Để tạo lập tác phong công nghiệp và từng bước xây dựng đội ngũ CNCB có tay nghề cao, Tập đoàn thường xuyên duy trì phong trào ôn lý thuyết, luyện tay nghề và định kỳ tổ chức các hội thi thợ giỏi từ các đơn vị đến cấp Tập đoàn.
Có thể nói, Hội thi thợ giỏi cấp Tập đoàn được tổ chức 2 năm một lần đã thực sự trở thành ngày hội lớn của đội ngũ công nhân mỏ, là sân chơi bổ ích để những người thợ có kỹ năng nghề giỏi được củng cố thêm kiến thức, rèn luyện thêm tay nghề để đạt năng suất cao hơn trong lao động sản xuất. Thông qua các hội thi, các nhà quản lý cũng có điều kiện để so sánh trình độ tổ chức sản xuất, kỹ năng tay nghề công nhân của đơn vị mình với đơn vị bạn, từ đó có giải pháp khắc phục những tồn tại trong điều hành quản lý, bố trí lao động, bồi dưỡng nhân lực của đơn vị mình để không ngừng nâng cao năng suất lao động.
Cứ sau mỗi lần tổ chức, Hội thi thợ giỏi cấp Tập đoàn lại có những đổi mới, sáng tạo trong cả khâu tổ chức thi và chấm thi so với kỳ trước. Năm 2014 – lần thứ 9 tổ chức, theo đánh giá của Ban Lao động tiền lương Tập đoàn, chất lượng hội thi được nâng lên thông qua việc tăng khối lượng câu hỏi lý thuyết với độ khó hơn và việc bố trí các ban giám sát, các tổ giám sát ở cả phần thi lý thuyết lẫn thực hành. Thành phần của các tổ giám sát là các chuyên gia kỹ thuật ở các Ban của Tập đoàn và các đơn vị được lựa chọn giám sát chéo nên đảm bảo sự khách quan, trung thực; hạn chế được tình trạng “con hát mẹ khen hay” khi các đơn vị tự tổ chức thi cho chính mình. Đặc biệt, là việc bổ sung các câu hỏi trong giáo trình phòng chống tai nạn hầm lò vào bộ ngân hàng đề thi trắc nghiệm nhằm nâng cao trách nhiệm cá nhân đối với công tác an toàn, cũng như nâng cao ý thức tác phong công nghiệp của người thợ.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận, vẫn còn những hạn chế nhất định cần tiếp tục được xem xét điều chỉnh để các hội thi sau khách quan, công bằng, chính xác hơn. Đối với việc thi thực hành các nghề mỏ hầm lò và lộ thiên, do không thể bố trí được diện sản xuất để tổ chức thi tập trung toàn Tập đoàn mà phải bố trí đơn vị nào tự tổ chức thi đơn vị đó, trong khi đó, việc giám sát thi thực hành những năm trước còn hạn chế, dễ bị “cào bằng” nên để “vượt” lên, hầu hết các đơn vị đều tập trung vào phần thi lý thuyết. Điều này dẫn đến tình trạng, một số Công ty, trước khi tổ chức thi thợ giỏi một thời gian, tiến hành điều động các kỹ sư đã qua đào tạo bài bản xuống làm việc trực tiếp tại các phân xưởng để có đủ “điều kiện” dự thi nhằm đạt điểm thi tối đa ở phần lý thuyết. Sau một thời gian, Công ty đó sẽ điều động thí sinh đó trở về phòng ban.
Tình trạng này nếu được các đơn vị “nói thầm” với nhau và “nhân” rộng ra, thì không những chất lượng của hội thi sẽ ngày càng đi xuống, mà ý nghĩa quan trọng là sân chơi để các thí sinh, các đơn vị trong Tập đoàn học hỏi, trao đổi kinh nghiệm hay trong lao động sản xuất sẽ mất đi. Lâu dài, ngày hội thi thợ giỏi sẽ chỉ còn mang tính hình thức. Và, cái “mất” lớn nhất chính là ý thức trau dồi, rèn luyện tay nghề của công nhân sẽ mai một. Không thể xây dựng đội ngũ CNCB có tác phong công nghiệp, có trình độ tay nghề cao khi mà phong trào “ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi” chỉ là đối phó.
Thực tế thời gian qua ở các đơn vị cũng cho thấy, đơn vị nào được cấp uỷ và lãnh đạo đơn vị quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực thì ở đó có nhiều thợ giỏi, thợ giỏi xuất sắc. Trưởng ban Lao động tiền lương Tập đoàn Trần Văn Cừ cho biết, qua theo dõi của Ban, những đơn vị đạt giải cao tại các Hội thi thợ giỏi cấp Tập đoàn qua các năm đều là những đơn vị được giám đốc quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi. Từ việc bố trí thời gian để thí sinh của đơn vị được tập trung ôn lý thuyết dài ngày, đến việc động viên người thợ áp dụng các sáng kiến cải tiến trong quá trình làm việc, nhất là có phần thưởng xứng đáng, khích lệ kịp thời khi thí sinh đạt thành tích tốt. Có những đồng chí giám đốc Công ty, dù bận công việc nhưng luôn cố gắng thu xếp thời gian trực tiếp đến hội thi để cổ vũ tinh thần cho công nhân đội nhà. Song cũng có rất nhiều giám đốc, nhiều đơn vị có quy lớn như cấp Tổng công ty, hay công ty có bề dày truyền thống nhưng lại rất thiếu quan tâm đến phong trào ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi.
“Có trồng cây thì mới có ngày hái quả” thế nên, mới có chuyện, có đơn vị cử đến 20 thí sinh đi thi nhưng chẳng có thí sinh nào đạt thợ giỏi. Có thí sinh là thợ giỏi cấp công ty được chọn để đi thi thợ giỏi mà điểm thi đạt dưới 5…
Năm hết Tết đến, nói chuyện cũ với tinh thần xây dựng, mong muốn trong năm mới, thợ mỏ ngành Than sẽ tiếp tục ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi để “Khỏe mạnh, lành nghề, có tác phong công nghiệp, biết bảo vệ mình, bảo vệ an toàn cho đồng nghiệp; tôn trọng khách hàng, sẻ chia với cộng đồng, gìn giữ, phát huy truyền thống quý báu của ngành Than – Khoáng sản”, phấn đấu giành thêm nhiều thắng lợi mới trong Xuân mới Ất Mùi.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/dau-nam-noi-chuyen-trong-nguoi-9825.htm” button=”Theo vinacomin”]