Hiện nay, Tập đoàn có 15 đơn vị cơ khí, ngoài ra còn có 35 xưởng cơ khí thuộc các đơn vị. Trong những năm qua, khối cơ khí Tập đoàn đã từng bước phát triển, phục vụ cho các đơn vị sản xuất, chế biến than, khoáng sản. Song song đó, các đơn vị cơ khí đã có nhiều nỗ lực trong sản xuất, đảm bảo đời sống người lao động và góp phần quan trọng vào việc hoàn thành kế hoạch SXKD hàng năm của Tập đoàn với tổng doanh thu bình quân đạt gần 3.800 tỷ đồng/năm.
Những năm trở lại đây, các đơn vị khối cơ khí TKV đã đẩy mạnh đầu tư, đổi mới công nghệ, các dây chuyền sản xuất, nâng cao năng lực chế tạo, sửa chữa. Tích cực nghiên cứu chế tạo sản phẩm mới, thay thế nhập khẩu, giảm giá thành và ngày càng nâng cao về chất lượng, đáp ứng cho sản xuất như: chế tạo đáp ứng 100% nhu cầu cột chống thủy lực đơn, cột thủy lực dùng trong giá khung, giàn chống thủy lực; một số loại giá khung di động, dàn tự hành; máy xúc lật hông VMC E500-1; gầu ngoạm dung tích đến 15m3; đầu tàu điện chạy ắc quy phòng nổ từ 8-12 tấn; các loại máng cào, hệ thống băng tải trong hầm lò… và phối hợp để vươn lên làm tổng thầu theo hình thức EPC ở các dự án trọng điểm của TKV.
Đặc biệt, năm 2014, khối cơ khí Tập đoàn tạo lập được kết quả rất ấn tượng. Từ khối sản xuất vốn được coi là gặp nhiều khó khăn nhất, năm qua, Cơ khí đã đạt doanh thu trên ba ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 13% với năm trước. Các đơn vị cơ khí đều hoàn thành tốt kế hoạch như: Chế tạo máy, doanh thu: 1.005 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ; Công nghiệp ô tô, doanh thu: 355,3 tỷ đồng tăng 10,6% so với kế hoạch; Thiết bị điện, doanh thu: 216,7 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước, trong đó tỷ trọng ngoài Ngành 73,6%. Tại Hội nghị tổng kết năm của Tập đoàn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã phát biểu ghi nhận những kết quả toàn diện của khối cơ khí TKV trong năm 2014 vừa qua.
Áp dụng KHCN để tạo đột phá
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của khối cơ khí TKV hiện còn chưa tương xứng với năng lực hiện có; các trang thiết bị, công nghệ tiên tiến như CNC, NC chiếm tỷ lệ thấp; nhân lực chất lượng cao thiếu; các sản phẩm cơ khí chủ yếu phục vụ trong Tập đoàn. Ngoài các sản phẩm của Công ty CP Thiết bị điện, một số đơn vị cơ khí của Tập đoàn vẫn gặp nhiều khó khăn về việc làm, doanh thu, đời sống của công nhân Khối cơ khí chưa được cải thiện nhiều.
Như khẳng định của Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Lê Minh Chuẩn, Khối cơ khí là ngành công nghiệp dịch vụ quan trọng trong Tập đoàn. Vì thế, thời gian tới cần có đột phá mới để đáp ứng được yêu cầu của sản xuất than – khoáng sản ngày một lớn hơn. Nhằm giúp Khối cơ khí có đường hướng phát triển đúng, Chủ tịch HĐTV Lê Minh Chuẩn đã đặt ra các vấn đề mà các đơn vị cơ khí cần giải quyết. Theo đó, Cơ khí TKV cần tăng cường liên kết, hợp tác giữa các đơn vị trong khối; mỗi đơn vị cơ khí cần nghiên cứu, xây dựng lộ trình sản phẩm và chiến lược phát triển của riêng mình, cần tăng tỷ lệ nội địa hoá để tạo sự đột phá, đổi mới để đẩy mạnh phát triển cơ khí tương xứng với tiềm năng, đáp ứng yêu cầu phát triển của Tập đoàn trong giai đoạn tới.
Theo ông Trần Văn Giang – Trưởng ban Điện cơ Tập đoàn, Cơ khí TKV đã và đang thực hiện chủ trương đẩy mạnh áp dụng KHCN vào sản xuất, chế tạo các sản phẩm cơ khí, nâng cao chất lượng sản phẩm, dần thay thế các thiết bị nhập khẩu. Thời gian tới, trước mắt là trong năm 2015, Cơ khí TKV sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai chủ trương này, nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hoá tiến tới chủ động hoàn toàn sản xuất trong nước; nhất là việc nghiên cứu chế tạo các sản phẩm cơ khí chuyên dụng có nhu cầu sử dụng lớn trong Ngành Than – Khoáng sản, vừa giúp tiết kiệm ngoại tệ, vừa giúp Tập đoàn chủ động hơn trong sản xuất. Phải tăng tỷ lệ chất xám trong các sản phẩm cơ khí bởi, như Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo “nếu không sáng tạo hơn cơ khí TKV sẽ thất bại ngay từ khâu lắp ráp”.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/co-khi-nganh-cong-nghiep-dich-vu-quan-trong-cua-tkv-9834.htm” button=”Theo vinacomin”]