Đại hội thi đua yêu nước TKV lần thứ IV diễn ra với khí thế sôi nổi trong toàn Tập đoàn. Trên 600 đại biểu ưu tú của TKV sẽ hội tụ tại Thủ đô trước ngày sinh nhật Bác (19/5). Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng cho công tác thi đua khen thưởng tiếp tục trở thành động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh để ngành Than – Khoáng sản phát triển bền vững. Đó là khẳng định của đồng chí Ngô Hoàng Ngân – Phó TGĐ Tập đoàn trong cuộc gặp gỡ trao đổi với Tạp chí TKV mới đây.
P.V: Những năm qua, công tác thi đua khen thưởng luôn được Lãnh đạo TKV đặc biệt quan tâm. Là Phó TGĐ phụ trách lĩnh vực này của Tập đoàn, xin đồng chí đánh giá khái quát những kết quả đã đạt được trong phong trào thi đua yêu nước của TKV 5 năm qua?
Phó TGĐ Ngô Hoàng Ngân (N.H.N): Trong những năm qua, đặc biệt là từ giữa năm 2012 đến đầu năm 2014, do tác động tiêu cực của sự khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế thế giới và trong nước cũng như những tác nhân khách quan khác đã ảnh hưởng không nhỏ đến SXKD cũng như các mặt hoạt động khác của TKV, sức tiêu thụ than và các sản phẩm khoáng sản khác giảm mạnh cả về sản lượng và giá bán, đặc biệt là xuất khẩu… Song bằng những nỗ lực vượt bậc, Tập đoàn đã đảm bảo duy trì ổn định sản xuất và hoàn thành các chỉ tiêu SXKD chủ yếu, đặc biệt là việc cung ứng đủ than cho nền kinh tế trong nước như than cho sản xuất điện, sản xuất giấy, xi măng và vật liệu xây dựng; đảm bảo việc làm, thu nhập và đời sống cho người lao động; hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách; bảo toàn vốn, kinh doanh có lãi.
Đạt được những kết quả SXKD cũng như công tác đời sống xã hội nêu trên, đồng thời với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về công tác tổ chức, công tác quản lý và điều hành, công tác thi đua, khen thưởng trong Tập đoàn đóng vai trò hết sức quan trọng. Các phong trào thi đua do Tập đoàn phát động đã bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong từng giai đoạn, từng lĩnh vực của Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên. Hình thức và biện pháp tổ chức phong trào thi đua đã thường xuyên được đổi mới, linh hoạt và hiệu quả hơn. Từ những phong trào có tính đặc thù và có phạm vi hẹp trong các đơn vị sản xuất than đã dần lan tỏa, phát triển rộng sang lĩnh vực sản xuất khoáng sản và các lĩnh vực khác, tạo khí thế thi đua sôi nổi, đồng bộ trong toàn Tập đoàn. Có thể kể tên một số phong trào thi đua tiêu biểu như: Thi đua lao động sáng tạo, giành năng suất dẫn đầu ngành Than – Khoáng sản (đặc biệt với các nghề khai thác, chế biến than, khoáng sản); Thi đua đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình các dự án đầu tư, các công trình quan trọng quyết định đến sự phát triển chung của Tập đoàn; Thi đua ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi; Thi đua trong lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, chăm sóc sức khỏe, cải thiện điều kiện làm việc, điều kiện sinh hoạt cho công nhân mỏ…
Càng trong khó khăn, vai trò của của công tác thi đua, khen thưởng càng được khẳng định. Thi đua, khen thưởng thực sự là một công cụ quản lý, là biện pháp điều hành hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy mọi hoạt động SXKD cũng như các mặt hoạt động khác trong Tập đoàn phát triển.
Ưu tiên khen thưởng cho tập thể nhỏ và người lao động trực tiếp
P.V: TKV đã có cách làm thiết thực, đổi mới, sáng tạo trong công tác khen thưởng, bám sát chủ trương “chú trọng khen thưởng cho các tập thể nhỏ và người lao động trực tiếp”. Đồng chí có thể cho biết thêm về vấn đề này?
Phó TGĐ N.H.N: Không phải bây giờ mà từ rất sớm, từ năm 2004 rồi tiếp đến năm 2009, Đảng ủy, Hội đồng quản trị (nay là Hội đồng thành viên) đã có Nghị quyết về vấn đề này. Ngày 6/8/2009, Tổng Giám đốc Tập đoàn đã có Chỉ thị số 77/CT-TKV về việc đổi mới công tác khen thưởng. Theo đó, phải ưu tiên khen thưởng cho đối tượng là những tập thể nhỏ (tổ/đội sản xuất, công trường, phân xưởng, phòng/ban) và người trực tiếp lao động sản xuất (từ tổ trưởng sản xuất trở xuống và các chuyên viên, nhân viên); ngay cả khi xét khen thưởng cấp cao thì đối tượng này không ít hơn 50% tổng số trong danh sách đề nghị. Cùng với đó, phải đổi mới quy trình xét khen thưởng, phải sâu sát phong trào thi đua, chủ động phát hiện những nhân tố tích cực, điển hình để đề xuất khen thưởng chứ không chỉ chờ báo cáo, đề nghị mới xem xét, khen thưởng. Phải nói rằng sự đổi mới này trong công tác khen thưởng là bước tiến quan trọng trong công tác khen thưởng của Tập đoàn. Sau 5 năm kiên quyết chỉ đạo thực hiện, đến nay đã thay đổi cơ bản nhận thức về việc xem xét đánh giá công trạng của mỗi đối tượng, không suy bì, “so sánh khập khiễng” giữa thành tích của cán bộ lãnh đạo với người lao động trực tiếp.
Mặt khác, hình thức, biện pháp tôn vinh, khen thưởng cũng rất quan trọng. Thưởng gì không bằng thưởng như thế nào. Nhận thức được tầm quan trọng của việc lựa chọn hình thức, biện pháp tôn vinh, khen thưởng, Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên luôn coi trọng việc tổ chức tôn vinh, khen thưởng, đặc biệt đối với người lao động trực tiếp, đối với những đơn vị ở vùng sâu, vùng xa. Thành tích của người lao động phải thực sự được trân trọng; hình thức khen thưởng dù cao hay thấp đều phải tổ chức trao với nghi thức trang trọng, trong những buổi lễ hoặc hội nghị có sự tham dự của nhiều đối tượng. Việc làm đó sẽ nâng cao giá trị về tinh thần của phần thưởng, đối tượng khen thưởng thêm tự hào, nâng cao ý thức trách nhiệm với đơn vị và ngày càng phấn đấu tốt hơn. Đồng thời nó có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với những đối tượng khác cùng hăng hái tham gia phong trào thi đua. Cũng là khen thưởng, không có lý do gì không lựa chọn hình thức, biện pháp để đem lại tác dụng và hiệu quả cao hơn.
Gắn kết hài hòa giữa “gieo trồng” và “gặt hái”
P.V: Sinh thời, Bác Hồ đã từng nói: “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là gặt hái”. Tuy nhiên thực tế hiện nay, nhiều đơn vị, nhiều nơi vẫn làm theo kiểu “nhẹ gieo, nặng gặt” tức là chỉ chú trọng đến việc gặt thành tích mà lơ là việc gieo hạt thi đua. Quan điểm của đồng chí về vấn đề này ra sao?
Phó TGĐ N.H.N: Có lẽ nhận định này chưa thật chính xác. Khen thưởng cũng như nhiều việc làm khác, nó đều có hai mặt. Khen thưởng đúng, trúng sẽ phát huy tác dụng tích cực; động viên, khích lệ người được khen thưởng tiếp tục phấn đấu, cống hiến nhiều hơn nữa cho đơn vị và xã hội; lôi cuốn những đối tượng khác, thúc đẩy phong trào thi đua phát triển, mang lại hiệu quả to lớn hơn. Ngược lại, khen thưởng không đúng, không trúng sẽ phản tác dụng, không chỉ tạo sự phản cảm trong dư luận mà lớn hơn nữa còn gây chia rẽ, mất đoàn kết, suy giảm sự đồng thuận, suy yếu, thậm chí thủ tiêu tính tích cực, thủ tiêu phong trào thi đua.
Nhận thức rõ vấn đề này, từ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên, việc xét khen thưởng luôn phải gắn liền với thành tích trong các phong trào thi đua, là kết quả, là khâu cuối của việc tổ chức phong trào thi đua. Tuy nhiên, với mỗi đơn vị, mỗi lĩnh vực hoạt động, nội dung, hình thức và biện pháp tổ chức phong trào thi đua có sự linh hoạt, phù hợp với tính chất, đặc điểm, điều kiện cụ thể của đơn vị, của lĩnh vực đó song luôn có tiêu chí, tiêu chuẩn, mục tiêu cụ thể làm căn cứ để tổng kết, đánh giá và tôn vinh, khen thưởng. Trong Quy chế thi đua, khen thưởng cũng như các Quy định khen thưởng theo các chuyên đề của Tập đoàn đều thể hiện rõ quan điểm về mối quan hệ giữa “gieo trồng” và “gặt hái”, không xem nhẹ khâu nào trong công tác thi đua, khen thưởng.
Tuy vậy, đâu đó cũng có biểu hiện hời hợt, hình thức, thiếu sự đồng bộ, máy móc, thiếu sáng tạo trong công tác thi đua, khen thưởng làm cho phong trào thi đua thiếu sức sống, không thiết thực và kém hiệu quả. Khi đó dù có quan tâm khen thưởng cũng không đem lại hiệu quả tích cực.
P.V: Thưa đồng chí, trên thực tế, đã nhiều năm trở lại đây, TKV chưa có người lao động, đặc biệt là thợ lò được tôn vinh danh hiệu Anh hùng Lao động. Đây cũng là một trong những vấn đề đặt ra trong công tác thi đua khen thưởng của TKV. Vậy, Tập đoàn đã và đang có cách xây dựng như thế nào để thực sự động viên được đội ngũ thợ lò?
Phó TGĐ N.H.N: Đây thực sự đang là vấn đề mà chúng ta trăn trở, cần tập trung sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng và lãnh đạo các đơn vị. Trong những giai đoạn trước, với đội ngũ cán bộ phân xưởng và công nhân trực tiếp lao động sản xuất trên các công trường, hầm mỏ, chúng ta đã có 15 cá nhân được tôn vinh, phong tặng Danh hiệu: “Anh hùng Lao động” (chiếm 80% tổng số Anh hùng Lao động trong Tập đoàn); 19 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc”. Dù còn đang làm việc hoặc đã nghỉ, song họ mãi mãi là niềm tự hào, là tấm gương sáng cho các thế hệ thợ mỏ noi gương học tập, rèn luyện và phấn đấu. Phải đánh giá khách quan và nghiêm túc là TKV đã làm rất tốt công tác xây dựng và nhân điển hình tiên tiến.
Từ năm 2009 đến nay, mặc dù Tập đoàn vẫn luôn quan tâm và tập trung chỉ đạo công tác này song do nhiều nguyên nhân, khách quan có, chủ quan có, chúng ta chưa có thêm cá nhân nào được tôn vinh, phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”. Không thể đổ lỗi cho người lao động mà phải nghiêm túc nhìn nhận thiếu sót trong vai trò lãnh đạo của các cấp ủy và lãnh đạo các đơn vị. Trong Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng đã nhấn mạnh: “Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua, đảm bảo thực hiện đồng bộ ở cả bốn khâu: phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”. Chủ trương cũng như phương pháp tổ chức thực hiện đã được Đảng ta chỉ rõ. Đảng ủy, lãnh đạo Tập đoàn đã chỉ đạo kiên quyết, các đơn vị cũng đã nhận thức sâu sắc hơn, phát hiện nhân tố mới, tích cực đội ngũ công nhân lao động, thợ lò cũng đã làm được. Tiếp theo là các khâu bồi dưỡng, tạo điều kiện để nhân tố mới tiếp tục rèn luyện, phát huy vai trò trong tập thể đồng nghiệp, trong cộng đồng, rồi đến việc tổng kết, đánh giá, tôn vinh và tuyên truyền, phổ biến là cả một quá trình thường xuyên, liên tục mà công tác thi đua, khen thưởng của Tập đoàn và các đơn vị phải sâu sát, tích cực hơn nữa. Tuy nhiên, đây không phải là việc làm đơn giản, cố làm lấy được. Nó đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ trên nhiều góc độ, đặc biệt là thực hiện các giải pháp để tăng sức thu hút lao động, nhất là với nghề khai thác mỏ nặng nhọc, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn này. Chắc chắn trong thời gian tới, chúng ta sẽ có những cá nhân thực sự xứng đáng và được Nhà nước ghi nhận, tôn vinh.
Không ngừng đổi mới thi đua khen thưởng: thiết thực & hiệu quả
P.V: Từ những điểm còn tồn tại trong công tác thi đua khen thưởng, thời gian tới, để phong trào thi đua của TKV sôi nổi, rộng khắp và thực sự trở thành “đòn bẩy” quan trọng thúc đẩy SXKD phát triển, tạo đồng thuận cao trong đội ngũ những người thợ mỏ, Lãnh đạo Tập đoàn có những chỉ đạo cụ thể ra sao? Công tác thi đua khen thưởng phải có những đổi mới thiết thực như thế nào?
Phó TGĐ N.H.N: Như trên tôi đã nêu, Bộ chính trị đã có Chỉ thị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, Nhà nước đã kịp thời sửa đổi, bổ sung Luật rồi các Nghị định, Thông tư liên quan nhằm không ngừng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng từ Trung ương tới cơ sở, xây dựng phong trào thi đua yêu nước thiết thực, sâu rộng, phát triển đều khắp, góp phần cho sự phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế, tạo môi trường xã hội lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Trong những năm qua, công tác thi đua, khen thưởng trong Tập đoàn đã có nhiều đổi mới, có những tiến bộ rõ nét, đã đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển của TKV cũng như từng đơn vị thành viên. Tuy nhiên so với yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển, cũng như các mặt công tác khác, công tác thi đua, khen thưởng cần tiếp tục đổi mới theo chỉ thị của Bộ chính trị, phù hợp với mô hình và đặc điểm, điều kiện cũng như yêu cầu cho sự phát triển của Tập đoàn trong giai đoạn CNH – HĐH đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.
Trước hết là việc nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, thủ trưởng các đơn vị, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong tổ chức phong trào thi đua, chất lượng và hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng của đơn vị. Gắn liền với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cấp ủy, lãnh đạo đơn vị phải phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu và là hạt nhân trong các phong trào thi đua.
Tiếp tục và thường xuyên tuyên truyền, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng để nâng cao nhận thức của CBVC và người lao động về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng cũng như cũng như lợi ích thiết thực đối với mỗi cá nhân, mỗi tập thể để phát huy tính tự giác, ý thức trách nhiệm, tiềm năng sáng tạo, làm tốt hơn công việc hàng ngày, góp phần hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh, tổ chức Nữ công phải chủ động và tích cực vào cuộc, thực hiện phương châm: “Đồng thuận cao – Thi đua giỏi – Về đích sớm” trong các phong trào thi đua.
Linh hoạt, thiết thực, sáng tạo trong việc xác định nội dung, lựa chọn hình thức và phương pháp tổ chức các phong trào thi đua, khắc phục cách làm “khô cứng”, máy móc, làm theo “lối mòn” tạo sự nhàm chán, thiếu sức hấp dẫn, lôi cuốn. Đồng thời cũng không làm quan trọng hóa, phức tạp hóa về thi đua, đề ra những mục tiêu quá xa vời với thực tiễn, rất khó thực hiện làm nhụt ý chí phấn đấu. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, làm tốt công tác sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua. Khắc phục bằng được cách làm kiểu ”Đầu voi, đuôi chuột” hoặc “Đánh trống bỏ dùi”, vừa lãng phí, vừa không hiệu quả, thậm chí phản tác dụng. Qua phong trào thi đua phải chú trọng phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng các nhân tố điển hình; tuyên truyền phổ biến, nhân rộng trong toàn Tập đoàn.
Và vấn đề rất quan trọng nữa, tuy đã làm tương đối tốt song vẫn cần nhấn mạnh thêm là tiếp tục đổi mới công tác khen thưởng. Coi trọng việc phát hiện các tập thể và cá nhân có thành tích để khen thưởng. Tiếp tục và nâng cao tỷ lệ khen thưởng cho các tổ/đội, cá nhân trực tiếp sản xuất. Đảm bảo nguyên tắc khen thưởng: chính xác, công khai, công bằng, kịp thời. Đảm bảo sự trân trọng, hình thức trang trọng trong việc tổ chức khen thưởng để thực sự động viên, khích lệ đối tượng được khen thưởng và tạo sức lôi cuốn, cổ vũ những đối tượng khác phấn đấu vươn lên.
Tóm lại, có rất nhiều công việc cần phải làm và làm bằng được. Đại hội thi đua yêu nước Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt Nam lần thứ IV sẽ là một điểm mốc, một “cú hích” để công tác thi đua, khen thưởng của Tập đoàn phát triển hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo.
P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Tổng Giám đốc!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/thi-dua-khen-thuong-dong-luc-thuc-day-sxkd-phat-trien-10418.htm” button=”Theo vinacomin”]