá để các máy xúc làm việc với năng suất cao.
Trên cơ sở bổ sung thêm các công trình thăm dò, các lộ trình khảo sát, tiến hành thành lập các báo cáo địa chất tổng hợp và tính lại trữ lượng than cho toàn bộ khoáng sàng than Đèo Nai, các báo cáo đề tài nghiên cứu địa chất công trình, khảo sát tính chất cơ lý các đá của khoáng sàng than Đèo Nai. Kết quả các cấu trúc địa chất, cấu tạo vỉa than, chất lượng than, trữ lượng than, tính chất cơ lý, sự phân bố các lớp đá ở các khu vực đã chính xác hơn, tạo thuận lợi cho công tác thiết kế, lập kế hoạch khai thác than ngắn hạn cũng như dài hạn, công tác tiêu thụ sản phẩm của Công ty CP than Đèo Nai, góp phần tạo nên bước đột phá trong sản xuất kinh doanh của Công ty cũng như của Tập đoàn TKV.
Để hoàn thành nhiệm vụ SXKD của Công ty năm nay và các năm tiếp theo với yêu cầu sản lượng cao, chất lượng than tốt, điều kiện khai thác xuống sâu ngày càng khó khăn sẽ đòi hỏi những cán bộ kỹ thuật Địa chất cần phải phấn đấu nỗ lực hơn nữa. Trong đó bộ phận kỹ thuật địa chất luôn phải đi đầu trong công tác cập nhật khai thác và chuẩn bị tài nguyên tốt, vì vậy cần phát huy thế mạnh và tính tiên phong, tìm tòi các giải pháp tối ưu nhất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ SXKD, góp phần vào sự phát triển bền vững của Công ty.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/ba-kinh-nghiem-cua-than-deo-nai-201901171547268427.htm” button=”Theo vinacomin”]