Tất bật với những chuyến xe cuối năm đưa thợ lò về quê, tỉ mẩn trả lời từng tin nhắn của thợ lò, ánh mắt tự hào và những cái siết tay rất chặt với “quân” của mình trong Hội nghị vinh danh thợ lò tiêu biểu, hào hứng chia sẻ về những công trình mà “chúng tôi mới làm được cho thợ lò”, kiệm lời khi nói về bản thân… Ở Tạp chí số này, chúng tôi phác họa chân dung ông – Bùi Đình Thanh – Giám đốc Công ty than Quang Hanh.
Về công tác tại Công ty than Quang Hanh với vị trí Phó Giám đốc phụ trách công tác kỹ thuật, rồi Giám đốc Công ty, Bùi Đình Thanh lại một lần nữa trải mình với các khai trường Nam Khe Tam, Đông Bắc Mông Dương, Kế Bào và Ngã Hai bây giờ. Ông chia sẻ, những ngày đầu khi về Quang Hanh là những ngày rất khó khăn bởi thời điểm đó Công ty mới thành lập, tất cả đều mới mẻ và thiếu thốn, từ cơ sở vật chất đến kinh nghiệm – nhất là đội ngũ cán bộ, công nhân non trẻ, lại phải đương đầu ngay với nhiều khó khăn, thách thức. Tiếp nhận khu mỏ Ngã Hai – nơi có điều kiện địa chất phức tạp, chất lượng than xấu, tình trạng khai thác trái phép tàn phá nặng nề môi trường, ngổn ngang lò than thổ phỉ… – ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty. Thêm nữa, lại là một đơn vị khai thác than hầm lò, tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm, độc hại, điều kiện sinh hoạt của công nhân còn nhiều thiếu thốn… Đó chính là những nguyên nhân làm cho Công ty ít có sức hút với người lao động. Trước bài toán khó khăn, không gì khác là phải thu hút nguồn nhân lực bởi ông luôn tâm niệm: Người lao động là trung tâm của sự phát triển.
Thẳng thắn thừa nhận những khó khăn của nghề mỏ, nhưng ông lại quan niệm: Thắng lợi từ khó khăn mới vinh quang, chẳng có con đường nào đi đến thành công mà lại toàn hoa hồng cả. Ông đã cùng cả hệ thống chính trị trong Công ty bàn bạc, lắng nghe ý kiến của cán bộ công nhân, tự xây dựng cho mình chương trình hành động với những biện pháp tích cực và quy trình, quy chế riêng cho từng bộ phận, từng phân xưởng. Trên hết là từng bước tăng sản lượng, đạt hiệu quả kinh tế tốt nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động. Công ty đã cố gắng cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo việc làm đều đặn và chăm lo thật tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Để làm được điều đó, Công ty đã rà soát lại các diện sản xuất, quy hoạch lại hệ thống khai thác và mạnh dạn đầu tư một cách toàn diện về công nghệ sản xuất, thiết bị khai thác như: Đầu tư mới công nghệ chống giữ lò chợ bằng cột thuỷ lực đơn, giá thuỷ lực di động XDY, ZH và ZHT; đầu tư xây dựng hệ thống vận tải than liên tục từ mức -110 lên mặt bằng công nghiệp; lắp đặt 2 hệ thống sàng tuyển than công suất trên 1.000.000 tấn/năm. Những khó khăn trong khai thác xuống dưới mức -50 đã được giảm rất nhiều nhờ sự hỗ trợ của máy đào lò COMBAIN, máy khoan TAMROK, máy xúc lật đổ bên, hoàn thành công trình phụ trợ hành lang đi bộ cho công nhân từ khu trung tâm đến các cửa lò; dự án đường đi lại trong lò bằng các thiết bị tời đến mức -175.
Đã từng qua lao động trực tiếp dưới hầm lò, thấu hiểu tận cùng sự vất vả của người thợ, ông cùng Ban lãnh đạo Công ty đã tìm mọi cách để cải thiện điều kiện làm việc, duy trì ổn định công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động. Những năm gần đây, Quang Hanh luôn đảm bảo thu nhập và đời sống cho người lao động với mức bình quân gần 10 triệu đồng/người/tháng (riêng thợ lò là trên 11 triệu đồng/người/tháng). Bên cạnh đó, các nhà ăn tập thể, được xây dựng khang trang, sạch sẽ, được lắp đặt trang thiết bị hiện đại để chế biến thức ăn phục vụ người lao động. Đồng thời, để phục vụ nhu cầu nắm bắt thông tin văn hoá, xã hội của CBCNV, các công trình như: Đài truyền thanh, thư viện công nhân mỏ, nhà rèn luyện thể thao, nhà sinh hoạt văn hoá… được đầu tư nâng cấp và nâng cao chất lượng phục vụ. Tháng 4/2012 Công ty đã khánh thành 1 lô nhà ở tập thể và 1 nhà ăn cao tầng. Hết năm 2013, Công ty tiếp tục đưa thêm 3 lô nhà tập thể vào sử dụng, đáp ứng khoảng 1.200 chỗ ở cho công nhân. Đầu tháng 5/2012, Công ty đã khánh thành nhà chờ xe công nhân; ở đó được trang bị máy điều hoà, ti vi và phục vụ nước uống miễn phí cho công nhân, giúp công nhân không phải ngồi ngoài nắng, mưa, gió rét khi đón xe đi làm…
Còn nhớ lần Công ty kỷ niệm 10 năm ngày thành lập, khi chúng tôi hỏi ông đâu là bí quyết giữ chân người lao động khi mà Quang Hanh của ông vẫn đang “khó đủ bề”, ông bảo: Bí quyết của ông là cái tình. Có những thứ còn quan trọng hơn cả tiền bạc, và đó mới là sự gắn kết lâu dài. Đối với ông, mọi thứ phải công bằng, phải thực sự yêu quý và trân trọng công nhân, người lao động thì họ mới trân trọng và yêu quý lại mình. Với thợ lò cũng vậy. Ông trân trọng và yêu quý họ không chỉ như những đồng nghiệp thông thường mà hơn thế nữa, tình cảm đó xuất phát từ đặc thù nghề. Do công nhân, cán bộ của Công ty còn trẻ, còn nghèo nên ông chia sẻ với họ một cách thiết thực nhất với những việc làm cụ thể nhất. Nếu giúp được một gia đình công nhân nào còn khó khăn có thêm việc làm hoặc thu nhập chính đáng chỉ vài trăm nghìn đồng một tháng hay có sự động viên về tinh thần cũng là việc cần làm. Ông công khai số điện thoại cá nhân cho tất cả anh em thợ lò và tuyên bố nếu có bức xúc gì cần tới sự can thiệp của ông, họ có thể gọi điện hoặc nhắn tin cho ông bất kỳ lúc nào. Ông bảo: “Chưa có một tin nhắn nào của thợ lò mà tôi không trả lời cả”. Tổ chức xe đưa thợ lò về quê, gặp mặt thợ lò, tổ chức văn nghệ nơi khai trường cho thợ lò xem,… ông coi đó đơn giản là những việc bình thường, như một chút tri ân nhỏ với những cộng sự của mình.
Xuất phát điểm từ dân kỹ thuật, hơn ai hết ông hiểu việc đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị hòn than có ý nghĩa thế nào với mỏ, nhất là những mỏ thuộc diện “con nhà nghèo” như Quang Hanh. Bài toán đầu tư công nghệ, nâng cao giá trị hòn than đã được ông và các cộng sự của mình tính đến đầu tiên.
Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, đánh giá đặc điểm trữ lượng, hiện trạng công nghệ khai thác đang áp dụng tại mỏ, nhu cầu tăng sản lượng và những khó khăn khi thực hiện kế hoạch đó, Công ty đã phối hợp cùng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ đưa ra phương án đổi mới công nghệ khai thác vỉa mỏng, dốc thoải đến nghiêng tại Công ty theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa.Đề tài này đã được Tập đoàn giao cho Viện KHCNM và Quang Hanh tiến hành nghiên cứu từ năm 2011, đến nay Công ty đang triển khai áp dụng. Song song đó, theo tính toán, so với các công nghệ hiện đang áp dụng tại Công ty, công nghệ cơ giới hóa khai thác đồng bộ bằng máy khấu và dàn chống tự hành sẽ cho phép nâng cao sản lượng khai thác từ 2,0 – 2,5 lần, năng suất lao động tăng 3 – 5 lần. Tài nguyên không có chất lượng cao, không có các giải pháp để nâng cao chất lượng sẽ không tiêu thụ được và sẽ không có hiệu quả . Để giải quyết vấn đề này, Công ty đã xây dựng kế hoạch dài hạn về sàng tuyển chế biến theo từng giai đoạn tích lũy về kinh nghiệm và mọi nguồn lực để đầu tư một hệ thống sàng tuyển chế biến than đồng bộ hiệu quả như hiện nay , đáp ứng nhu cầu trước mắt cũng như các năm tiếp theo. Chỉ nhìn vào lượng than tồn kho, đặt vào tình hình tiêu thụ than hiện nay với nguồn than chất lượng thấp không trong nghề cũng hiểu được ý nghĩa của việc làm này.
Trong bức tranh chung của ngành Than, Than Quang Hanh đang có những bước tiến vững chắc. Ông luôn tâm niệm: Không phát triển thì không thể tồn tại được. Thực tế, 12 năm xây dựng và phát triển, vượt qua bao khó khăn thách thức, Công ty Than Quang Hanh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nếu như năm thành lập (2003), Công ty chỉ có trên 1.800 CNCB, sản lượng khai thác than nguyên khai đạt: 242.391 tấn/năm, tổng doanh thu năm đạt: 97 tỷ 384 triệu đồng, thu nhập bình quân: 1.500.000 đồng/người/tháng, nộp ngân sách 4,936 tỷ, tổng nguồn vốn 100,929 tỷ, thì đến năm 2014 số CBCNV đã tăng lên trên 3.500 người với chất lượng tương đối cao và còn rất trẻ. Kết quả sản xuất năm 2014 thắng lợi, các chỉ tiêu đều vượt mức kế hoạch như: Than nguyên khai sản xuất 1,284 triệu tấn, vượt 84 ngàn tấn so với kế hoạch, tăng 15,4% so với năm 2013. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 9,8 triệu đồng/người/tháng.
Tôi nhớ bên lề một Hội nghị, ông nói: “Cái cách mình chia sẻ với thợ lò cũng khác, chỉ có chữ tình dẫn dắt các hành động và việc làm của mình mà thôi”. Bởi vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi những ngày áp Tết bận rộn nhưng vẫn có một vị Giám đốc mỏ về tận nhà thợ lò ở quê thăm gia đình thợ lò; một ông Giám đốc bình dân cùng ăn cơm tập thể, nói chuyện đời, chuyện nghề ở bếp ăn văn phòng với các kỹ sư trẻ mới ra trường; mỗi kỳ nghỉ lễ đến thăm hỏi bố mẹ của các đồng nghiệp trong Công ty…
Với những cống hiến không mệt mỏi của mình, Thạc sỹ Bùi Đình Thanh đã liên tục là chiến sỹ thi đua nhiều năm, được các cấp Tập đoàn TKV, Bộ Công Thương và tỉnh Quảng Ninh khen thưởng. Đặc biệt năm 2010, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích đóng góp trong công cuộc xây dựng và phát triển ngành Than, góp phần CNH, HĐH đất nước. Dẫu vậy, ít ai biết rằng, cái tâm đắc của ông lại chính là 3 chữ đã làm nên thương hiệu trong TKV thật bình dị – “Thanh Quang Hanh”, bởi với ông thế là đủ.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/thanh-quang-hanh-10414.htm” button=”Theo vinacomin”]