Nguyễn Xuân Trường – thợ lò bậc 5/6, Phân xưởng Khai thác 12, Công ty CP than Vàng Danh – là cái tên có lẽ không quá xa lạ với độc giả Tạp chí Than – Khoáng sản bởi lẽ Trường đã từng xuất hiện trên Tạp chí. Vừa qua, Nguyễn Xuân Trường lại vinh dự khi là 1 trong 20 gương mặt trẻ tiêu biểu Toàn quốc được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đề cử. PV Tạp chí Than – Khoáng sản đã có cuộc trao đổi nhanh với người thợ lò tiêu biểu ấy.
P.V: Chào Trường, thật vinh dự cho thế hệ thợ lò trẻ của TKV khi trong năm nay Trường được đề cử là 1 trong 20 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc. Cảm xúc của Trường lúc này thế nào?
Nguyễn Xuân Trường (N.X.T): Rất tự hào! Không có gì tự hào hơn khi mọi cố gắng, nỗ lực của mình được ghi nhận xứng đáng.
P.V: Luôn được biết tới với mức thu nhập cao “top” trong Tập đoàn (năm 2013: 266 triệu đồng, năm 2014: 256 triệu đồng), có thể nói, ở một xuất phát điểm không cao nhưng Trường đã có những thành công thực sự trong công việc. Vậy đâu là bí quyết của Trường?
N.X.T: Chúng tôi là thợ nên thường không suy nghĩ nhiều, chỉ biết một điều là với công việc phải cố gắng hết mình. Bản thân tôi khi mới bắt đầu công việc thợ lò (năm 2008) với những áp lực nghề, tôi thấy rất nản. Tuy nhiên, khi vượt qua giai đoạn đấy, tôi thấy dần gắn bó với nghề hơn. Qua công việc, khẳng định được bản thân, được đồng nghiệp, mọi người ghi nhận, tư tưởng thoải mái hơn rất nhiều, thấy công việc nhẹ nhàng hơn, không còn đáng sợ như những ngày đầu nữa. Có lẽ đó cũng là điều giúp tôi thành công trong công việc. Thêm nữa, trong suốt quá trình làm việc, tôi luôn tự đúc kết để rút ra những bài học kinh nghiệm cho riêng mình.
P.V: Không chỉ được biết tới như một công nhân có mức thu nhập “khủng” mà nói tới Nguyễn Xuân Trường là nói tới 1 cây sáng kiến của Than Vàng Danh, tiết kiệm cho Công ty nhiều tỷ đồng. Trường có thể chia sẻ rõ hơn?
N.X.T: Thật ra sau này khi Công ty tổng kết tôi mới biết các sáng kiến của mình đã làm lợi cho Công ty số tiền nhiều như thế, khoảng 4,5 tỷ đồng, chứ ban đầu tôi chỉ nghĩ đơn thuần là có những việc mình nhìn thấy có thể tiết kiệm tiền cho đơn vị thì tôi góp ý với lãnh đạo Phân xưởng và Công ty thôi.
P.V: Cụ thể hơn là gì?
N.X.T: Năm 2013, tôi có đề bạt với Công ty 1 số ý kiến làm tốt khâu kỹ thuật cơ bản ngay từ đầu để nâng cao năng suất ra than, tránh làm đi làm lại mất nhiều thời gian và chi phí. Đối với việc tận thu than ở những vị trí khó, tôi đề nghị đào những đường lò tránh, những cúp ngắn để bắn tận thu những trụ than bảo vệ. Công việc này giúp tận thu triệt để tài nguyên, tiết kiệm chi phí khai thác.
Gia đình là điểm tựa, là động lực để tôi cố gắng
P.V: Gần 300 triệu/năm, một mức thu nhập mơ ước với nhiều người, đặc biệt là với đại đa số các công nhân khác. Mức thu nhập này có khiến cho cuộc sống của Trường dư dả?
N.X.T: Hiện tại thì chỉ đủ sống thôi chị ạ, còn dư dả thì chưa. Gia đình tôi vẫn ở khu tập thể của Công ty. Bọn tôi đã mua được 1 miếng đất nhưng chắc phải vài ba năm nữa mới xây nhà.
Công việc của vợ tôi chưa ổn định. Thêm vào đó, người em trai duy nhất của tôi bị bệnh viêm đa khớp từ năm lớp 7, mất khả năng lao động hoàn toàn, cần tôi cưu mang. Trong công việc, đôi khi tôi cũng có chán nản nhưng nghĩ tới gia đình, biết bao người thân đang cần mình, tôi lại tự xốc lại tinh thần để cố gắng, để kiếm tiền.
P.V: Nói như thế có nghĩa là gia đình chính là động lực để Trường phấn đấu?
N.X.T: Đúng như vậy! Theo tôi, quan trọng nhất là phải có lòng thương yêu gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và chính bản thân mình. Năm 18 tuổi, tôi đã từ bỏ ước mơ học Đại học, đi làm thợ lò để giúp đỡ bố mẹ thêm tiền chạy chữa cho em.
Nghề mỏ không đáng sợ như mọi người vẫn nghĩ
P.V: So với mặt bằng lương chung của xã hội, thu nhập của nghề mỏ không hề thấp, nhưng hiện tại vẫn có một số thợ lò bỏ việc. Quan điểm của Trường về vấn đề này thế nào?
N.X.T: Nghề mỏ trước nay vẫn là nghề nặng nhọc, để đạt được mức thu nhập như tôi phải bỏ ra rất nhiều sức lực. Tuy nhiên, tôi khẳng định nghề này không “đáng sợ” như nhiều người vẫn nghĩ. Bản thân tôi khi mới bước vào nghề, tôi mới thấy bên cạnh việc có thu nhập tốt thì đây còn là một nghề rất vất vả, nguy hiểm và độc hại. Tuy nhiên, vượt qua những ấn tượng ban đầu ấy, nhiệt huyết và yêu nghề thì mình và nghề gắn bó lúc nào không hay.
P.V: “Nhiệt huyết và yêu nghề”, anh có thể kể một vài kỷ niệm về nghề?
N.X.T: Có những kỷ niệm tôi nghĩ chỉ trong nghề với nhau mới hiểu và trân trọng. Khi tôi mới vào nghề, chưa quen công việc, môi trường trong hầm lò, tôi thấy công việc này quá vất vả. Ngay cả việc vác vì chống lò nặng khoảng 60-70 kg cũng rất khó khăn, trầy xước 2 vai, tôi rất nản. Nhưng tôi thật sự xúc động khi anh em trong Phân xưởng luôn động viên, giúp đỡ. Có lần anh Nguyễn Tiến Hậu (người làm cùng Phân xưởng) còn chủ động vác vì giúp tôi ở những đoạn lò thượng có độ dốc lớn. Câu nói: “Đoạn thượng này dốc lắm, để anh vác hộ cho” của anh in đậm trong tôi, không thể nào quên.
P.V: Có một vài thợ lò sau khi bỏ việc thì có nói rằng không gắn bó với nghề vì nghề không an toàn. Trường nghĩ sao?
N.X.T: Tôi phản đối quan điểm này. Rủi ro hay không rủi ro phụ thuộc bản thân người làm rất nhiều. Cá nhân tôi luôn tuân thủ đúng các quy định an toàn Công ty đề ra thế nên khi chị hỏi về có kỷ niệm nào gắn với sự hiểm nguy của nghề lò hay không, tôi có thể tự hào khi nói rằng: Không!
P.V: Anh chia sẻ mình đã từ bỏ ước mơ học Đại học để làm thợ lò nuôi em. Có khi nào anh nuối tiếc về điều đó?
N.X.T: Tôi chưa khi nào nuối tiếc khi quyết định như vậy. Theo tôi nghĩ được học lên cao là một điều ai cũng muốn, nhưng do hoàn cảnh gia đình tôi đã không thể học tiếp lên được. Tuy nhiên, ước mơ có 1 tấm bừng Đại học chưa khi nào tắt trong tôi. Tháng 5 tới, tôi sẽ theo học Khoa khai thác hầm lò, hệ tại chức của Trường Đại học Mỏ – Địa chất.
P.V: Cảm ơn Trường! Chúc Trường luôn thành công trên con đường mà em lựa chọn!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nguoi-tho-lo-co-muc-thu-nhap-256-trieu-dongnam-10270.htm” button=”Theo vinacomin”]