Theo tiến độ Dự án, đến 15/11/2014, Nhà máy sản xuất Amon Nitrat MICCO Thái Bình sẽ chạy thử bằng nguyên liệu NH3 để sản xuất Amon Nitrat dạng tinh thể (CPAN), hạt xốp (PPAN); ngày 15/1/2015, dự án sẽ hoàn thành và được bàn giao chạy thương mại. Trước “giờ G”, những phần việc cuối cùng trên công trường đang được thực hiện gấp rút hơn bao giờ hết.
25 tháng kể từ ngày hợp đồng EPC có hiệu lực (14/7/2012), vóc dáng một Dự án công nghiệp trọng điểm của TKV đã hiện hữu đầy kiêu hãnh.
Là dự án trọng điểm của TKV do Tổng Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ – Vinacomin (MICCO) làm chủ đầu tư, được triển khai xây dựng tại Cụm công nghiệp xã Thái Thọ huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình trên diện tích 22,6 ha với tổng mức đầu tư gần 5.800 tỷ đồng, tương đương 280 triệu USD. Đây là một trong những Dự án có tổng mức đầu tư thuộc loại lớn từ trước đến nay tại tỉnh Thái Bình. Dự án có công suất 200.000 tấn/năm trong đó: Amon Nitrat dạng hạt xốp (PPAN) sản lượng 100.000 tấn/năm; Amon Nitrat dạng tinh thể (CPAN) sản lượng 100.000 tấn/năm; Công nghệ sản xuất Amon Nitrat được lựa chọn là công nghệ UHDE – Cộng hòa liên bang Đức; Máy móc thiết bị chính, thiết bị công nghệ có nguồn gốc từ các nước G7, Châu Âu.
Lắp đặt thiết bị xử lý khí đuổi – xưởng Axit nitric
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đăng Phi – Phó TGĐ MICCO, Giám đốc Công ty Hoá chất mỏ Thái Bình – cho biết: Việc xây dựng Nhà máy sản xuất Amon Nitrat tại Thái Bình có ý nghĩa quan trọng với TKV và các ngành kinh tế khác có nhu cầu trực tiếp hoặc gián tiếp sử dụng thuốc nổ công nghiệp và lĩnh vực an ninh – quốc phòng, đồng thời thể hiện sự hợp tác nghiêm túc, hài hòa, hiệu quả giữa TKV và tỉnh Thái Bình. Trong ngành vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) thì Amon Nitrat là nguyên liệu chính, để sản xuất thuốc nổ công nghiệp (khoảng 80 – 90% khối lượng). Hiện tại, nước ta đang phải nhập khẩu với khối lượng khoảng 100.000 tấn/năm và dự báo sẽ tăng lên mức 150.000 tấn/năm vào năm 2020. Việc nhập khẩu Amon Nitrat hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào Trung Quốc… Khi Nhà máy sản xuất Amon Nitrat đi vào vận hành sẽ đảm bảo chủ động hoàn toàn nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc nổ công nghiệp, khắc phục tình trạng bất ổn, lệ thuộc Trung Quốc và các nước khác.
“Đảm bảo tiến độ, chất lượng và trong tổng mức đầu tư”
Là kim chỉ nam mà Ban Quản lý Dự án và Lãnh đạo Tổng Công ty thống nhất chỉ đạo xuyên suốt từ khi chuẩn bị Dự án cho đến quá trình thực hiện Dự án hiện nay.
Bồn chứa amoniac thể tích 5.000 m3
Quá trình thực hiện Dự án được chia thành 4 gói thầu xây lắp. Hiện tại, gói thầu số 4 – San lấp mặt bằng Nhà máy đã hoàn thành và quyết toán xong. Gói thầu số 3 – Xây dựng và lắp đặt hệ thống điện đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng. Gói thầu số 2 – Xây dựng và lắp đặt các công trình phụ trợ được triển khai từ tháng 3/2012, đến nay đã cơ bản hoàn thành. Phần việc quan trọng nhất, “trái tim” của toàn bộ Dự án – Gói thầu số 1 – EPC Nhà máy chính đã hoàn thành trên 95% khối lượng công việc, bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Hiện nay, Nhà máy đã và đang tiến hành chạy thử các công đoạn, hạng mục công trình, tiến tới chạy thử liên động không tải, bằng nước và bằng nguyên liệu NH3 vào trung tuần tháng 11/2014. Các công đoạn hạng mục như nồi hơi phụ, hệ thống xử lý nước thô, nước khử khoáng, hệ thống nước làm lạnh tuần hoàn, dây chuyền đóng bao, máy nén khí điều khiển… đã vận hành chạy thử kịp thời cung cấp nước, hơi cho quá trình thổi rửa, thử áp đường ống bồn bể…..tiến tới chạy thử xưởng Axit Nitric và Amon Nitrat.
Ông Jorg Steding – Chỉ huy trưởng Công trường của Liên danh nhà thầu UHDE – TTCL Group
Ông Jorg Steding – Chỉ huy trưởng Công trường của Liên danh nhà thầu UHDE – TTCL Group – cho biết: Hiện tại, Nhà thầu đang tiến hành hiệu chỉnh các thông số cuối cùng của Nhà máy, đảm bảo khởi động Nhà máy đúng tiến độ trong hợp đồng EPC.
Đồng chí Phạm Văn Xuyên – PCT UBND tỉnh Thái Bình kiểm tra tiến độ Dự án
Theo đánh giá của ông Phạm Văn Xuyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình – trong một buổi làm việc với Ban lãnh đạo Nhà máy gần đây, với tiến độ thi công như hiện nay, nhìn tổng thể dự án đã vượt tiến độ hơn 2 tháng và là một trong những dự án công nghiệp quy mô lớn có thời gian thi công nhanh nhất, quản lý tốt nhất, phối hợp với địa phương tốt nhất từ trước tới nay tại tỉnh Thái Bình.
Tấp nập, khẩn trương là không khí chung, dễ dàng bắt gặp ở bất kỳ hạng mục công trình nào của Dự án. Ông Trần Đăng Phi cho biết, ở thời điểm hiện tại, Tổng Công ty đang tập trung chỉ đạo Nhà thầu hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo an toàn, chất lượng công trình và chuẩn bị tốt nguồn nhân lực cho công tác đào tạo chuyển giao công nghệ và vận hành Nhà máy. Có thể khẳng định đến thời điểm này, Nhà máy sẽ được xây lắp đúng thiết kế, đúng tiến độ. Tuy vậy khó khăn lớn nhất là làm thế nào để vận hành được Nhà máy trong điều kiện nước ta chưa có nhà máy sản xuất Amon Nitrat ở quy mô công nghiệp. Tổng Công ty đã tăng cường công tác tuyển dụng và đào tạo tại chỗ, đào tạo trực tiếp ngay từ buổi lắp máy ban đầu và hiện nay đã gặt hái được những thành quả nhất định thông qua việc CBCN đang trực tiếp vận hành các công đoạn, hệ thống phụ trợ đã đi vào hoạt động. Đến nay, Dự án hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Tổng Công ty về tiến độ, chất lượng và tổng mức đầu tư.
Chạy thử hệ thống đóng bao
Dự kiến, khi đi vào vận hành chính thức, Nhà máy sản xuất Amon Nitrat – MICCO sẽ giải quyết việc làm cho khoảng trên 150 lao động và đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng 120 tỷ đồng mỗi năm. Nếu được Chính phủ chấp thuận cho xây dựng Nhà máy sản xuất Amoniac thì tới đây huyện Thái Thụy sẽ có thể hình thành tổ hợp các nhà máy sản xuất công nghiệp tầm cỡ quốc gia gồm: Nhà máy sản xuất Amoniac, Nhà máy sản xuất Amon Nitrat và Trung tâm Điện lực Thái Bình.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nuoc-rut-tren-cong-truong-xay-dung-nha-may-amon-nitrat-9163.htm” button=”Theo vinacomin”]