Xi măng Tân Quang có công suất trên 3 triệu tấn xi măng/năm với các sản phẩm chính bao gồm: xi măng PCB30 và xi măng PCB40. Mặc dù thời gian “xuất hiện” trên thị trường chưa lâu, song, thương hiệu Xi măng Tân Quang đã tạo được chỗ đứng vững vàng. Để làm được điều đó, theo lãnh đạo Công ty, là bởi trong thời gian qua, Công ty luôn chú trọng làm tốt phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao năng lực sản xuất. Cùng với đó là quản trị chi phí tốt, giúp hạ giá thành sản phẩm.
Nhân rộng phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật
Để phát huy được sức sáng tạo của CNCB Công ty, lãnh đạo Công ty đã đề ra những chủ trương và tạo điều kiện thu hút người lao động tham gia phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo như: xây dựng quy chế “Quy chế về hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật và hợp lý hóa trong sản xuất”; thành lập Hội đồng sáng kiến cải tiến kỹ thuật; định hướng xây dựng kế hoạch áp dụng sáng kiến…
Vì thế, phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật ở Công ty được nhân rộng. Thống kê cho thấy, 5 năm qua, Công ty CP Xi măng Tân Quang đã có 56 sáng kiến, 47 giải pháp từ cán bộ, công nhân viên. Nhiều sáng kiến được đưa vào áp dụng trong sản xuất, làm lợi cho Công ty gần 15 tỷ đồng. Điển hình như các sáng kiến: Cải tiến quy trình đốt lò thay thế vòi đốt than cũ bằng vòi đốt than thế hệ mới; cải tạo kết cấu buồng khói hệ thống lò nung nhằm giảm thời gian dừng lò; cải tạo thiết bị đồng thời sử dụng phụ gia xi măng, nâng cao năng suất máy nghiền xi măng…
Triệt để tiết kiệm chi phí nguyên nhiên liệu đầu vào
Thời gian gần đây, chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng liên tục tăng, nhất là giá điện… Nếu không có giải pháp tiết kiệm nhiên liệu thì sản xuất sẽ không hiệu quả. Để giải quyết vấn đề chi phí nhiên liệu tăng, Công ty đã thực hiện tiết giảm điện ở khu vực hành chính, hạn chế sử dụng điện trong giờ cao điểm, chạy đủ tải ở các khâu sản xuất, khoán chi phí đến từng công đoạn nhằm kiểm soát chi phí, tránh lãng phí, hao hụt, thất thoát nhiên liệu; tổ chức bảo dưỡng máy móc thường xuyên.
Công ty tận dụng tối đa lợi thế của hệ thống dây chuyền công nghệ lò quay khép kín với các công đoạn phụ trợ đều được cơ khí hóa và tự động hóa hoàn toàn. Từ phòng điều khiển trung tâm, thông qua các máy tính điện tử, thiết bị vi xử lý, hệ thống sơ đồ công nghệ và hệ thống camera quan sát, CBCN vận hành, điều khiển hoạt động toàn bộ hệ thống thiết bị nên quá trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ, hiệu suất hoạt động của máy móc đạt công suất tối ưu. Bên cạnh đó, Công ty còn đầu tư các thiết bị kiểm soát bụi; vừa giúp bảo vệ môi trường, vừa hạn chế nguyên nhiên liệu thất thoát theo khói ra ngoài…
Việc áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật của CBCN Công ty đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Hàng năm, doanh thu tiêu thụ của Xi măng Tân Quang tăng bình quân từ 5% đến 7%/năm. Thu nhập bình quân của người lao động trước đây là 5,6 triệu đồng/người/tháng đến nay đạt 6 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2015 này, Công ty Xi măng Tân Quang đặt mục tiêu sản xuất 720 nghìn tấn xi măng. Cùng với phát huy sức lao động sáng tạo của CNCB Công ty, triệt để tiết giảm chi phí sản xuất; Xi măng Tân Quang đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, phấn đấu đưa thương hiệu sản phẩm xi măng của Công ty có mặt ở nhiều công trình, nhiều thị trường trong cả nước. Sự cạnh tranh của thị trường xi măng trong nước rất quyết liệt. Do đó, mục tiêu Xi măng Tân Quang đặt ra là phải đảm bảo chất lượng tốt, độ ổn định cao và trên hết là thái độ phục vụ, luôn đáp ứng khách hàng một cách tốt nhất.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/xi-mang-tan-quang-doanh-thu-tang-binh-quan-5-7nam-201510121449069631.htm” button=”Theo vinacomin”]