Ngay sau khi Bộ Năng lượng công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam và quyết định nhân sự lãnh đạo của Tổng Công ty, một tổ công tác “đặc biệt” đã ra đời. Tổ có nhiệm vụ chuẩn bị cơ sở vật chất, nội dung Điều lệ… để Tổng Công ty hoạt động. Từ Điều lệ và các văn bản pháp quy do Tổ xây dựng nên, đến nay vẫn là cốt lõi, nền móng vững chắc, là định hướng chiến lược để xây dựng TKV phát triển bền vững.
Theo dòng hồi tưởng của ông Nguyễn Viết Hoè (nguyên Chủ tịch HĐQT TCT Than nay là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam) nhớ lại những ngày đầu tiên chuẩn bị cho việc thành lập TCT Than Việt Nam. Do là mô hình thí điểm “Tổng Công ty 91” – loại doanh nghiệp chưa có tiền lệ ở Việt Nam lúc bấy giờ nên tất cả đều mới mẻ ngay cả việc soạn thảo điều lệ, mô hình tổ chức, quản lý TCT, chuẩn bị nhân sự cho bộ máy điều hành và lo cơ sở vật chất ở văn phòng Hạ Long và Hà Nội. Ban đầu chỉ có ông và ông Đoàn Văn Kiển (nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn), rồi sau đó mới thành lập một Tổ công tác bao gồm các chuyên gia đầu ngành của các công ty sản xuất than lúc bấy giờ để soạn thảo ra những điều lệ tổ chức và hoạt động của TCT Than Việt Nam.
Vạn sự khởi đầu nan với khó khăn, thiếu thốn mọi bề. Các ông vẫn nói vui, đó là thời kỳ 3 không: không nhà, không tiền, không cơm. Vì nhà và cơm ăn thì nhờ Công ty than Cẩm Phả tại địa chỉ 466 Láng Trung, tiền thì gần như không có vì cơ sở ban đầu chưa có gì. Có thể nói là đi lên từ hai bàn tay trắng. Vất vả vậy nhưng mọi người đều có ý thức rất cao trong công việc. Làm việc miệt mài, không tính toán thiệt hơn, không kể giờ giấc hay ngày nghỉ. Làm việc bằng tất cả sự say mê, tận tâm với nghề. Nhiều khi có đồng chí đêm đang ngủ chợt nảy ra ý tưởng hay, lập tức dậy gọi anh em để cùng bàn luận. Rồi khi soạn thảo điều lệ, do không có tài liệu tham khảo nên Tổ công tác gặp nhiều khó khăn. Viết đi rồi lại viết lại, mỗi lần sửa là phải chép lại từ đầu do chưa có máy tính như bây giờ. Anh em trong Tổ cùng nhau thảo luận, trao đổi, nhiều khi xảy ra những “cuộc tranh luận nảy lửa” nhưng rồi cũng đi đến sự thống nhất.
Thế hệ cán bộ “vàng” yêu nghề và đầy nhiệt huyết
Ông Đoàn Văn Kiển, người được giao nhiệm vụ Tổng giám đốc TVN nhớ lại: “Anh Nguyễn Văn Dấu, Vụ trưởng Vụ TCCB – Bộ Năng lượng có thông báo với tôi, anh cần điều ai từ các Công ty, để làm gì cứ nói, đảm bảo với anh sẽ đáp ứng đầy đủ”. Kết quả là lần lượt các thành viên của Tổ chuyên viên gồm: Các ông Nguyễn Quang Tổng, Đinh Quang Vinh, bà Đoàn Thị Thanh Uyên từ Công ty Than Nội địa, Trần Hữu Liên, Nguyễn Văn Nghiệp, Phạm Minh Thảo từ Công ty than Cẩm Phả; Nguyễn Đức Tráng, Phạm Trung Hưng, Bùi Văn Khanh từ Công ty Than Hòn Gai và Nguyễn Cao Đạc, Nguyễn Xuân Thùy từ Công ty Than Uông Bí… nhận được quyết định triệu tập về làm việc tại trụ sở Chi nhánh Công ty Than Cẩm Phả, số 466 Phố Láng Trung, Hà Nội. Tổ hoạt động dưới sự điều hành trực tiếp của Chủ tịch Hội đồng quản lý Nguyễn Viết Hoè, TGĐ Đoàn Văn Kiển và các PTGĐ Nguyễn Anh Hào, Đào Quốc Quang. Ông Nguyễn Văn Long đang học Trường Đảng nên thỉnh thoảng mới tham gia. Nhưng vì Tổng Công ty Than chỉ mới có trên giấy nên tiền lương, chế độ vẫn do cơ quan cũ (tức là Công ty Than Cẩm Phả, Hòn Gai, Uông Bí, Than 3….) trả. Số cán bộ quản lý và anh chị em nhân viên là những người lo phục vụ hàng ngày chỉ vẻn vẹn hơn hai chục người. Tổ xe phục vụ cho các viên chức lãnh đạo và tổ chuyên viên có các ông Vũ Quốc Trọng, Phạm Đắc Lâm, Trương Đình Cử, Phạm Văn Được, Nguyễn Thái Học…
Các ông Nguyễn Quang Tổng, Đinh Quang Vinh, Nguyễn Văn Nghiệp, Trần Hữu Liên, Cao Đạc, Nguyễn Xuân Thùy và Phạm Minh Thảo được phân công lo xây dựng kế hoạch 1995, soạn thảo điều lệ, quy chế và chiến lược phát triển. Trong quá trình soạn thảo điều lệ “Tổ công tác đặc biệt” thường xuyên xin ý kiến giám đốc các công ty vùng, trong đó có sự tham gia tích cực của Giám đốc Công ty Than Quảng Ninh và Công ty Đông Bắc. Ông Phạm Trung Hưng và Bùi Văn Khanh lo thủ tục khắc dấu, mua sắm trang bị làm việc và các thủ tục hành chính liên quan. Ông Nguyễn Đức Tráng được phân công lo cơ sở vật chất, các điều kiện làm việc…
Nói về những cán bộ, những người đầu tiên trong Tổ công tác, ông Kiển đánh giá rất cao về họ, coi họ thực sự là “thế hệ vàng” giỏi nghề và yêu công việc, họ đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất và sáng tạo nhất. Khối lượng công việc nhiều, dồn dập, lực lượng thì ít nhưng mọi việc đều được sắp xếp theo đúng trình tự khoa học, giải quyết nhanh và hiệu quả. Ông nói, không dễ gì có được những cán bộ như vậy vì họ là những con người đã được tôi luyện qua thử thách khó khăn, sống trong thời kỳ chuyển tiếp từ thời kỳ bao cấp sang đổi mới ở TCT Than VN, nhưng họ đã có những tư duy đúng đắn để làm việc thành công ở thời kỳ chuyển tiếp đó. Với ông, kỷ niệm về những ngày làm việc đầu tiên và những cán bộ “vàng” thời kỳ đầu ấy thực sự là kỷ niệm không bao giờ quên. Những điều lệ, chiến lược mà lớp cán bộ đầu tiên của TCT tâm huyết gây dựng lên đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị và khẳng định đó là những bước đi đúng đắn, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của TCT Than VN sau này và Tập đoàn TKV hiện nay.
Bản fax viết tay của Tổng Giám đốc
Ông Nguyễn Đức Tráng, nguyên Phó Tổng giám đốc Tập đoàn – người được giao nhiệm vụ lo cơ sở vật chất, các điều kiện làm việc nhớ lại: nhiệm vụ đầu tiên ông Tráng được giao là xây dựng văn phòng của TVN tại thành phố Hạ Long. Lúc đó, đích thân ông Đoàn Văn Kiển, Tổng Giám đốc TVN fax cho ông một bản giao việc viết tay, ngắn gọn nhưng những yêu cầu đưa ra rất rõ ràng. Theo đó, ông Tráng có nhiệm vụ chỉ đạo sửa chữa, cải tạo một nửa khu văn phòng của Công ty than Hòn Gai thành văn phòng làm việc của TVN khang trang, xứng với tầm vóc, vị thế của cơ quan cấp trên. Về thời gian, Tổng Giám đốc yêu cầu đến ngày 1/1/1995 phải hoàn thành. Mọi vấn đề liên quan đến vốn, vật tư do Công ty than Hòn Gai hỗ trợ. Sau 45 ngày, kể từ khi nhận nhiệm vụ qua bản fax, công trình văn phòng TVN tại Hòn Gai đã hoàn thành, không những đạt yêu cầu chất lượng đặt ra mà còn xong trước thời hạn 1 tuần.
Nhận công tác làm Trưởng ban Đầu tư của TVN được 1 năm, ông Tráng lại được Tổng Giám đốc giao nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng văn phòng của TVN tại Hà Nội. Lần này nhiệm vụ đặt ra lớn hơn. Trên cơ sở khung của tòa nhà 5 tầng tại 226 Lê Duẩn của Tổng Công ty Cung ứng than, ông Tráng phải chỉ đạo, nghiên cứu xây dựng thêm 2 tầng, lắp đặt thiết bị, trang trí nội thất v.v. để thành văn phòng làm việc của TVN tại Hà Nội. Yêu cầu của Tổng Giám đốc đặt ra là công trình phải xong trước ngày 10/10/1997 để khai trương. Và một lần nữa, dưới sự chỉ đạo, giám sát của ông Tráng cùng với nỗ lực của đơn vị thi công, chỉ hơn 4 tháng, công trình trụ sở 7 tầng khang trang của TVN tại 226 Lê Duẩn đã hoàn thành, về trước kế hoạch nửa tháng.
Những trang bản thảo đầu tiên
Ông Trần Hữu Liên, nguyên Trưởng ban Pháp chế của TVN là một trong những người trực tiếp tham gia viết, xây dựng nội dung Điều lệ hoạt động đầu tiên trước khi TVN đi vào hoạt động, chia sẻ: ngày 20/10/1994, ông cùng những người trong tổ bắt tay vào công việc của mình. Tổ soạn thảo Điều lệ được chia làm 2 nhóm. Ông Liên là nhóm trưởng phụ trách nhóm viết về việc phân cấp quản lý tài chính kế toán của TVN.
Với ông, những ngày ngồi soạn thảo những dòng Điều lệ đầu tiên ấy thật nhiều kỷ niệm, thuận lợi và khó khăn đều có. Thuận lợi là bởi Tổ công tác nhận được sự chăm lo chu tất, giúp đỡ về ăn ở sinh hoạt để các ông toàn tâm toàn ý vào công việc của mình; lại được sự tin tưởng, động viên từ các đồng chí lãnh đạo Tổng Công ty. Nhưng khó khăn không phải là nhỏ. Việc xây dựng nội dung Điều lệ cho TVN là công việc hoàn toàn mới đối với những người tham gia soạn thảo. Tuy nhiên, dựa trên những hướng dẫn sơ lược của Bộ Năng lượng mà ông Liên cùng với các cộng sự của mình đã xây dựng được những điều lệ hoạt động ban đầu về mảng kinh tế cho TVN. Bản thảo Điều lệ hoàn toàn được viết tay cẩn thận và tỷ mỉ, sau 4 lần chỉnh sửa, bổ sung đã được trình Chính phủ phê duyệt.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nhung-nguoi-dat-nen-mong-cho-su-phat-trien-cua-tkv-9142.htm” button=”Theo vinacomin”]