Mỏ than Hà Lầm (nay là Công ty Cổ phần than Hà Lầm – Vinacomin) là đơn vị khai thác than hầm lò, thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, được thành lập ngày 1/8/1960. 55 năm qua, từ một vài công trường khai thác phân tán, đến nay Hà Lầm đã là một Công ty có quy mô sản xuất, công nghệ hiện đại. Đội ngũ công nhân cán bộ đông đảo có trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất. Trước thềm đơn vị tổ chức Lễ Kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập và đ
PV: Thưa ông Trần Mạnh Cường, Than Hà Lầm là một trong số ít đơn vị trong Tập đoàn vinh dự hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng. Ông có thể khái quát lịch sử tự hào đó?
KS. TMC: Sau hơn 5 năm ngày Khu mỏ được giải phóng khỏi chế độ thực dân Pháp, ngày 23/7/1960, Bộ Công nghiệp nặng đã ra quyết định thành lập Mỏ than Hà Lầm, kể từ ngày 1/8/1960.
Khi thành lập, mỏ có 1.103 người, diện khai thác của Mỏ tập trung tại khu lò Đông do Pháp đã khai thác để lại, gồm các công trường lò 65, lò 88 và tầng lộ thiên 87, công nghệ khai thác hoàn toàn là thủ công. Những năm sơ khai ấy, lớp thợ mỏ đầu tiên của Hà Lầm đã khởi nghiệp bằng hai bàn tay trắng, cả ngàn người nhưng không có nổi một kỹ sư, một nhân viên kỹ thuật am tường nghề nghiệp.
Kết thúc kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, mỏ Hà Lầm đã sản xuất được trên 1.650.000 tấn than nguyên khai. Với khẩu hiệu “Tổ quốc cần than như con thơ cần sữa mẹ”, thợ mỏ Hà Lầm đã lao động với tất cả tấm lòng, đem hết nhiệt huyết và công sức của mình để làm ra dòng suối than góp phần cho phục hồi kinh tế, xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho tiền tuyến miền Nam đánh Mỹ.
Sau khi thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc và trực tiếp là vùng mỏ Quảng Ninh. Mỏ Hà Lầm lại bị hút vào cơn lốc của chiến tranh, thợ mỏ Hà Lầm lại phải căng sức để vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Với tinh thần vừa sản xuất, vừa chiến đấu, các chiến sỹ tự vệ Hà Lầm ngày đêm luyện tập, bám sát thao trường, trận địa, trong cuộc chiến đấu lực lượng tự vệ mỏ đã anh dũng chiến đấu bắn rơi 2 máy bay của giặc Mỹ cùng hàng trăm trận đánh trả cả ban ngày và ban đêm. Nhiều đồng chí tình nguyện rời gương than, đường lò, để lại hậu phương những người thân yêu nhất để vào Nam chi viện lực lượng cho chiến đấu, có những người đã vĩnh viễn ra đi, để lại phần xương máu của mình tại chiến trường như Anh hùng Lực lượng Vũ trang Liệt sỹ Nguyễn Xuân Việt. Có thể nói, thời kỳ 1966 -1975 là thời kỳ căng thẳng, gian khổ, hy sinh mất mát nhiều nhất kể cả vật chất, tinh thần và xương máu, song cũng là thời kỳ bộc lộ bản chất anh hùng cách mạng của người thợ mỏ Hà Lầm. Và cũng chính từ đó, những người thợ mỏ Hà Lầm đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, cùng với ngành Than, mỏ Hà Lầm bước vào thời kỳ mới, khôi phục hậu quả của chiến tranh, tập trung vào công tác xây dựng cơ bản, đảm bảo đời sống cho người lao động.
Theo tôi, không một con đường nào nhiều gian truân hơn là con đường đi lên của người thợ mỏ. Song những lúc khó khăn, cũng là lúc thợ mỏ bừng sáng ý chí và tinh thần lao động kiên cường. Trong thời gian này, mỏ Hà Lầm đã liên tục phát động các phong trào thi đua, phong trào phát huy sáng kiến, xây dựng các tổ đội lao động XHCN, các đường lò thanh niên quản lý. Đặc biệt tổ đào lò Nguyễn Đức Vụ liên tục nhiều năm đạt danh hiệu tổ lao động XHCN, công nhân trong tổ hầu hết là kiện tướng ngành Than. Trong 10 năm (1986 – 1995), Mỏ đã sản xuất được trên 2.718.000 tấn than nguyên khai. Một vinh dự lớn nhất đối với công nhân cán bộ mỏ Hà Lầm trong 10 năm đầu của thời kỳ đổi mới đó là năm 1996, mỏ Hà Lầm là một trong những đơn vị đầu tiên trong ngành Than và cả nước được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
PV: Trong 55 năm xây dựng và phát triển, sản xuất trên 50 triệu tấn than nguyên khai cho đất nước, vậy đâu là sợi chỉ xuyên suốt tạo nên thành công đó, thưa ông?
KS. TMC: Trong 55 năm phát triển và trưởng thành, Công ty đã sản xuất được trên 50 triệu tấn than nguyên khai, bốc xúc trên 95 triệu m3 đất đá, đào trên 300 km đường lò. Những con số lớn lao đó kết tinh công sức, trí tuệ và cả hy sinh của lớp lớp những thế hệ thợ mỏ – những người đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Mỏ; sự lãnh đạo của một Đảng bộ kiên trung, luôn vượt lên phía trước, sự phối hợp có hiệu quả của các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh; sự chỉ đạo quyết liệt, điều hành có hiệu quả của bộ máy quản lý; sự ra đời của Tổng Công ty Than Việt Nam (nay là Tập đoàn TKV) đã xây dựng, hoàn thiện các cơ chế quản lý, điều hành, tạo điều kiện cho Công ty phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm; công tác đổi mới, áp dụng công nghệ mới trong sản xuất; tăng cường quản trị chi phí, tiết kiệm chi tiêu ở những lĩnh vực, những việc chưa thực sự cần thiết mà tập trung tối đa cho sản xuất, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, cải thiện điều kiện, môi trường lao động cho người lao động, nhất là thợ lò; sự chuẩn bị sẵn sàng diện sản xuất cho hiện tại và các năm tiếp theo; sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn…
Đầu tư đổi mới công nghệ – Chiến lược quan trọng hàng đầu
PV: Nhiều năm trở lại đây, Than Hà Lầm được biết tới như một đơn vị tiên phong trong việc đầu tư đổi mới công nghệ. Trên cương vị là người đứng đầu Công ty, ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?
KS. TMC: Thực hiện mục tiêu của Tập đoàn về tập trung đẩy mạnh đổi mới công nghệ, đẩy nhanh quá trình cơ giới hoá khai thác than hầm lò nhằm nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng đủ than cho nhu cầu tiêu thụ trong nước, trong những năm qua, chúng tôi đã đầu tư mạnh mẽ cho công tác cơ giới hoá mỏ hầm lò.
Năm 2007, Than Hà Lầm là đơn vị đầu tiên trong Tập đoàn áp dụng thành công lò chợ giá khung di GK/1600/1.6/2.4/HT do Trung Quốc kết hợp với Việt Nam sản xuất. Từ năm 2010 đến nay, Công ty đã áp dụng công nghệ khai thác lò chợ sử dụng giá thuỷ lực di động liên kết bằng xích ZH1800/16/24ZL. Hiện tại, Công ty đang có 4 lò chợ khai thác sử dụng giá thuỷ lực di động liên kết bằng xích có công suất đạt từ 180.000-220.000 tấn/năm. Bằng việc áp dụng các công nghệ mới này vào khai thác lò chợ đã góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao mức độ an toàn trong sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, giảm tiêu hao sức lao động, giảm chi phí vật liệu, giá thành khai thác.
Bên cạnh đầu tư công nghệ cho khai thác, Than Hà Lầm đã áp dụng các thiết bị cơ giới hoá để đẩy nhanh tiến độ đào lò như: Máy Combai, máy khoan, xe khoan, máy xúc thủy lực, máy cào đá… Trong đó đặc biệt là máy Com bai AM-50Z được Công ty đưa vào áp dụng cho các đường lò đào trong than đã góp phần tăng năng suất lao động, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật – an toàn. Cùng với đó là công nghệ chống giữ lò bằng vì neo cũng được đầu tư áp dụng. Năm 2003 Công ty đã phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ Mỏ áp dụng thành công vì neo bê tông cốt thép có phụ gia đông cứng nhanh sika (C-VN) để chống giữ các đường lò đá thuộc dự án đầu tư khai thác phần dưới mức -50. Qua đó đã góp phần giảm chi phí vật liệu và nhân công trong đào chống lò và nâng cao được tốc độ đào lò. Hiện nay 100% lò chợ của Hà Lầm đều áp dụng công nghệ mới chống giữ lò bằng giá thuỷ lực di động, giá khung GK, giá thuỷ lực di động liên kết xích. Ngoài ra, công tác vận tải, vận chuyển, các thiết bị bốc xúc cũng đều được cơ giới hoá. Các thiết bị vận tải được đầu tư đồng bộ, bố trí thiết bị vận tải hợp lý, đáp ứng được yêu cầu vận tải khi cơ giới hoá khai thác. Hệ thống monoray chở người và vật liệu vận chuyển đến tận nơi làm việc, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động đáp ứng được yêu cầu sản xuất.
Bước sang năm 2015, Công ty CP than Hà Lầm tiếp tục triển khai thực hiện nhiều hạng mục quan trọng, trong đó, tập trung vào dự án 2 lò chợ khai thác cơ giới hoá đồng bộ (1 lò chợ công suất 600.000 tấn/năm và 1 lò chợ công suất 1.200.000 tấn/năm). Đây là dự án trọng điểm duy trì ổn định sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm cho trên 4.000 lao động của Công ty trong nhiều năm tới. Hiện lò chợ cơ giới hoá đồng bộ thứ nhất, có công suất 600.000 tấn/năm với tổng giá trị đầu tư gần 260 tỷ đồng đã chính thức ra than từ đầu tháng 5. Đây là tiền đề cho Công ty CP than Hà Lầm tiếp tục triển khai lò chợ cơ giới hoá thứ hai với công suất 1.200.000 tấn/năm dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa năm 2016… Nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến, cơ giới hoá sản xuất đồng bộ đã góp phần giảm chi phí vật liệu và nhân công trong đào chống lò và nâng cao được tốc độ đào lò, khai thác và vận tải… Từ đó đưa công suất mỗi lò chợ của Hà Lầm lên 200.000-300.000 tấn/năm, gần bằng cả sản lượng của mỏ khai thác trong các năm 90 của thế kỷ trước.
Nỗ lực không ngừng cho một Hà Lầm phát triển
PV: Theo ông, Than Hà Lầm đang đứng ở vị trí nào trong bức tranh tổng thể của Ngành?
KS. TMC: Để tự đánh giá về mình, tôi e rằng không được khách quan lắm. Nhưng với cương vị Giám đốc, tôi cam kết Hà Lầm sẽ không thụt lùi. Và chúng tôi đang nỗ lực hàng ngày cho mục tiêu đó.
PV: Một câu hỏi riêng tư, cảm xúc của Ông thế nào khi là “thuyền trưởng” của một con thuyền trên 4.000 CBCNV với một lịch sử hơn 55 năm, thưa tân Giám đốc?
KS. TMC: Vinh dự xen lẫn tự hào. Trong tâm thức, tôi nghĩ mình là người đã được lãnh đạo Tập đoàn, lãnh đạo Công ty tin tưởng giao nhiệm vụ, tôi vô cùng cảm ơn tập thể CBCNV và người lao động Công ty tín nhiệm. Tuy nhiên hiện tại, việc tôi xác định là làm thế nào để Than Hà Lầm phát triển bền vững, xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh của lớp lớp cha anh đi trước; sự tin tưởng của lãnh đạo Tập đoàn, của những người thợ mỏ đã tín nhiệm mình. Trách nhiệm khó khăn, nặng nề nhưng vượt lên khó khăn đó mới là bản lĩnh của người thợ mỏ, phải không nhà báo?
P.V: Xin chân thành cảm ơn ông!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tu-hao-don-vi-hai-lan-anh-hung-10790.htm” button=”Theo vinacomin”]