Trong những năm gần đây, bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Cao đẳng nghề Than – Khoáng sản (TKV) còn tập trung đẩy mạnh công tác điều tra nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp và xã hội nhằm triển khai hiệu quả mô hình đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp.
Thực hành kỹ năng dựng vì chống kim loại hình vòm (Ảnh tư liệu)
Theo cách nhìn của ông Lưu Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề TKV, công tác tuyển sinh công nhân khai thác than hầm lò hiện nay vẫn gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Có thể kể đến những nguyên nhân khách quan như: sự phát triển ồ ạt của các trường nghề địa phương (trong đó có cả câu chuyện, một số địa phương chủ động giữ lại học sinh nhằm thụ hưởng ngân sách Nhà nước); vì vậy, nhiều trường cao đẳng, trung cấp chính quy bài bản, đều gặp khủng hoảng thiếu học sinh, không riêng gì Trường Cao đẳng nghề TKV. Bên cạnh đó là sự hình thành của các khu công nghiệp tại nhiều địa phương, đã tác động trực tiếp làm giảm lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp của TKV. Ông Lưu Văn Minh lấy ví dụ thực tế: “việc tuyển sinh tại các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh trước đây vốn rất thuận lợi thì nay cũng trở nên khó khăn với sự xuất hiện của KCN Vũng Áng, Formusa… Có thể nói, nghề mỏ không còn tạo được sức hút đối với lao động tại nhiều địa phương”. Thêm một nguyên nhân chủ quan khác là do sự quảng bá cho hình ảnh người thợ mỏ chưa thực sự được đầu tư bài bản, thiếu một chính sách vĩ mô và sự chung tay của các doanh nghiệp… Chính vì vậy, công tác tuyển sinh, đào tạo công nhân mỏ chưa mang tính bền vững.
Tuy nhiên, với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm động viên cán bộ, giáo viên Nhà trường đẩy mạnh công tác tuyển sinh như: đầu tư thêm nguồn lực, bổ sung thêm các chính sách khuyến khích; nhất là sau khi tái cơ cấu (hợp nhất các Trường Hồng Cẩm, Hữu Nghị, Việt Bắc trở thành Trường Cao đẳng nghề TKV), công tác lãnh chỉ đạo thống nhất về một mối, đã giúp kiện toàn các phòng ban tuyển sinh… nên kết quả công tác tuyển sinh và đào tạo của Nhà trường từ đầu năm đến nay có nhiều chuyển biến khả quan. Đến hết tháng 10, Nhà trường đã thực hiện tuyển sinh được trên 4200 chỉ tiêu thợ lò, tăng nhanh so với kết quả 3.300 chỉ tiêu của cả năm 2014. Dự kiến cả năm 2015 sẽ đạt trên 5000 học sinh.
Hiện nay, Trường Cao đẳng nghề TKV đã thành lập Trung tâm Tuyển sinh – Giới thiệu việc làm với biên chế khoảng 70 người, gồm 3 phòng chức năng kết hợp với doanh nghiệp tuyển sinh, 5 phòng tham gia tuyển sinh tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ninh. Các cán bộ, nhân viên tuyển sinh thường xuyên bám cơ sở, nắm thực tế qua các cuộc khảo sát số người trong độ tuổi lao động. ” Địa bàn từ Quảng Bình đến Quảng Ninh, không có nơi nào không có dấu chân của cán bộ làm công tác tuyển sinh của Nhà trường” – Ông Lưu Văn Minh cho biết.
Đến “lợi ích kép”
Điểm nổi bật của công tác tuyển sinh thời gian gần đây là Nhà trường thường xuyên kết hợp với các đơn vị trong Tập đoàn tổ chức tuyển dụng lao động nghề khai thác mỏ, hay còn gọi là đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp. Theo đó, các học viên trước khi vào học sẽ được doanh nghiệp ký kết hợp đồng tuyển dụng chưa qua đào tạo để cho đi học nghề. Tốt nghiệp ra trường được cấp bằng Trung cấp nghề, sơ cấp nghề và được biên chế vào làm việc tại các công ty thuộc Tập đoàn với mức lương khá ổn định cùng các chế độ ưu đãi nhất của công ty, được xét tuyển học liên thông lên cao đẳng nghề hoặc đại học. Đây là chủ trương đúng đắn của Tập đoàn TKV trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, đã thể hiện trách nhiệm của Nhà trường về việc đảm bảo chất lượng đào tạo và đầu ra cho HSSV, đồng thời khẳng định việc đào tạo tại Nhà trường là thực chất, đào tạo theo nhu cầu của đơn vị, của thực tế sản xuất chứ không phải đào tạo đại trà, chạy theo bằng cấp. Kết quả đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp rất khả quan, đóng góp thiết thực vào công tác tuyển dụng và giữ chân thợ mỏ tại nhiều đơn vị và toàn Tập đoàn nói chung.
Trao đổi cụ thể hơn, ông Lưu Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Việc gắn công tác đào tạo nghề của Nhà trường với nhu cầu của các doanh nghiệp tạo ra “lợi ích kép”. Một mặt, chất lượng đào tạo của Nhà trường được nâng cao do doanh nghiệp cùng tham gia hỗ trợ quá trình đào tạo, tạo điều kiện cho các sinh viên Nhà trường có môi trường thực hành tốt nhất, đồng thời giám sát quá trình đào tạo và chất lượng của sinh viên sau khi ra trường. Mặt khác, thông qua việc phối hợp này, các doanh nghiệp sẽ được cung cấp đội ngũ lao động có tay nghề, đáp ứng được nhu cầu công việc, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp… Đặc biệt là người lao động có thêm động lực, thêm niềm tin gắn bó với nghề, gắn bó với doanh nghiệp”.
Lợi ích đã rõ ràng. Song trăn trở hiện nay của Nhà trường là làm sao có được sự chủ động và tích cực hơn nữa từ phía các doanh nghiệp. “Bài toán tuyển dụng có thể ví như “lý thuyết tảng băng chìm”, trong đó, vai trò của Nhà trường chính chiếm 3 phần; còn lại phụ thuộc vào doanh nghiệp – Ông Lưu văn Minh nói.
“Hữu xạ tự nhiên hương”, đơn vị nào quan tâm sâu sát đến công tác tuyển dụng đào tạo, đơn vị nào làm tốt công tác chăm lo người lao động, đơn vị nào có chính sách đãi ngộ khuyến khích tốt, thu nhập cao… thì tự khắc học viên và người lao động sẽ tìm đến. Thực tế cũng cho thấy, thời gian gần đây, những đơn vị làm tốt công tác này theo thống kê của Nhà trường như Than Vàng Danh, Than Thống Nhất, Khe Chàm, Hòn Gai… cũng chính là những đơn vị đã tìm được lời giải cho bài toán tuyển dụng và giữ chân thợ lò.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/dao-tao-theo-nhu-cau-doanh-nghiep-loi-ich-kep-201512111514329368.htm” button=”Theo vinacomin”]