Giám đốc Hoàng Bạch Đằng tham gia cứu hộ tại Đạ Dâng – Lâm Đồng
Tôi biết Hoàng Bạch Đằng, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu mỏ – TKV từ những năm 1990 của thế kỷ trước khi ông còn là Trạm trưởng Trạm Cấp cứu mỏ Cẩm Phả. Khi đó hình ảnh Hoàng Bạch Đằng hàng ngày như con thoi trên các công trường hầm mỏ ở khu vực Cẩm Phả đã để lại những ấn tượng tốt đẹp với tôi. Nhưng nó thật sự có ấn tượng mạnh mẽ trong lần tiếp xúc với anh trong vụ cứu hộ Mỏ than Khe Chàm bị sự cố nổ khí năm 2008. Hoàng Bạch Đằng khi đó mặt mũi đen nhẻm, da sạm lại, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ. Suốt đêm xảy ra sự cố hôm đó, Hoàng Bạch Đằng đã cùng với anh em trong lực lượng cấp cứu mỏ liên tục bám hiện trường dưới mức âm 225 làm công tác cứu hộ và khắc phục sự cố. Trong điều kiện nhiệt độ cao và nồng độ khí độc, khí hại lớn, nhưng Hoàng Bạch Đằng cùng với anh em trong đội cấp cứu mỏ đã không quản ngại khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Năm 2014, Hoàng Bạch Đằng khi đó là Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu mỏ dẫn đội quân Thợ mỏ tinh nhuệ của ngành Than – Khoáng sản Việt Nam tham gia cứu hộ tại vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, Lâm Đồng. Lần thứ ba tôi được chứng kiến Hoàng Bạch Đằng với tác phong của một người chiến sĩ cứu hộ dũng cảm và đầy nhiệt huyết. Mặc dù khi đó, anh cũng đã là những lớp người không còn ít tuổi nữa. Suốt mấy ngày, Hoàng Bạch Đằng đã không ngủ với những bữa cơm vội vã để cùng anh em đồng đội phối kết hợp với các lực lượng cứu hộ trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt, mưa phùn gió bấc và cái lạnh thấu xương. Anh hoạt động theo tác phong của những người lính cứu hộ luôn nỗ lực cao nhất, khẩn trương và chắc chắn.
Là người đi lên từ thợ lò, giờ đây ở cương vị Giám đốc Trung tâm Cấp cứu mỏ, Hoàng Bạch Đằng hiểu hơn ai hết những nỗi vất vả của những người thợ mỏ đang ngày đêm trong hầm lò sản xuất than. Anh luôn tâm niệm, phải làm sao để thủ tiêu những sự cố trong hầm lò, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động để những người làm công tác cấp cứu mỏ không phải chứng kiến những sự cố đau lòng xảy ra. Do vậy, hàng ngày anh luôn cùng với anh em bám mỏ để đề xuất những giải pháp thủ tiêu sự cố. Bên cạnh đó, Hoàng Bạch Đằng luôn chỉ đạo anh em luyện tập với cường độ cao nhất để đề phòng khi xảy ra sự cố, anh em có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất. Bởi theo anh, trong nghề khai thác mỏ luôn tiềm ẩn những rủi ro bất thường. Do vậy anh em phải luôn luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu sự cố khi cần thiết.
Trong quá trình công tác, Hoàng Bạch Đằng có nhiều sáng tạo trong công việc. Anh đã cùng các đồng nghiệp nghiên cứu thành công thiết bị công nghệ chuyên ngành cấp cứu mỏ tiên tiến của các nước phát triển đề xuất và triển khai áp dụng tại đơn vị như: Thiết bị cứu hộ LUKAS, hệ thống sinh khí Ni tơ dập cháy trong mỏ hầm lò; xe cứu hỏa tích hợp nhiều vật liệu dập cháy; máy thở cách ly dùng cho cán bộ, đội viên giải quyết sự cố trong vùng không khí độc do hãng DRAGER sản xuất; các xe cứu hộ đa năng v.v. Ngoài ra, anh cũng đã cùng với đồng nghiệp đề xuất xây dựng khu nghiên cứu thực nghiệm Cấp cứu mỏ để nghiên cứu chuyên ngành và huấn luyện kỹ chiến thuật cho lực lượng cán bộ điều hành mỏ, cấp cứu mỏ chuyên nghiệp và cấp cứu mỏ bán chuyên. Là Chủ tịch Hội đồng sáng kiến của Trung tâm Cấp cứu mỏ, Hoàng Bạch Đằng đã thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy phong trào sáng kiến. Mỗi năm toàn đơn vị có từ 10 – 30 sáng kiến được đưa vào áp dụng, trong đó, anh là người đóng góp nhiều nhất chiếm phần lớn số sáng kiến được áp dụng của đơn vị.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/an-tuong-hoang-bach-dang-201611100002356089.htm” button=”Theo vinacomin”]