Triển khai thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2010 – 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ I đề ra, 5 năm qua, Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt Nam đã tập trung toàn bộ nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp với quyết tâm hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, bằng việc phát huy sức mạnh đoàn kết, “Kỷ luật và Đồng tâm” đã trở thành thương hiệu của mình, các thế hệ thợ mỏ ngành Than – Kh
Những kết quả nổi bật trong điều hành SXKD giai đoạn 2010-2015
Những năm đầu khi Tập đoàn triển khai thực hiện KH năm 2011 -2015, tình hình kinh tế thế giới và trong nước nói chung thuận lợi, do đó năm 2010, 2011 kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn tăng trưởng khá, thu nhập người lao động ổn định. Đặc biệt là năm đỉnh cao 2011, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của Tập đoàn đều hoàn thành ở mức cao: Than tiêu thụ 44,71 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2010, trong đó: Xuất khẩu 16,9 triệu tấn, than trong nước 27,82 triệu tấn; Tiêu thụ các sản phẩm khoáng sản cũng ở mức cao và tăng so năm trước. Lợi nhuận 8.632 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước: 16.150 tỷ đồng là năm các chỉ tiêu sản lượng than, hiệu quả cao nhất kể từ khi thành lập Tập đoàn.
Tuy nhiên, từ năm 2012 – 2015 là giai đoạn hết sức khó khăn. Kinh tế suy thoái dẫn tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong nước đều giảm sút mạnh, giá bán hầu hết các sản phẩm công nghiệp đều giảm sâu, tồn kho tăng cao… đã tác động trực tiếp đến Tập đoàn. Thêm vào đó, giá thành than tăng nhanh do thuế, phí ngày càng tăng cao, điều kiện khai thác ngày càng đi xa và xuống sâu hơn.Trên cơ sở nắm bắt sớm và đánh giá đúng tình hình, Tập đoàn đã chủ động, linh hoạt và quyết liệt trong việc điều hành kế hoạch sản xuất-tiêu thụ, điều hành chi phí. Chủ động và bám sát trong việc đề nghị Chính phủ, các Bộ giải quyết, tháo gỡ các khó khăn cho Tập đoàn như: Giá bán than cho điện, thuế xuất khẩu than. Nhờ các giải pháp tổng thể và việc triển khai đồng bộ của cả hệ thống chính trị của Tập đoàn nên mặc dù trong tình hình hết sức khó khăn, Tập đoàn vẫn hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản, sản xuất vẫn giữ được ổn định, đảm bảo việc làm, thu nhập, cân đối được tài chính ở mức an toàn cho phép, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Giai đoạn 2012 – 2015 cũng là giai đoạn Tập đoàn tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm là cổ phần hóa, thoái vốn, hoàn thiện tổ chức công ty mẹ và các đơn vị thành viên. Tập đoàn đã thực hiện lộ trình đề án tái cơ cấu đảm bảo tiến độ và hiệu quả (giảm cấp trung gian, bố trí sắp xếp lại tổ chức theo hướng tinh gọn, đạt tiến độ và hiệu quả). Cũng trong giai đoạn này, Tập đoàn đã đưa vào hoạt động Nhà máy Nhiệt điện Mạo Khê (2013) Nhiệt điện Nông Sơn(2015), Thuỷ điện Đồng Nai (Tổ máy 1: 2015); nhà máy Alumin Tân Rai đã đưa vào hoạt động từ năm 2013 và đang hoàn thiện đưa vào hoạt động nhà máy Alumin Nhân Cơ. Sự kiện này chính thức đánh dấu việc ra đời của một ngành công nghiệp mới của Việt Nam – ngành sản xuất Alumin; Khánh thành dây chuyền sản xuất thuốc nổ Nhũ tương an toàn hầm lò; Nhà máy sản xuất Amon Nitrate 200.000 tấn/năm đã hoàn thành và đưa vào sản xuất(2015). Tiếp tục triển khai thực hiện các dự án: Dự án đầu tư khai thác phần lò giếng mỏ than Nam Mẫu, Dự án đầu tư khai thác hầm lò Mỏ Khe Chàm 3, Khe Chàm II-IV; Dự án khai thác Mỏ than Bắc Cọc Sáu; Dự án khai thác lò giếng Mỏ than Hà Ráng; Dự án đầu tư khai thác hầm lò xuống sâu dưới mức -35 khu Lộ Trí – Công ty than Thống Nhất -TKV; Dự án khai thác xuống sâu mỏ Ngã Hai – Công ty than Quang Hanh; Dự án đầu tư khai thác phần lò giếng mỏ than Khe Tam-Công ty than Dương Huy; Dự án khai thác xuống sâu dưới mức -75 mỏ Bình Minh; Dự án cải tạo mở rộng khai thác lộ thiên mỏ Suối Lại; Dự án mở rộng nâng công suất tầng lò bằng mỏ than Đồng Vông- Công ty than Đồng Vông; Dự án đầu tư mở rộng nâng công suất khu Tràng Khê, Hồng Thái (mỏ Tràng Bạch) – Công ty Than Uông Bí; Dự án đầu tư khai thác phần dưới mức -50 mỏ than Hà Lầm – Công ty than Hà Lầm; Dự án đầu tư XDCT khai thác giai đoạn II – Mỏ than Mông Dương – Công ty Cổ phần than Mông Dương -TKV; Dự án cải tạo mở rộng khai thác hầm lò tầng lò giếng +00 -:- +105 khu Trung tâm Vàng Danh; Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác phần lò giếng mức +0 -:- -175 khu Vàng Danh – Mỏ than Vàng Danh; Dự án đầu tư XD công trình khai thác Hầm lò mỏ than Núi Béo…
Tổng hợp các chỉ tiêu giai đoạn 2010-2015: Tổng doanh thu dự kiến 612.238 tỷ đồng/kế hoạch 551.416 tỷ đồng, bằng 111% kế hoạch (đã trừ phần của TCT Đông Bắc). Lợi nhuận đạt trên dưới 3 ngàn tỷ đồng/năm.
Mục tiêu tăng trưởng 6,5 – 7% với cơ cấu hợp lý giữa các lĩnh vực
Từ kết quả thực hiện KH 2011-2015, đặc biệt là dựa trên mục tiêu tổng quát kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020 theo Chỉ thị số 22/CT-TTg cuả Thủ tướng Chính phủ; Tập đoàn đề ra mục tiêu phát triển giai đoạn 2016-2020 là: Phát triển Tập đoàn TKV trở thành Tập đoàn kinh tế vững mạnh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sở tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu sau: công nghiệp than, công nghiệp khoáng sản, công nghiệp điện, công nghiệp VLNCN, cơ khí mỏ và phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ hỗ trợ phù hợp. Tốc độ tăng trưởng tổng doanh thu bình quân giai đoạn 2016-2020 là 6,5 – 7%/năm với cơ cấu hợp lý giữa các lĩnh vực trên; phấn đấu năng suất lao động tổng hợp hàng năm phải tăng ít nhất 5%, chi phí hằng năm phải giảm từ 3-5% so với năm trước; hướng đến mục tiêu xây dựng Tập đoàn TKV năng suất, hiệu quả, tuân thủ pháp luật.
Để thực hiện thắng lợi KH 5 năm 2016-2020, Tập đoàn đặt trọng tâm vào bốn nhóm giải pháp:
Nhóm giải pháp về đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất:
Đối với công nghiệp than: Để phát triển bền vững ngành công nghiệp than với mục tiêu đáp ứng cao nhất nhu cầu than của đất nước, giảm tổn thất tài nguyên, đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ môi trường. Tập đoàn chú trọng vào 4 vấn đề:
Một là, trong công tác Quản trị tài nguyên: Tập đoàn tập trung thăm dò, lập báo cáo tổng hợp đánh giá tài nguyên, trữ lượng toàn Tập đoàn, xây dựng ngân hàng dữ liệu địa chất. Sớm kiểm kê, tính toán lại mức độ tin cậy tài nguyên, trữ lượng than, khoáng sản để đảm bảo tài nguyên chắc chắn cho các dự án đầu tư mới đồng thời đề ra các giải pháp quản trị và khai thác hiệu quả phục vụ cho kế hoạch giai đoạn 2015-2020 và sự phát triển ổn định, lâu dài của Tập đoàn. Nghiên cứu áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong việc đánh giá nguồn tài nguyên, trữ lượng than, khoáng sản để phục vụ thiết kế mỏ và huy động vốn trên thị trường quốc tế.
Hai là, đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới, đầu tư mở rộng các mỏ than hầm lò hiện có, đầu tư xây dựng các mỏ than hầm lò mới hiện đại.
Trong khai thác hầm lò: áp dụng cơ giới hoá khai thác, đào lò phù hợp với điều kiện của từng vỉa than; Đầu tư thiết bị giảm thiểu lao động thủ công trong các công đoạn khai thác, đào lò, vận tải mỏ. Tiếp tục hoàn thiện các công nghệ cơ giới hoá (CGH) đồng bộ; tự động hóa các khâu thông gió và kiểm soát khí mỏ, thoát nước trong hầm lò; công suất lò chợ bình quân chung mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020 tăng tối thiểu 5%. Tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ qua các năm phấn đấu như sau: năm 2015: khoảng 5%; Giai đoạn từ năm 2016-2020, Tập đoàn đang đầu tư thêm 11 dự án cơ giới hóa đồng bộ tăng sản lượng CGH đồng bộ lên khoảng 15%.
Trong khai thác lộ thiên: tiếp tục nghiên cứu trình tự khai thác đổ thải vùng Cẩm Phả; kết hợp không gian các mỏ Cao Sơn, Cọc Sáu, Đèo Nai, Tây Nam Đá Mài để khai thác tối ưu, triệt để tài nguyên, nâng cao hiệu quả sản xuất chung toàn vùng; Nghiên cứu trình tự kết thúc khai thác các mỏ lộ thiên vùng Hòn Gai (Núi Béo, Hà Lầm, Hòn Gai) kết hợp hoàn thổ cải tạo phục hồi môi trường đạt hiệu quả cao nhất và giảm chi phí sản xuất. Đồng thời, nghiên cứu áp dụng đồng bộ thiết bị công suất lớn (xe ô tô 91-96 tấn), công nghệ vận tải liên hợp: ôtô – băng tải; ô tô – trục tải, trục nâng tại các mỏ để phát huy các ưu điểm và khắc phục các nhược điểm của từng dạng vận tải, giảm giá thành và mở rộng biên giới khai thác
Trong sàng tuyển, vận chuyển than: Hoàn thiện hệ thống sàng tuyển, chế biến than tại các mỏ và nhà máy sàng tuyển để nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng hệ số thu hồi than, giảm chi phí vận chuyển than, đất đá thải, đặc biệt là các hệ thống sàng tuyển than chất lượng thấp, bã sàng, đất đá lẫn than; Triển khai thực hiện phương án pha trộn than giữa các vùng của TKV, pha trộn than nhập khẩu với than của TKV để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ; Đẩy nhanh xây dựng các tuyến băng tải vận chuyển than từ các mỏ ra kho cảng góp phần giảm chi phí và bảo vệ tài nguyên; Đầu tư các kho, bến cảng nhận và giao than đảm bảo chủ động than cấp cho các hộ sử dụng. Cơ giới hoá các khâu vận tải, bốc rót, pha trộn trong cảng theo hướng băng tải hóa, đầu tư các thiết bị giám sát, đo lường tự động kiểm soát chặt chẽ khối lượng, chất lượng than.
Ba là, tăng cường quản lý kỹ thuật cơ bản như: Giảm tỷ lệ tổn thất trong công nghệ khai thác: các mỏ lộ thiên <4-5%, trong khai thác than hầm lò < 22-25%; Tổ chức kiểm soát các chỉ tiêu công nghệ, định mức kỹ thuật quản lý chặt chẽ từ khâu lập kế hoạch đến nghiệm thu và có giải pháp tối ưu các chỉ tiêu công nghệ, thông số kỹ thuật để phát huy năng suất, công suất thiết bị, giảm tối đa khối lượng phát sinh ngoài kế hoạch như xử lý đất công nghệ, bùn moong, sự cố lò,…
Bốn là, tập trung ưu tiên mọi nguồn lực cho các dự án trọng điểm, đảm bảo tiến độ các dự án góp phần đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia.
Đối với công nghiệp khoáng sản: Tập trung đầu tư, khai thác một cách hiệu quả các khoáng sản quan trọng được Nhà nước giao như đồng, bauxite – alumina, sắt Thạch Khê, sắt Cao Bằng, Cromit, … Để hiện thực hoá mục tiêu này, cần làm tốt các giải pháp sau: Nhanh chóng đưa các nhà máy Bauxite -Alumina đạt công suất thiết kế và tiến tới vượt công suất thiết kế; Sớm đưa công nghệ luyện kim để gia tăng giá trị của các sản phẩm khoáng sản. Trước mắt, đưa khu liên hợp gang thép Cao Bằng đưa vào hoạt động trong năm 2015-2016 và đạt công suất luyện 200.000 tấn/năm vào năm 2017; Đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm như Dự án mở rộng, nâng công suất Nhà máy luyện đồng Lào Cai, đồng Tà Phời, sắt Thạch Khê; Tiếp tục xem xét việc hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để đầu tư công nghệ trong khai thác và chế biến Titan tại Bình Thuận.
Các lĩnh vực khác, công nghiệp điện: phấn đấu duy trì vận hành ổn định phát huy công suất các nhà máy điện Na Dương, Cao Ngạn, Sơn Động, Cẩm Phả 1, Cẩm Phả 2, Mạo Khê, Nông Sơn, Đồng Nai 5 và đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành thương mại Nhà máy điện Cẩm Phả 3, Na Dương 2, Quỳnh Lập 1 theo đúng tiến độ. Vật liệu nổ công nghiệp: Vận hành ổn định Nhà máy Nitrat amon Thái Bình, nghiên cứu, thử nghiệm VLNCN mới và tiền chất thuốc nổ để sản xuất các sản phẩm mới có nhiều ưu điểm hơn đáp ứng yêu cầu chất lượng ngày càng cao của thị trường. Chuẩn bị, mở rộng phát triển lĩnh vực nổ mìn công nghệ cao như nổ mìn tạo biên, khai thác đá khối, nổ mìn công trình ngầm, nổ mìn dưới nước, đầu tư đồng bộ hóa hệ thống xe phục vụ công tác nổ mìn. Cơ khí: Chủ động nghiên cứu, đầu tư chế tạo thiết bị, máy móc, phụ tùng cho ngành Than – Khoáng sản, như: Chế tạo máy xúc đá, cột chống, giá thủy lực, giàn chống…Phân công, hợp tác, sắp xếp lại sản xuất theo hướng chuyên môn hoá; Tăng cường sự liên kết giữa các công ty cơ khí, tư vấn, làm tổng thầu thi công các công trình cơ khí của Tập đoàn. Việc cung ứng các sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ khác: các đơn vị trong toàn Tập đoàn thực hiện nghiêm sự phối hợp, ưu tiên sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của nhau để giúp nhau cùng phát triển, phát huy tối đa năng lực sản xuất của từng đơn vị theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, cùng có lợi.
Nhóm các giải pháp về tổ chức, quản lý, điều hành sản xuất
Tập đoàn tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và đổi mới quản trị doanh nghiệp: Xây dựng mô hình quản trị doanh nghiệp phù hợp với việc áp dụng công nghệ thông tin theo hướng tập trung nâng cao giá trị gia tăng và kiểm soát chặt chẽ quá trình quản lý của doanh nghiệp, sớm xây dựng ISO để đánh giá quy trình quản lý và năng lực cán bộ.
Về quản lý điều hành sản xuất và tiêu thụ sản phẩm: Phấn đấu đảm bảo cung cấp đủ than cho các ngành kinh tế được Nhà nước giao và các khách hàng mà TKV đã cam kết, ký hợp đồng. Trong các năm tới, cần tập trung tối đa than cho sản xuất điện và phân bón, hóa chất; các hộ còn lại cân đối ổn định ở mức bằng năm 2014. Xuất khẩu than cục và than cám chất lượng cao khi thị trường trong nước chưa sử dụng hết, khoảng 2 triệu tấn/năm và xuất khẩu Alumina để cân đối ngoại tệ trả nợ hàng năm và nhập khẩu vật tư thiết bị, triển khai công tác nhập khẩu than. Bên cạnh đó, tích cực tìm kiếm đối tác để ký hợp đồng dài hạn cung cấp cho các dự án điện mà TKV đã cam kết cung cấp than nhập khẩu .
Với công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, Tập đoàn tiến hành rà soát kỹ kế hoạch đầu tư xây dựng từng dự án, hạng mục đầu tư, các đơn vị trong Tập đoàn các công ty phối hợp sử dụng tối ưu, tận dụng tối đa các công trình đã đầu tư. Đẩy mạnh nghiên cứu, lựa chọn công nghệ tối ưu để kịp thời đưa vào thiết kế các công trình trong điều kiện hiện tại. Tăng cường hợp tác, thuê tư vấn trong nước và nước ngoài để thực hiện các dự án lớn, phức tạp nhằm tiếp thu công nghệ và kinh nghiệm của các đối tác, đảm bảo tiến độ và chất lượng của dự án.
Đồng thời, TKV tăng cường hợp tác, phối hợp tốt với các địa phương, đảm bảo sự phát triển hài hoà trên địa bàn; đặc biệt là phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc quản lý ranh giới mỏ, quản lý khai thác, vận chuyển và kinh doanh than, khoáng sản. Thường xuyên, kịp thời báo cáo và trực tiếp làm việc với các cơ quan Trung ương để giải quyết các vướng mắc về giấy phép thăm dò; thuế phí và cơ chế chính sách đối với sản xuất than, khoáng sản phù hợp với tình hình thực tế.
Nhóm các giải pháp về cơ chế quản trị:
Tập đoàn tiếp tục hoàn thiện cả về cơ chế và phương pháp quản trị, tạo động lực nhằm tiết giảm chi phí, khuyến khích người lao động tại mọi vị trí tăng năng suất, chất lượng sản phẩm dịch vụ; đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, áp dụng các chuẩn mực hiện đại (ISO) trong quản trị doanh nghiệp.
Đặc biệt là công tác quản lý lao động, tiền lương, đảm bảo đủ lao động làm việc trong hầm lò theo yêu cầu sản xuất. Giảm tỷ lệ thợ lò thôi việc bằng các cơ chế, chính sách đãi ngộ thỏa đáng, đảm bảo đến năm 2017 tỷ lệ thợ lò đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động <30% so với số tuyển mới trong năm. Tập đoàn cùng với các đơn vị tổ chức giới thiệu, quảng bá hình ảnh về Tập đoàn, về thợ mỏ ngành Than góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; nghiên cứu phân luồng đào tạo, rút ngắn hợp lý thời gian đào tạo tập trung đối với học sinh thợ lò để tăng thời gian thực tập rèn luyện tay nghề. Tiếp tục tinh giản số lượng lao động, cơ cấu lại lực lượng lao động phụ trợ, phục vụ và lao động quản lý, theo đó số lao động này phải giảm hằng năm từ 2-6% cho đến khi đạt tỷ lệ phù hợp, theo định mức được duyệt. Thuê lao động từ các đơn vị cung cấp dịch vụ lao động đối với những công việc có tính chất đơn giản không yêu cầu chuyên môn kỹ thuật cao, không quyết định đến hiệu quả kinh doanh của đơn vị.
Tiền lương và chế độ đối với người lao động cũng sẽ được hoàn thiện với các cơ chế khuyến khích hợp lý cho người lao động nhằm tạo động lực tăng năng suất, giảm giá thành. Nghiên cứu, mở rộng hình thức trả lương lũy tiến khi vượt mức và lũy thoái khi không đạt mức. Gắn tiền lương với an toàn và tiết kiệm chi phí.
Vấn đề huy động, sử dụng vốn:
Tập đoàn nghiên cứu đổi mới cơ chế huy động, giải ngân vốn giữa Công ty mẹ và Công ty con với mục tiêu thúc đẩy tổ hợp cùng phát triển và phù hợp với quy định hiện hành; đặc biệt là phối hợp thu xếp sử dụng vốn cho các dự án xây dựng mỏ nâng cao sản lượng than. Xây dựng mô hình tài chính dài hạn, huy động và sử dụng vốn cho các dự án theo kế hoạch, đúng mục đích, bám sát mô hình tài chính điều hành đảm bảo an toàn tài chính. Tiếp tục duy trì đánh giá hệ số tín nhiệm quốc tế tạo điều kiện thuận lợi kiểm soát tình hình tài chính và huy động vốn trên thị trường.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tap-trung-toan-bo-nguon-luc-quyet-tam-thuc-hien-thang-loi-nghi-quyet-dai-hoi-dang-bo-tap-doan-201508211008092573.htm” button=”Theo vinacomin”]