Dù công việc và cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng xóm thợ 135 (Cẩm Bình, Cẩm Phả) luôn có cách ăn Tết đặc biệt, tạo ra những ấn tượng riêng của mình. Hơn thế nữa, một năm có nhiều cái Tết, không chỉ có Tết Nguyên đán, Tết nào các gia đình cũng gặp mặt, vui vẻ bên những mâm cơm truyền thống.
Xóm thợ 135 nằm trong một con đường ngõ vào khu rặng dừa. Trước đây, hai bên con đường được trồng nhiều dừa nên còn gọi là xóm rặng dừa. Đường vào không rộng rãi lắm, nhưng vào trong nhà nào cũng rộng. Có thời, mỗi nhà còn có một mảnh đất chỉ để trồng rau ăn. Nhà nào nhiều không ăn hết mang ra chợ bán. Gọi là xóm thợ vì ở đây chủ yếu là những gia đình thợ mỏ đã làm việc lâu năm tại các mỏ như Than Đèo Nai, Dương Huy, Thống Nhất, Cao Sơn, Cọc Sáu… Nhiều người làm việc cả trong Mông Dương, Khe Chàm. Mặc dù các gia đình, mỗi người làm một mỏ, nhưng cùng trong điều kiện hoàn cảnh, giai cấp giống nhau, nên gia đình nào cũng thân thiện, í ới, ca kíp suốt ngày. Những người đi cùng ca còn lập ra hội chè lá “chém gió” những lúc rảnh rỗi đủ chuyện trên rừng, dưới biển…
Cũng từ những nếp sinh hoạt văn hóa “rất làng” này mà hễ có gia đình nào trong xóm có việc thì dù công to hay việc nhỏ các gia đình khác đều có mặt, hỗ trợ, giúp đỡ, chia ngọt, sẻ bùi. Anh Nguyễn Văn Cường, thợ cơ điện bậc 6/7 – Công ty than Khe Chàm, chia sẻ, hễ cứ “động đũa bát” là phải vài mâm cỗ vì đã người này thì phải có người kia, thế mới vui. Nhiều khi, lâu không có công việc gì, nhiều người còn thấy “ngứa ngáy”, đưa ra đủ lý do thuyết phục để anh em gặp mặt. Cũng chỉ vài chén rượu, dăm con hàu, đĩa ốc luộc, vài con ngán… những thứ quen thuộc, chẳng lấy làm sang trọng với người Cẩm Phả, thế nhưng, chỉ có thế, anh em có thể ngồi được thâu đêm.
Lâu dần thành quen, xóm thợ tổ chức “ăn” hầu như hết các ngày Tết trong năm. Từ Tết Nguyên Đán, Tết Nguyên Tiêu, Tết Hàn Thực đến Tết Thanh Minh, Tết Trung Thu, Tết táo quân… Hầu như tháng nào cũng ăn Tết. Và đã ăn là ăn hoành tráng. Cả xóm ăn, hàng chục mâm cỗ. Anh Cường vui vẻ cho biết, năm vừa rồi, thịt lợn hạ giá, xóm đã “cứu lợn” đến khoảng 5 – 6 con. Tết nào cũng thịt lợn. Nhưng to nhất là Tết Trung Thu, chán ăn thịt lợn, các gia đình bàn nhau ăn “thịt nghé”. Cả xóm làm một một con nghé khá to. Ngoài ăn liên hoan chung, các hộ còn chia nhau mang về bỏ tủ ăn dần. Trước đó vài ngày, cả xóm đã tập trung làm đèn ông sao, cố gắng làm ông sao to treo ngay đầu ngõ. Hôm Trung Thu, cả xóm tập trung cho các cháu múa hát sớm rồi “đánh chén”, “trông trăng”, hát karaoke đến khuya…
Các Tết trong năm vui như vậy, nhưng theo anh Cường, Tết Nguyên Đán trong xóm lại không vui bằng vì đa phần các gia đình về quê ăn Tết. Số ít ở lại, người thì đi trực trên công trường, người thì đi chơi đâu đó. Đây là điều khá đặc biệt tại xóm Thợ mỏ này và cũng là điều đặc biệt chung của hầu hết các khu mỏ trên địa bàn Quảng Ninh. Cũng giống như ở Hà Nội, những ngày Tết con đường nào cũng thông thoáng, chẳng giống như ngày thường, người – xe đan nhau nhộn nhịp. “Năm nay, gia đình tôi ở lại ăn Tết, ngoài việc vợ chồng thay nhau đi trực Tết, còn phải đảm nhận nhiệm vụ trông nhà cho mấy gia đình nữa. Biết là không vui bằng về quê, nhưng cứ thay nhau, năm về quê, năm ở…” – Anh Cường tâm sự và nhả làn khói thuốc nhìn tư lự…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/an-tet-kieu-xom-tho-135-201802081758269781.htm” button=”Theo vinacomin”]