Chăm sóc tốt sức khoẻ cho người lao động, đặc biệt là thợ lò, để họ nhanh chóng tái sản xuất sức lao động cũng là cách thiết thực, góp phần thực hiện tốt chính sách chăm lo nguồn nhân lực của Tập đoàn.
Đặc thù lao động ngành khai thác mỏ là nặng nhọc, vất vả, nên vấn đề chăm lo sức khoẻ cho người lao động có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ý thức được tầm quan trọng đó, Tập đoàn luôn quan tâm đầu tư công tác chăm lo sức khoẻ cho CNCB Tập đoàn. Với vai trò và chức năng mà Tập đoàn giao, tập thể cán bộ y bác sỹ và CNVC Bệnh viện Than Khoáng sản Việt Nam luôn nỗ lực không ngừng phấn đấu nâng cao từ cơ sở vật chất đến chất lượng khám chữa bệnh cho CNCB Tập đoàn.
Cũng với tinh thần đó, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Than – Khoáng sản Việt Nam đã triển khai công tác khám sức khoẻ định kỳ cho hơn 80.000 lượt người; khám chữa bệnh nội, ngoại trú cho 52.000 lượt người. Các chỉ tiêu giường bệnh và khám chữa bệnh khác cũng như các chỉ số cận lâm sàng đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Bệnh viện đã đưa nhiều thiết bị y tế hiện đại như các loại máy siêu âm màu, thiết bị điện tim, thiết bị xét nghiệm công thức máu… nhằm kiểm tra sức khoẻ định kỳ, đặc biệt là sớm phát hiện các loại bệnh nghề nghiệp đối với người lao động.
Trao đổi cụ thể hơn về hoạt động của Bệnh viện, Phó Giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Lê Quang Chung cho biết, để làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ cho người lao động, nhất là công tác điều trị dự phòng từ mỗi đơn vị sản xuất, công tác quản lý mạng lưới y tế cơ sở được Bệnh viện thực hiện nghiêm túc, thường xuyên. Hàng tháng, hàng quý, Bệnh viện đều tiến hành rà soát, thống kê nhằm nắm bắt chính xác số lượng người lao động mắc bệnh nghề nghiệp để kịp thời có phương án điều trị hiệu quả. Trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua ở Vùng Mỏ, lãnh đạo Bệnh viện cùng Công đoàn đã trực tiếp đi xuống các trạm y tế cơ sở để nắm bắt tình hình và sớm triển khai các biện pháp phòng bệnh. Bệnh viện đã cấp miễn phí 30 kg hoá chất cloramin B để vệ sinh môi trường, nguồn nước cho các đơn vị bị ngập lụt nặng sau khi nước rút. Ngoài ra, trong công tác dự phòng năm 2015, Bệnh viện tập trung tuyên truyền và tăng cường phòng chống các chủng mới của vi rút corona, dịch sốt xuất huyết, cúm A (H7N9)… Bệnh viện cũng đã phối hợp với Trường Quản trị Kinh doanh mở 2 lớp tập huấn cho các cán bộ y tế là Trưởng, Phó trạm y tế các đơn vị trong Tập đoàn.
Đặc biệt, trong công tác súc rửa bụi phổi cho công nhân, sau thời gian gián đoạn để đầu tư nâng cấp Bệnh viện, Bệnh viện đã tiến hành rửa phổi trở lại từ tháng 8 năm ngoái. Theo Phó Giám đốc Lê Quang Chung, súc rửa bụi phổi là phương pháp hỗ trợ điều trị làm thông thoáng đường hô hấp cho bệnh nhân. Tức là lấy bớt lượng bụi đã lắng đọng trong phổi người bệnh, giảm tiến triển của bệnh. Quy trình rửa phổi không cần nhiều máy móc nhưng cần nhiều người trực theo dõi. Mỗi ca súc rửa luôn có 5 y, bác sĩ luôn túc trực thường xuyên bên cạnh bệnh nhân… “Trung bình mỗi lần rửa dùng 6-12 lít nước, tùy vào lượng bụi có trong phổi, người bệnh sẽ phục hồi 80 – 90% sức khỏe. Đối với những trường hợp phát hiện sớm thì hoàn toàn có thể rửa hết.” – Trưởng khoa bệnh nghề nghiệp Đỗ Tiến Sỹ cho hay.
Được biết, đây cũng chính là trăn trở của cán bộ, y bác sỹ Bệnh viện, bởi hiện nay, theo quy định, chỉ những bệnh nhân đã có sổ bệnh nghề nghiệp mới được rửa phổi và thường đã nặng nên ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phục hồi sức khoẻ. Hơn nữa, khi đã có sổ bệnh nghề nghiệp thì không được phép bố trí vào sản xuất, dẫn đến thiếu hụt lực lượng lao động tại các mỏ. Thời gian tới, Bệnh viện sẽ đề nghị Tập đoàn cho công nhân tiếp xúc với bụi than từ 15 năm trở lên được rửa phổi dự phòng. Đây là cách tối ưu để phòng bệnh nghề nghiệp và để người thợ mỏ có thể nhanh chóng tái sản xuất sức lao động.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/suc-khoe-la-von-quy-201512111436519067.htm” button=”Theo vinacomin”]