Ngày qua ngày, giữa một không gian bao la của núi rừng Tây Nguyên, khu vực xã Nhân Cơ, huyện Đăk R’lấp, Đăk Nông đã sừng sững mọc lên một tổ hợp nhà máy lớn – Nhà máy Alumina. Đêm về, Nhà máy bừng sáng như làm cho Tây Nguyên thêm ấm áp hơn. Đó thực sự là một câu chuyện cổ tích của thời hiện đại, đánh dấu một bước ngoặt với đất và người Tây Nguyên. Giờ đây, họ không chỉ còn có nghề trồng cây cà phê, cây tiêu, cây điều… vốn từ xưa cột lấy người dân Tây Nguyên như chính cái tên của nó, mà còn có thêm một nền công nghiệp mới – khai thác và chế biến alumina.
Không chỉ mới đối với người Tây Nguyên, nền công nghiệp khai thác và chế biến alumina cũng là đầu tiên với cả đất nước. Tây Nguyên là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi. Đi dọc các tỉnh Tây Nguyên mới thấy sự trù phú của vùng đất này. Tây Nguyên bạt ngàn cây công nghiệp có giá trị, xanh ngút tầm mắt. Thời tiền sử, nơi đây có nhiều miệng núi lửa hoạt động mạnh đã để lại cho Tây Nguyên một vùng đất đỏ với độ cao gần một ngàn mét so với mực nước biển. Núi Hàm Rồng hiện lên rõ nét chính là một trong những miệng núi lửa phun trào lớn nhất tại Tây Nguyên. Núi lửa hoạt động và quá trình phong hóa không những làm cho đất đai Tây Nguyên màu mỡ, mà còn ban tặng cho Tây Nguyên một trữ lượng bauxite lên tới hàng tỷ tấn. Bauxite là một loại khoáng sản giàu oxit nhôm, lên tới 95% nên còn gọi là bauxite nhôm. Tuy nhiên, bauxite còn có cả các thành phần oxit sắt và một số khoáng sản khác. Do vậy, nhiều doanh nghiệp đã thí nghiệm để hy vọng có thể lấy được oxit sắt từ chất thải – còn gọi là bùn đỏ – khi khai thác và tuyển alumina.
Dẫn chúng tôi đi một vòng nhà máy, Kỹ sư Ngô Tố Ninh, Phó Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông cho biết, đến nay, toàn bộ các hạng mục công trình xây dựng nhà máy cũng như các gói thầu đã hoàn thiện. Công ty và các nhà thầu đang tiến hành chạy thử liên động để hiệu chỉnh, tiến tới vận hành toàn bộ tổ hợp nhà máy trong thời gian sớm nhất. Tổ hợp nhà máy alumina là những cỗ máy khổng lồ. Chỉ tính riêng hệ thống giao thông bằng đường rải nhựa giữa các cụm trong tổ hợp đã lên đến 22 kilômét. Do vậy, nếu tính hệ thống các đường ống nước, ống hơi… thì có thể lên đến hàng ngàn ki lô mét. Kỹ sư Ngô Tố Ninh cho biết, với những thiết bị đồ sộ đó, việc vận hành hiệu chỉnh trong quá trình chạy thử vô cùng phức tạp. Do vậy, trong thời gian hiệu chỉnh không tránh khỏi những sự cố. Tuy nhiên, đây là điều hết sức bình thường. Nhà thầu sẽ có trách nhiệm khắc phục, hiệu chỉnh để đảm bảo cho nhà máy đi vào vận hành ổn định trước khi chuyển giao. Trong thời gian vừa qua, hệ thống nhà máy phát điện trong tổ hợp đã hoạt động khá ổn định. Đây là hạng mục quan trọng, bởi nhà máy điện trong tổ hợp, chức năng phát điện chỉ là một vấn đề nhỏ. Điều quan trọng là nhà máy này cung cấp lượng khí, hơi nóng cần thiết cho việc vận hành các cụm tuyển khác. Ngoài ra, các khu vực sàng tuyển, cung cấp nguyên liệu, hồ chứa bùn đỏ… cũng đã sẵn sàng đi vào hoạt động khi gói thầu chính nhà máy tuyển alumina được vận hành.
Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã cơ bản hoàn thành và tiến hành chạy thử
Có thể khẳng định, cho đến thời điểm này, nhà máy đã cơ bản hoàn thành và chuẩn bị đi vào hoạt động. Đây là sự nỗ lực không mệt mỏi, kiên trì mục tiêu của tập thể cán bộ, công nhân Ban quản lý, Công ty Nhôm Đắk Nông cũng như sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tập đoàn. Bởi trong quá trình từ khi triển khai thăm dò, cho đến khi đặt nền móng và chính thức triển khai xây dựng, Dự án gặp không ít khó khăn. Từ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đến công tác triển khai các gói thầu chính. Ngay cả đối với dư luận từ quần chúng, thậm chí là những nhà khoa học, văn sỹ cũng có không ít quan điểm trái chiều.
Ông Kiều Đức Quang, TP TCNS Công ty (ngoài cùng bên trái) cùng các cộng sự chuẩn bị nhân sự cho nhà máy
Kỹ sư Ngô Tố Ninh nhớ lại, có thể nói, công tác giải phóng mặt bằng Nhà máy là một thắng lợi lớn. Thời gian đầu, công tác giải phóng mặt bằng chưa tìm được tiếng nói chung với bà con nhân dân bởi sự khác biệt về văn hóa, quan điểm, thậm chí còn có những sự chống phá của các thế lực thù địch từ bên ngoài. Ai cũng biết, Tây Nguyên là vùng đất đặc biệt của Tổ quốc bởi không chỉ vì sự ưu đãi của thiên nhiên, mà còn vì một vị trí đắc địa về nhiều mặt kinh tế, chính trị. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung ương luôn cho rằng, nếu chiếm lại được Tây Nguyên cũng đồng nghĩa chúng ta sẽ có bàn đạp giải phóng hoàn toàn Miền Nam. Cũng chính vì vậy mà trong thời kỳ xây dựng đất nước, Tây Nguyên luôn là điểm nóng của những diễn biến hòa bình. Không ít bà con, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số đã mắc mưu những thế lực xấu từ bên ngoài. Họ tuyên truyền gây khó khăn cho việc thực hiện Dự án. Cũng chính vì vậy, có nhiều thời điểm, Nhà máy dường như chững lại. Tuy nhiên, với ý chí và tinh thần quyết tâm cao, cùng với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tập đoàn, cán bộ, nhân viên Ban quản lý, Công ty đã “ba cùng” với nhân dân, giải thích, thuyết phục để bà con hiểu rõ những lợi ích từ sự chuyển đổi ngành nghề, xây dựng kinh tế, làm giàu cho quê hương… Đặc biệt, thời kỳ đầu còn có sự tham gia nhiệt tình và khéo léo của cán bộ, chiến sỹ Tổng Công ty Đông Bắc. Họ thực sự là những người lính thời bình “làm đâu được đấy”. Do vậy, công tác giải phóng mặt bằng là vấn đề nan giải nhất cũng đã được hoàn thành, góp phần quan trọng vào những bước triển khai xây dựng Nhà máy.
Một góc Kho tinh quặng đầu vào của tổ hợp
Là người theo dõi Dự án từ những ngày đầu, cứ mỗi lần đến Nhân Cơ, tôi lại thấy có nhiều đổi khác. Lần đầu tiên, Nhân Cơ hoang vắng với vài vệt đất đỏ. Khi đó, ông Dương Văn Hòa, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn được giao nhiệm vụ Tổng chỉ huy Dự án chỉ tay về những vệt đất trơ chọi đó nói với chúng tôi: Đó chính là mặt bằng nhà máy. Rồi ông giải thích với chúng tôi về những vị trí mà không ai trồng được cây gì, chỉ mọc lên những vạt cỏ dại vì khu vực đó có trữ lượng bauxite lớn. Những vùng có bauxite cây cỏ cũng còn khó mọc chứ chưa nói đến những cây công nghiệp. Bauxite lại là loại khoáng sản hầu như chỉ nằm trên bề mặt trầm tích. Khi khai thác hết và trả lại cho nó một lớp đất phủ, đấy mới là lúc có thể trồng trọt được tốt hơn. Cái lợi này không phải bà con nào cũng hiểu, nên phải giải thích, phân tích cho bà con hiểu để cùng làm…
Lần này đến lại thấy Nhân Cơ trù phú hơn. Những hàng quán dần mọc lên. Những cụm Nhà máy cứ cao dần và được mở rộng ra. Những tuyến băng tải dài mấy cây số mềm mại như những dải lụa, tạo cho Nhân Cơ một sắc thái mới, hiện đại hơn. Nhìn Nhà máy về ban đêm đã bừng sáng cả một vạt núi rừng và lấp lánh xen kẽ những hồ nước long lanh, tôi lại thấy thêm một cảm giác ấm áp hơn.
Dẫu biết rằng, làm kinh tế, các nhà doanh nghiệp luôn phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức. Nhất là trong bối cảnh áp lực ngày càng cao của việc cân bằng giá phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Dường như cơ hội càng lớn thì thách thức cũng càng nhiều. Tiền nhân đã chẳng nói: “Thuyền to – Sóng lớn” còn gì. Nhưng những bước đi của nhà máy đã thực sự thể hiện ý chí quyết tâm của công nhân, cán bộ trong toàn Tập đoàn. Tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” của các thế hệ Thợ mỏ đã không còn bó hẹp trong không gian vùng Than, mà nó đã lan rộng tới mọi miền đất nước thông qua những công trình, nhà máy mang ý chí của những người Thợ mỏ. Ngay sau khi nhà máy đóng điện và bừng sáng, Tập đoàn đã cử đoàn công tác đến thị sát để tìm con đường hợp lý nhất trong quá trình tiêu thụ alumin do ông Đinh Tiến Hòa, Trưởng Ban Vật tư Thương mại Tập đoàn dẫn đầu. Chặng đường phía trước đang còn nhiều khó khăn do hầu hết giá các loại khoáng sản trong và ngoài nước đều giảm. Tuy nhiên, Thợ mỏ luôn tin tưởng vào tương lai, bởi trên thực tế, Thợ mỏ đã trải qua nhiều thăng trầm và đều tìm ra những giải pháp vượt qua.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/alumin-nhan-co-da-sang-den-201608191252204787.htm” button=”Theo vinacomin”]