Đào tạo các nghề mỏ hầm lò, đáp ứng nguồn nhân lực cho Tập đoàn TKV luôn được Trường Cao đẳng TKV xác định là nhiệm vụ trọng tâm số 1. Với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, sự nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, giáo viên, CNVC Nhà trường, công tác tuyển sinh, đào tạo nghề mỏ hầm lò đã liên tiếp đạt được những thành công, đặc biệt là trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019.
Đảng ủy Trường Cao đẳng TKV ký Quy chế phối hợp với Huyện ủy Mường La, tỉnh Sơn La
Tuyển sinh bền vững
Trong những năm gần đây, công tác tuyển sinh, đào tạo công nhân kỹ thuật nghề mỏ hầm lò tiếp tục đứng trước những khó khăn và thách thức, trong khi nhu cầu về nguồn lao động nghề mỏ hầm lò hàng năm là rất lớn với khoảng từ 3.000 đến 4.000 lao động kỹ thuật nghề mỏ hầm lò đáp ứng cho mở rộng và đầu tư các dự án khai thác than hầm lò.
Tuy nhiên, theo ThS. Vũ Văn Thịnh, Phó Hiệu trưởng – Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh & Giới thiệu việc làm, công tác tuyển sinh nghề mỏ hầm lò ngày càng khó khăn do sức hút từ các khu công nghiệp, các ngành nghề phát triển tại các địa phương mà trước đây là địa bàn tuyển sinh truyền thống, do vậy người lao động có nhiều lựa chọn nghề nghiệp. Mặt khác, thông tin các vụ TNLĐ hầm lò có tác động đến tâm lý của người dân, mặc dù số vụ TNLĐ so với các ngành khác không phải là cao…, dẫn đến khó khăn trong công tác tuyển sinh, nếu không đáp ứng được sẽ thiếu hụt thợ lò…
Để thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh, đào tạo nghề mỏ hầm lò, Trường Cao đẳng TKV đã có nhiều nỗ lực và các giải pháp đồng bộ trong công tác tuyển sinh. Hiện nay, Trung tâm Tuyển sinh & Giới thiệu việc làm của Nhà trường có 6 phòng tuyển sinh tỉnh ngoài và 3 phòng tuyển sinh doanh nghiệp; các phòng tuyển sinh tỉnh ngoài được Nhà trường bố trí lực lượng cán bộ có trình độ, sức khỏe, sự chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm cao. Nhà trường chú trọng xây dựng mạng lưới tuyển sinh với hệ thống sâu rộng mang thương hiệu TKV tại các tỉnh, thành phố; công tác thông tin truyền thông tuyển sinh – tuyển dụng được Nhà trường chủ động thực hiện trực tiếp tại 29 tỉnh, thành khu vực phía Bắc và Miền Trung, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Tập đoàn TKV, về công nghệ hiện đại, cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc cũng như các chế độ đãi ngộ, tiền lương, chăm lo đời sống cho người lao động.
Cùng với chỉ đạo sát sao của Tập đoàn, sự chỉ đạo, điều hành, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của lãnh đạo Nhà trường, sự tận tâm, tận lực, không quản ngại khó khăn của cán bộ tuyển sinh, Nhà trường tiếp tục tập trung các nguồn lực cho công tác tuyển sinh, thực hiện “Tuyển sinh bền vững” với mục tiêu gắn kết chặt chẽ giữa Doanh nghiệp – Nhà trường – Địa phương trong công tác tuyển sinh, tuyển dụng, giữ chân lao động hầm lò. Đặc biệt, đã đổi mới, sáng tạo trong việc ký quy chế phối hợp với Huyện ủy các địa phương, từ tháng 3/2018 đến nay, Đảng ủy Nhà trường đã ký quy chế phối hợp với 16 Huyện ủy địa phương tiềm năng thuộc các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Qua đó, đã có sự vào cuộc trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chỉ đạo từ cấp tỉnh đến huyện, xã và đến tận thôn, bản đem lại hiệu quả cao.
Đối với doanh nghiệp, ngoài việc đầu tư công nghệ hiện đại, CGH, TĐH, cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao mức độ an toàn, các doanh nghiệp đã cùng chung tay thực hiện tuyển sinh và giữ chân người lao động. Thực tế cho thấy, đơn vị nào quan tâm chỉ đạo, coi trọng công tác tuyển sinh, tuyển dụng lao động thì đạt hiệu quả cao như Công ty CP than Núi Béo 6 tháng đầu năm 2019 nhập học 398 học sinh, Công ty đã phối hợp chặt chẽ với Nhà trường và địa phương, chăm lo đời sống, thu nhập, điều kiện làm việc cho thợ lò… để thu hút và giữ chân người lao động. Công ty Xây lắp mỏ trước đây rất khó khăn về lao động nhưng gần đây đã tuyển được nhiều học sinh theo học và về làm việc, như huyện Bảo Lâm – Cao Bằng có 150 em đang học theo chỉ tiêu và làm việc, do Công ty đã quan tâm, gây dựng niềm tin cho người lao động, nhất là tạo được uy tín với cấp ủy, chính quyền địa phương…
Thành quả từ sự nỗ lực không ngừng
Năm 2019, Nhà trường được Tập đoàn TKV giao tuyển sinh đào tạo 4.230 học sinh nghề mỏ hầm lò, tăng 10% so với 2018. Tại hội nghị người lao động năm 2019, Nhà trường xác định chủ đề công tác năm 2019 là: “Năm tuyển sinh thợ lò”, phấn đấu thực hiện tuyển 4.480 học sinh.
Đoàn cán bộ lãnh đạo và học sinh huyện Bắc Yên – Sơn La tham quan Phân hiệu Đào tạo Hoành Bồ
Phó Hiệu trưởng Vũ Văn Thịnh phấn khởi cho biết: “Tiếp nối thành công trong công tác tuyển sinh nghề mỏ hầm lò năm 2018, trong 6 tháng đầu năm 2019, kết quả tuyển sinh các nghề mỏ hầm lò đạt con số ấn tượng với 3.221 học sinh. Đây là kết quả tuyển sinh đạt được cao nhất từ trước đến nay, là thành quả của sự nỗ lực không ngừng. Như vậy, 6 tháng Nhà trường đã hoàn thành đạt 74,5% so với kế hoạch TKV giao, đạt 71,8% so với kế hoạch điều hành và đạt trên 86,67% so với cả năm 2018”.
Trong những năm gần đây, công tác tuyển sinh có sự chuyển dịch sang địa bàn các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Phó Hiệu trưởng Vũ Văn Thịnh đưa cho chúng tôi xem bảng thống kê tuyển sinh nghề mỏ hầm lò từ năm 2015 đến 30/6/2019, Nhà trường tuyển sinh tổng số 16.260 học sinh nghề mỏ hầm lò tại 62 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đến nay, có 38 dân tộc anh em học tập và làm việc tại các doanh nghiệp của TKV. Các đơn vị như Than Khe Chàm có 26 dân tộc; Quang Hanh có 25 dân tộc; Xây lắp mỏ có 20 dân tộc; Mông Dương, Thống Nhất có 18 dân tộc… Tỷ lệ học sinh là người dân tộc thiểu số có xu hướng tăng; nếu như năm 2015, tỷ lệ học sinh dân tộc Kinh chiếm 75%, các dân tộc khác 35%, thì năm 2017, tỷ lệ là 44,5/55,5; năm 2018 là 36,8/63,2 và 6 tháng đầu năm 2019 tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số chiếm 65,4%. Các dân tộc thiểu số có nhiều học sinh nhất là H.Mông, Dao, Tày, Nùng, Thái…, và các tỉnh có số học sinh tuyển nhiều là Hà Giang, Sơn La, Cao Bằng, Điện Biên, Lào Cai…; Từ thực tế này cho thấy, khi người lao động làm việc tại các đơn vị của TKV với tiền lương từ 12-15 triệu đồng/người/tháng đã mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình và địa phương. Nói như lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang (huyện có khoảng 200 lao động thợ lò), cứ mỗi lao động đi làm tại TKV là giúp cho gia đình đó thoát nghèo. Cùng với đó, Nhà trường và doanh nghiệp cũng đã tăng cường tìm hiểu về phong tục tập quán, có cơ chế chính sách, ứng xử phù hợp, linh hoạt trong quản lý, đào tạo, tổ chức các hoạt động VHTT cho học sinh, người lao động là dân tộc thiểu số, đặc biệt là sự quan tâm, đồng cảm, tạo niềm tin cho người lao động.
Lãnh đạo huyện Bảo Lâm – Cao Bằng tham quan cơ sở đào tạo của Nhà trường
Anh Bùi Văn Vương, Trưởng phòng Tuyển sinh Đông Bắc chia sẻ, thực hiện tuyển sinh vùng núi, vùng dân tộc thiểu số có khó khăn do địa bàn xa, đặc biệt là văn hóa phong tục tập quán của người dân tộc thiểu số còn ngại xa nhà, xa quê, còn phụ thuộc vào gia đình, bạn bè, chưa hiểu nhiều về ngành Than…, Do vậy, ngoài các giải pháp trong công tác tuyển sinh, cán bộ tuyển sinh phải tìm hiểu phong tục tập quán của người dân tộc, bám sát cơ sở, cùng chia sẻ, gắn kết với học sinh từ khi tuyển sinh đến trong quá trình học và khi đi làm tại doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ địa phương, người dân hiểu về ngành mỏ, phối hợp tổ chức cho các đoàn cán bộ địa phương, học sinh tham quan, tìm hiểu thực tế về Nhà trường, về sản xuất, đời sống của thợ mỏ.
Phòng Tuyển sinh Đông Bắc gồm có 05 cán bộ, chuyên viên thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang và Hà Tĩnh. Các cán bộ tuyển sinh của phòng đã luôn phát huy trình độ, năng lực, sáng tạo, không ngại khó khăn vất vả, có những lần đi từ 4h30 sáng ở Cẩm Phả đến nửa đêm mới đến huyện Bảo Lâm – Cao Bằng để tuyển sinh. Từ huyện lại cùng với cán bộ huyện đi bộ đường rừng đến từng thôn, bản, đến các gia đình để tư vấn, vận động người dân đi học. Khi hỏi về kết quả tuyển sinh của phòng, Bùi Văn Vương tươi cười cho biết, năm 2018 Phòng Tuyển sinh Đông Bắc hoàn thành kế hoạch tuyển đạt 387 học sinh, nhiều học sinh đến nay đi làm công việc ổn định, thu nhập cao, còn 6 tháng đầu năm 2019 phòng đã tuyển đạt 280 học sinh, đạt 68,8% kế hoạch năm.
Kết quả tuyển sinh đạt được trong 6 tháng đầu năm 2019 có ý nghĩa quan trọng, là động lực để cán bộ, giáo viên, CNVC Nhà trường hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo các nghề mỏ hầm lò cũng như hoàn thành toàn diện kế hoạch, nhiệm vụ năm 2019, thực hiện mục tiêu “Tuyển sinh bền vững”, đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tiep-noi-thanh-cong-201908081549352841.htm” button=”Theo vinacomin”]