Với đời người, cái tuổi 20 là tuổi đẹp nhất, tràn đầy sức sống và mơ ước lớn. Còn với Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam (TCTKV), 20 năm là cả một chặng đường bền bỉ, dẻo dai, sáng tạo, kiên trì vượt khó… để rồi hôm nay trở thành một Tạp chí chuyên ngành thân thuộc, tin cậy của giới Mỏ Việt Nam và cả những ai quan tâm đến sự phát triển năng lượng một cách bền vững, một Tạp chí cũng đã tạo được chỗ đứng ấn tượng trong làng báo chí nước nhà.
Tách ra từ Tạp chí Năng Lượng, Tạp chí Than Việt Nam chính thức được thành lập ngày 1/6/1995 theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Năng lượng. Tổng Biên tập đầu tiên là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Than Việt Nam Đoàn Văn Kiển kiêm nhiệm, Nhà văn Võ Khắc Nghiêm, Nhà báo Nguyễn Hữu Di là Phó TBT. Thời kỳ đầu mới thành lập, Tạp chí xuất bản 1 số/tháng 32 trang in đen trắng với số lượng xuất bản khiêm tốn chỉ khoảng 900 -1.000 bản/kỳ. Đội ngũ PV- BTV Tòa soạn cũng chỉ tính trên đầu ngón tay kiêm nhiệm tất cả các công việc từ khâu tiếp nhận tin bài, công tác phóng viên, biên tập đến thiết kế, in ấn, xuất bản.
Năm 1999, Tạp chí có sự thay đổi về nhân sự, Nhà báo Nguyễn Hùng, Ban Kinh tế Báo Quảng Ninh được tiếp nhận về Tạp chí làm Phó TBT thường trực. Hơn một năm sau đó, đồng chí Nguyễn Hùng đảm nhận cương vị TBT. Đây là giai đoạn khó khăn nhất của Tạp chí khi không nằm ngoài khó khăn chung của Thợ mỏ do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế khu vực phải giảm sản xuất. Từ lãnh đạo đến CBPV, công nhân in chỉ vẻn vẹn lương cơ bản hai ba trăm ngàn/tháng. Cũng có người không trụ nổi phải ra đi. Song vượt lên mọi khó khăn, lực lượng chính vẫn bám trụ, sát sao với mỏ để có những bài báo động viên người thợ, định hướng dư luận, cùng ngành Than vượt qua sóng gió. Phóng viên đi cơ sở về viết bài rồi lại cùng công nhân xưởng in đóng gói, kể cả đi bán báo, ấn phẩm… Và Tạp chí cứ ngày một lớn dần, vững vàng khảng định vai trò cơ quan ngôn luận chính thống của Ngành và tiếng nói, diễn đàn của Thợ mỏ.
Cuối năm 2005, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam trên cơ sở Tập đoàn Than Việt Nam và Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam. HĐQT Tập đoàn đã ra Quyết định về việc đổi tên Tạp chí Than Việt Nam thành Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam. Từ ấy, những nẻo đường có bước chân Phóng viên Tạp chí chạm đến không chỉ ở vùng mỏ Quảng Ninh, Thái Nguyên nữa mà khắp dải đất chữ S nơi có than, có khoáng sản, có hóa chất mỏ, có điện, có ngành công nghiệp đầy triển vọng bauxite, titan. Cuối năm 2009, Tập đoàn quyết định giao thêm cho Tạp chí phụ trách trang thông tin điện tử Vinacomin. Số biên chế tăng không đáng kể, vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu và cả những áp lực thay đổi từng ngày của công nghệ thông tin, CBPV Tạp chí nhanh chóng làm chủ chuyên môn, vững vàng với loại hình báo chí mới. Bên cạnh đó, Tạp chí còn liên kết làm phim tư liệu quảng bá cho các đơn vị TKV. Hình ảnh, thương hiệu Tập đoàn ngày một lan tỏa nhờ những thông tin, hình ảnh kịp thời trên trang Thông tin điện tử.
Có thể nói, trải qua quá trình 20 năm thành lập và phát triển, dù hoạt động theo mô hình nào, TCTKV luôn đồng hành, gắn liền với sự phát triển đi lên của Tổng Công ty Than Việt Nam nay là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam. Với vai trò là Cơ quan ngôn luận, là diễn đàn, là tiếng nói của người Thợ mỏ một ngành công nghiệp giàu truyền thống cách mạng, Tạp chí có một vị trí đặc biệt trong Tập đoàn, có sức ảnh hưởng, lan tỏa lớn. Xác định đúng tôn chỉ mục đích, trong suốt những năm qua đội ngũ PV-BTV- CBCNV Tạp chí luôn đoàn kết, không ngừng lao động sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, khắt khe của nghề báo để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy của các cấp Lãnh đạo và sự tin yêu đùm bọc của những người Thợ mỏ. Quy mô, chất lượng của Tạp chí không ngừng được nâng cao, có nhiều tin bài mang tính phát hiện, qua đó góp phần thực hiện chức năng báo chí, xây dựng điển hình, cổ vũ phong trào thi đua, đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực, củng cố, phát triển văn hóa doanh nghiệp trong Tập đoàn các Công ty Than – Khoáng sản Việt Nam.
Những năm gần đây, Tạp chí đã có sự đột phá, cơ cấu lại các chuyên mục phù hợp với 16 chuyên mục được duy trì, không ngừng đổi mới trong cách tiếp cận vấn đề và thể hiện tác phẩm, đi trúng nhu cầu đặt ra của ngành và số đông độc giả. Do Tạp chí chuyên ngành vốn khô khan nên BBT đã định hướng làm “mềm hóa” thông tin để gần hơn, hấp dẫn với hơn bạn đọc. Từ trang bìa Tạp chí luôn mang màu sắc độc đáo, đậm chất suy tư đến những chuyên trang được thay đổi theo lối viết hiện đại, nội dung phong phú, chẳng hạn trang “Nhựa sống” hay “Giờ thứ 9” trong đó có những góc nhìn văn hóa, trang thơ, suy ngẫm… Thông qua “Tình giai cấp” viết về những mảnh đời, số phận không may mắn, Tạp chí muốn chia sẻ nhọc nhằn với người lao động, cũng là cách để cộng đồng người thợ yêu thương, giúp đỡ nhau. Nhiều, rất nhiều bài viết đã “chạm” đến trái tim độc giả tăng thêm tính nhân văn, trách nhiệm xã hội của Báo chí. Luôn xác định, độc giả chính không chỉ là những người Thợ mỏ mà còn gia đình họ, người thân của họ, những mối quan hệ xã hội khác nên Tạp chí đã mở rộng “lăng kính” hướng ngoại, tăng cường thông tin về muôn mặt cuộc sống, kéo thêm độc giả cho mình. Đó là “Cuộc sống quanh ta”, “Nhìn ra thế giới” hay “Nhịp cầu độc giả”. Xuất phát từ thực trạng thiếu nguồn nhân lực – Thợ lò cho những năm tới, Chuyên mục “Chăm lo nguồn nhân lực” thực sự đã góp sức đáng kể cho mục tiêu thu hút và giữ chân thợ lò của Tập đoàn. “Chuyển động TKV” thì hừng hực khí thế lao động sản xuất của một ngành kinh tế trụ cột đất nước…
Một cuộc họp chuyên môn tại Tạp chí tháng 6/2015
Là người đã có tới 17 năm gắn bó, trải qua những thăng trầm của Tạp chí và ngành Than – Khoáng sản Việt Nam, giờ lại đang được giao nhiệm vụ đứng đầu Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam, tôi càng thấm thía một điều rằng, vinh quang nào cũng thấm đẫm nhọc nhằn, đôi khi cái nhọc nhằn suy tư còn lớn lao hơn bao nỗi nhọc nhằn khác, khi lại ở một ngành đặc thù “như quân đội đánh giặc”. Để làm được “Bạn của Thợ Mỏ” thì phải hiểu họ, mà muốn hiểu được thì phải gần gũi, chân thành, gắn bó, sẻ chia. Những chuyến đi lò, những cuộc cứu hộ, cứu nạn luôn đọng lại trong chúng tôi những cảm xúc mãnh liệt nhất về tình người, tình đồng chí, đồng đội, để rồi chính Thợ mỏ cho chúng tôi hiểu “Kỷ luật và Đồng tâm” không chỉ là khẩu hiệu mà ngấm vào máu thịt những ai muốn đứng trong hàng ngũ ấy. Nhìn lại hàng trăm cuốn ấn phẩm đổi mới từng ngày, hàng nghìn bài báo, bức ảnh sinh động chân thật về vùng than và người Thợ mỏ, về sự phát triển của Tập đoàn, thêm tự hào về những chặng đường đã qua, với nhiều tâm huyết, ước vọng của các thế hệ Lãnh đạo và Cán bộ, Phóng viên Tạp chí luôn được thắp sáng và bồi đắp. Nhiều cái tên dù đã xa môi trường làm việc của Tạp chí hôm nay nhưng vẫn đọng lại trong lòng độc giả. Đó là Nhà văn, Nhà báo Võ Khắc Nghiêm, Nhà báo Nguyễn Hữu Di; Nguyễn Hùng, Kim Phượng, Chí Tùng, Cao Thâm, Giang Nam… Nhiều cộng tác viên là những Nhà văn nổi tiếng góp sức không nhỏ làm nên thương hiệu Tạp chí như: Nguyễn Khắc Phục, Lý Biên Cương, Trần Nhuận Minh… cùng các nhà báo, là cán bộ quản lý trong ngành như: Đoàn Văn Kiển, Tổng giám đốc, TS Trần Xuân Hòa, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn, TS. Nguyễn Thành Sơn, PGS. TS. Nguyễn Cảnh Nam; Phạm Trung Hưng, Võ Hiệp, Nguyễn Quang Tình, Trần Ngọc Dũng, Quang Ngọc, Trần Tâm, Vũ Thảo Ngọc, Trần Đình Nhân; Trần Min, Phạm Mạnh Hùng, Dương Phượng Đại, Ngô Mai Phong… Chính các Anh, các Chị lớp thế hệ đi trước đã truyền ngọn lửa lý tưởng và niềm tin, tình yêu nghề nghiệp và ý chí để chúng tôi tiếp nối sứ mệnh vinh quang của mình.
Trong niềm vui hân hoan chào đón tuổi 20 sung sức với phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba mà Đảng Nhà nước trao tặng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của mình, CBPV – CNVC Tạp chí không giấu nổi xúc động và biết ơn. Biết ơn các cấp Lãnh đạo qua các thời kỳ mà trực tiếp là Cơ quan chủ quản Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đã quan tâm chỉ đạo, ân cần uốn nắn, tạo mọi điều kiện để Tạp chí phát triển và lớn mạnh không ngừng. Chính những cái bắt tay xiết chặt mỗi khi có bài báo hay, định hướng tốt, những cái vỗ vai nhắc nhở ân cần khi có va vấp chính là nguồn cổ vũ khích lệ lớn lao đối với người cầm bút chúng tôi. Biết ơn các Đơn vị, Doanh nghiệp, những người Thợ mỏ Than – Khoáng sản Việt Nam đã yêu thương đùm bọc nuôi chúng tôi viết báo. Và hơn cả, chúng tôi biết ơn toàn thể độc giả yêu quý đã chung thủy đồng hành cùng chúng tôi suốt chặng đường hai thập kỷ qua.
Hôm nay chúng tôi cùng nhớ lại. Vâng, nhớ lại để biết ơn tất cả!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nho-lai-de-biet-on-10553.htm” button=”Theo vinacomin”]