Mặc dù có nhiều thành quả đáng kể, nhưng nhìn lại cả quá trình hơn 20 năm qua, có thể dễ nhận thấy bức tranh về phát triển công nghệ sản xuất của Tập đoàn Vinacomin chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc phát triển chỉ dựa vào mở rộng sản xuất là chính, chưa đạt được trình độ cao trong áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến. Mặc dù năng suất lao động của Tập đoàn đã tăng nhưng so với khu vực, so với thế giới còn rất khiêm tốn.
Một điều khá quan trọng nữa là, để đáp ứng cho các lò chợ cơ giới hóa được hoạt động liên tục thì công tác đào lò cũng phải được đầu tư đồng bộ. Tuy nhiên, hiện nay, trình độ đào lò của công nhân cũng như áp dụng cơ giới hóa đào lò cũng gặp phải khó khăn. Tiến độ đào lò ở nhiều mỏ chậm do công nhân thiếu sự chủ động sáng tạo khi gặp điều kiện khó khăn, chủ yếu chờ chỉ đạo của các chuyên gia và lãnh đạo Tập đoàn. Nhiều máy đào lò được đầu tư nhưng mang lại hiệu quả không cao, thậm chí nhiều máy đào lò phải … “đắp chiếu”. Theo tính toán, khối lượng đào các đường lò chuẩn bị để có diện khai thác cũng rất lớn. Chẳng hạn như các dự án đang thực hiện, tổng chiều dài các đường lò dự kiến đào bằng cơ giới hóa từ nay đến năm 2015 lên đến 82,4 km. Với năng lực đào lò như hiện nay, khó có thể đáp ứng yêu cầu về diện sản xuất và ảnh hưởng đến kế hoạch sản lượng của các công ty. Đây cũng là một rào cản khiến hàm lượng công nghệ trong khai thác còn thấp.
Ðể duy trì và phát triển theo hướng hiện đại, các đơn vị trong Tập đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác áp dụng cơ giới hóa khai thác và đào lò tại những khu vực có điều kiện địa chất kỹ thuật mỏ phù hợp. Trên cơ sở điều kiện địa chất và hiện trạng khai thác, cần tiếp tục triển khai khai thác lò chợ cơ giới hóa tại các đơn vị như Nam Mẫu, Khe Chàm, Vàng Danh và thực hiện nghiên cứu triển khai đưa cơ giới hóa khai thác vào một số khu vực có khả năng áp dụng tại các mỏ như Hà Lầm, Thống Nhất, Dương Huy. Do đó, trong thời gian tới, cần tiếp tục áp dụng và đẩy mạnh triển khai cơ giới hóa trong đào lò; cơ giới hóa trong công tác chống neo, bê-tông phun nhằm tăng tốc độ và năng suất đào lò tại các mỏ than như: Khe Chàm, Mông Dương, Dương Huy, Hà Lầm, Vàng Danh, Nam Mẫu…
Thực tiễn đòi hỏi việc áp dụng cơ giới hóa trong đào lò và khai thác than hầm lò là cấp thiết trong giai đoạn hiện nay để đáp ứng yêu cầu tăng sản lượng khai thác, bảo đảm phát triển bền vững ngành Than. Nhất là trong bối cảnh công tác tuyển lao động làm việc trong các mỏ hầm lò gặp nhiều khó khăn, công nhân bỏ việc nhiều, điều kiện khai thác ngày càng khó khăn do xuống sâu hơn. Chính vì vậy, các đơn vị cần thăm dò bổ sung, đánh giá chính xác trữ lượng than có khả năng áp dụng cơ giới hóa; xây dựng trung tâm bảo trì và bảo dưỡng thiết bị, đào tạo thợ cơ khí có tay nghề cao… Ngoài việc đề nghị Nhà nước có sự khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cả về nguồn lực và cơ sở vật chất trong nghiên cứu thiết kế, nội địa hóa chế tạo các sản phẩm cơ khí và trang thiết bị cơ giới hóa, Tập đoàn cần tập trung huy động nguồn vốn đầu tư xã hội cho các dự án cơ giới hóa khai thác và đào lò, tăng cường gắn kết giữa tập đoàn, đơn vị tư vấn, nghiên cứu với các doanh nghiệp khai thác hầm lò trong quá trình đầu tư và phát triển áp dụng cơ giới hóa.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/ap-dung-cong-nghe-cao-trong-dao-lo-va-khai-thac-than-nhiem-vu-cap-thiet-2465.htm” button=”Theo vinacomin”]