Có thể nói, việc nhập khẩu than với khối lượng lớn cho sản xuất điện của Việt Nam là vấn đề hết sức phức tạp. Đặc biệt đến năm 2030, Việt Nam không còn độc lập về năng lượng nữa mà phụ thuộc và nguồn năng lượng từ nước ngoài, đây là một thách thức lớn đối với an ninh năng lượng quốc gia và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế – xã hội. Bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ của TKV trong việc nhập khẩu than thì Công ty CP Xuất Nhập khẩu Than – Vinacomin (Coalimex) cũng đang vững vàng thể hiện vai trò của mình.
Sản xuất than tại Úc (Ảnh minh họa)
1.228.220 tấn than nhập và những bước đi thận trọng
6 tháng đầu năm, Coalimex đã thực hiện nhập khẩu 1.228.220 tấn than với tổng trị giá 84.091.574 USD.
Đằng sau con số “biết nói” đó là những nỗ lực trong một thời gian dài, từ những bước thử nghiệm ban đầu tới các giao dịch thành công về sau.
Theo ông Đào Xuân Việt – Trưởng phòng XNK Than Công ty Coalimex, việc Việt Nam có thể nhập khẩu than với số lượng lớn một cách ổn định không hề đơn giản trong bối cảnh nguồn cung cấp than nhập khẩu trên thế giới hạn chế phần lớn giao dịch được thực hiện bởi các công ty Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ … Bởi vậy, ngay từ năm 2009, Ban lãnh đạo của Công ty đã xác định ngoài việc chuẩn bị về tài chính và nguồn lực thì việc nhập khẩu thử nghiệm là hết sức quan trọng, tạo bước đệm cần thiết để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, từng bước thâm nhập sâu vào thị trường nhập khẩu than thế giới, giảm thiểu những rủi ro khi thực hiện nhập khẩu than với số lượng lớn sau này. Cũng trong năm đó, khi hoạt động xuất khẩu than của Coalimex đang ở giai đoạn phát triển cao nhất với số lượng đạt mức kỷ lục hơn 5 triệu tấn than, Ban Giám đốc Công ty đă chỉ đạo Phòng XNK Than nghiên cứu việc nhập khẩu than để đáp ứng nhu cầu lớn về than cho các nhà máy điện ở phía Nam trong tương lai. Sau nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu thị trường trong và ngoài nước, năm 2011 Công ty đã thực hiện nhập khẩu chuyến than đầu tiên về cảng Gò Dầu, Đồng Nai. Nối tiếp thành công của chuyến hàng thử nghiệm, hàng năm Công ty liên tục nhập khẩu than với số lượng khoảng 200.000 -500.000 tấn/năm.
Cùng với việc cử cán bộ tham gia tích cực vào tổ công tác của TKV đàm phán hợp đồng nhập khẩu than với các công ty của Indonesia (giai đoạn đầu), Công ty đã cử cán bộ chuyên trách nghiên cứu việc nhập khẩu thử nghiệm để tập dượt, chuẩn bị cho việc nhập khẩu than với số lượng lớn sau này. Bên cạnh đó, công việc tìm hiểu thị trường tiêu thụ than trong nước và nguồn than nhập khẩu cũng được thực hiện rất bài bản, có kế hoạch với công việc và thời gian cụ thể. Không chỉ quan tâm tới nguồn than cho nhiệt điện, Công ty cần tiếp cận tất cả các loại than mà trong nước có nhu cầu sử dụng như than cốc từ Trung Quốc, than mỡ từ Úc, Nga, Indonesia, Malaysia, Mỹ, Canada, than nhiệt năng các loại từ Úc, Indonesia và Malaysia.
Hóa giải những khó khăn
Coalimex đã có 1 nửa đầu năm 2019 thành công, đặc biệt trong công tác nhập khẩu than. Lí giải điều này, ông Việt cho biết, công tác nhập khẩu than có nhiều thuận lợi, thứ nhất bởi nhu cầu than nhập khẩu của TKV tăng đột biến trong năm 2019 so với năm 2018. Bên cạnh đó, TKV đã chủ động thực hiện một số cơ chế về giá than và chất lượng than đối với EVN tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu than về pha trộn. Ngoài ra, sự ủng hộ của TKV cho Coalimex trong các vấn đề về nguồn than nhập khẩu, thị trường tiêu thụ than nhập khẩu, kế hoạch nhập khẩu và nguồn ngoại tệ cho nhập khẩu, cộng thêm đó là các yếu tố khách quan về thương mại và chính trị thế giới đã hỗ trợ cho việc mua than thuận lợi hơn trong thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, đơn vị cũng gặp không ít khó khăn do nguồn than trong nước dùng để pha trộn hạn chế, cơ sở hạ tầng, logistic phục vụ nhập khẩu than chưa theo kịp được với số lượng than nhập khẩu tăng đột biến và sự đa dạng của các loại tàu vận tải quốc tế.
Nhằm hóa giải các khó khăn, hiện Công ty đang tích cực tìm kiếm thêm nguồn than nhập khẩu thay thế than trong nước, kể cả than chất lượng thấp dùng để pha trộn; chuẩn bị chi tiết, khoa học kế hoạch nhập khẩu từng quý, từng tháng và cho từng chuyến hàng than nhập khẩu từ vấn đề tài chính, thủ tục xuất nhập khẩu, logistic; đồng thời tiếp tục chuẩn bị tốt và đào tạo thêm nguồn nhân sự giỏi chuyên môn, thạo việc.
Để thực hiện công tác nhập khẩu than một cách chuyên nghiệp, bài bản với lộ trình số lượng tăng dần trong từng năm, Coalimex đang có những dự định dài hơi. Cụ thể, với các nguồn cung cấp than có chất lượng phù hợp tiến tới ký hợp đồng mua bán dài hạn, ổn định; đồng thời đầu tư xây dựng hệ thống các kho bãi pha trộn chế biến than nhập khẩu. Công ty cũng sẽ mở rộng thêm thị trường tiêu thụ than nhập khẩu cả trong và ngoài TKV, ưu tiên các khách hàng tiêu thụ dài hạn, số lượng lớn; thường xuyên theo dõi và bám sát các quy định và cơ chế của Nhà nước và TKV về công tác nhập khẩu than. “Đặc biệt chúng tôi sẽ tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chuẩn bị nhân lực theo hướng chuyên môn hóa cao” ông Việt nhấn mạnh.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/than-nhap-khau-va-su-vao-cuoc-cua-coalimex-201908081433578787.htm” button=”Theo vinacomin”]