Năm 2015 đã khép lại với nhiều cảm xúc trong quá trình sản xuất kinh doanh và xây dựng cuộc sống của trên 12 vạn thợ mỏ ngành Than – Khoáng sản Việt Nam. Mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng thợ mỏ đã vững vàng vượt qua. Trong những gian nan đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương về sự sáng tạo, ý chí và nghị lực sắt đá, lòng dũng cảm, tinh thần đồng đội cao cả của thợ mỏ. Truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của giai cấp công nhân mỏ như sáng hơn, lấp lánh trong gian khó.
Khắc phục khó khăn hiện tại
Năm 2015, Tập đoàn đứng trước nhiều thách thức như tình hình kinh tế đất nước và thế giới vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện nhiều, khiến cho công tác tiêu thụ than và nhiều loại khoáng sản tiếp tục gặp khó khăn. Mặt khác, biến đổi khí hậu luôn tác động tiêu cực gây thiệt hại không nhỏ đến ngành khai thác khoáng sản. Ngoài ra, Tập đoàn lại tiếp tục phải đối mặt với không ít thách thức như khai thác ngày càng xuống sâu, nguy cơ về bục nước, khí, hệ số bóc đất, cung độ vận tải, các loại thuế, phí đều tăng… áp lực về năng suất lao động, vốn đầu tư phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao, tuyển dụng và giữ chân thợ lò, an toàn bảo hộ lao động, môi trường… Đó đều là những bài toán khó cần phải giải quyết đồng bộ v.v. Đứng trước tình hình trên, lãnh đạo Tập đoàn đã đưa ra nhiều giải pháp tích cực khắc phục những khó khăn hiện tại, đồng thời đẩy mạnh tiến độ các dự án trọng điểm thuộc các lĩnh vực để hướng tới một tương lai phát triển bền vững, mạnh mẽ hơn.
Trong công tác tiêu thụ than, Tập đoàn đã chỉ đạo các ban, đơn vị bám sát các hợp đồng, các khách hàng theo nguyên tắc bán hàng đồng thời giải quyết dứt điểm công nợ, tiếp tục nghiên cứu thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, nhu cầu của khách hàng để chế biến, điều hành linh hoạt tiêu thụ, đáp ứng cho khách hàng; tạo dựng thị trường than cục phù hợp với tình hình, đảm bảo cân đối cung cầu và tài chính; phân công các công ty kinh doanh cuối nguồn để tiêu thụ, có các chính sách khuyến mãi, dịch vụ bán hàng… Tập đoàn cũng yêu cầu các Ban điều hành cập nhật thị trường hàng tuần để báo cáo và xử lý kịp thời công tác tiêu thụ với mục tiêu giảm tồn kho, tiêu thụ tối đa các chủng loại than cục, là loại than có giá trị cao, điều hành sản xuất phù hợp với tiêu thụ. Đối với các loại khoáng sản kim loại màu, do giá bị giảm sâu, Tập đoàn yêu cầu các đơn vị trong khối khoáng sản bố trí sản xuất hợp lý theo từng loại sản phẩm, phấn đấu đảm bảo đủ việc làm cho người lao động, cân đối được tài chính…
Để quá trình sản xuất theo thị trường được hiệu quả, Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác quản lý giá thành, phấn đấu tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm để đảm bảo kinh doanh có lãi. Nhờ những nỗ lực từ các đơn vị cũng như sự chỉ đạo quyết liệt của Tập đoàn, về cơ bản các đơn vị trong khối kinh doanh than cũng như khoáng sản đều hoàn thành kế hoạch điều hành Tập đoàn giao và giữ được việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động…
Đặc biệt, đợt mưa lũ lịch sử tại Quảng Ninh cuối quý III đã để lại những hậu quả nặng nề cho ngành Than. Nhằm tập trung khắc phục hậu quả, đồng thời có giải pháp đảm bảo an toàn trong khai thác mỏ trước sự biến đổi khí hậu trong tương lai, đảm bảo sự phát triển bền vững, Đảng ủy Tập đoàn đã triển khai Nghị quyết số 33 “về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả do mưa lũ và các giải pháp lâu dài đảm bảo sự phát triển bền vững của Tập đoàn trong phòng chống thiên tai”. Theo đó, Đảng uỷ Tập đoàn chỉ đạo các cấp ủy đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động tối đa mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả nặng nề do mưa lũ gây ra với phương châm “kiểm soát đến đâu, khôi phục đến đó – khôi phục đến đâu, sản xuất đến đó”, quyết liệt khắc phục để đưa sản xuất trở lại trong thời gian sớm nhất. Tập đoàn và các đơn vị đã thành lập Ban chỉ đạo khắc phục, chủ động xây dựng các biện pháp để khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra; phát động phong trào thi đua lao động trong toàn Tập đoàn và đơn vị, cùng chia sẻ với các đơn vị ở vùng Than Quảng Ninh…
Trong hoạn nạn khó khăn, thợ mỏ đã cùng nhau chia sẻ, tương thân tương ái, không tính toán, thậm chí bất chấp hiểm nguy của các cá nhân, đơn vị để ứng cứu cho mỏ của mình và mỏ của các đơn vị bạn – đó là truyền thống quý báu – truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” đặc biệt của những người thợ mỏ, đã và đang được phát huy cao độ trong những lúc gian nguy nhất.
Chuẩn bị cho tương lai
Năm 2015 là năm diễn ra Đại hội Đảng bộ Tập đoàn, Đại hội Đảng bộ Than Quảng Ninh và Đại hội Thi đua yêu nước TKV giai đoạn 2015-2020. Các đại hội đều rút ra nhiều bài học kinh nghiệm và xây dựng mục tiêu chiến lược của TKV. Trong đó, các mục tiêu đều hướng tới huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh phong trào thi đua trong công nhân viên chức, hướng tới xây dựng Tập đoàn trở thành một Tập đoàn kinh tế mạnh, đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia. Để các mục tiêu đó trở thành hiện thực, song song với quá trình lãnh chỉ đạo các đơn vị vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ sản xuất năm nay, Tập đoàn tiếp tục quan tâm đến các dự án trọng điểm để chuẩn bị cho một tương lai tốt đẹp hơn. Các dự án xây dựng các mỏ mới như Dự án hầm lò Núi Béo, Mạo Khê, Khe Chàm II-IV… đang được đẩy nhanh tiến độ. Các dự án mở rộng sản xuất của hàng loạt các đơn vị cũng được đầu tư để duy trì sản xuất các mỏ. Hàng loạt các công trình hiện đại hoá khai thác và bảo vệ môi trường như tuyến băng tải đá Cao Sơn, tuyến băng tải cấp than cho Nhiệt điện Mông Dương, các tuyến đường chuyên dùng… được xây dựng hiện đại. Ngoài ra, hàng loạt các dự án khác trong các lĩnh vực sản xuất điện, khoáng sản cũng đã được khởi công xây dựng với quy mô lớn.
Các dự án tiêu biểu được khởi công xây dựng trong năm 2015 có thể kể đến như: Dự án đầu tư mở rộng, nâng công suất Nhà máy Luyện đồng Lào Cai, tổng mức vốn đầu tư hơn 3.900 tỷ đồng. Dự án sử dụng công nghệ luyện đồng tiên tiến, đồng bộ, đảm bảo yêu cầu cao về môi trường, nâng công suất luyện đồng từ 10.000 tấn/năm lên 30.000 tấn/năm thông qua việc xây dựng mới một dây chuyền luyện đồng công suất 20.000 tấn đồng kim loại, 84.500 tấn axít, 1.395 kg vàng và 616 kg bạc thỏi/năm. Theo kế hoạch, năm 2017, dự án sẽ hoàn thành, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, góp phần không nhỏ phát triển kinh tế xã hội tỉnh Lào Cai nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 tại xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An có tổng công suất là 2.400MW gồm 4 tổ máy, chia thành 2 giai đoạn, Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 2 (quy mô 2x600MW/nhà máy). Giai đoạn 1 Chính phủ giao cho TKV làm chủ đầu tư với tổng mức vốn đăng ký khoảng 2,2 tỷ USD. Khởi động cuối năm 2015, dự kiến nhà máy sẽ đi vào vận hành năm 2020. Đây là dự án quan trọng trong Chiến lược phát triển lĩnh vực điện của ngành Than – Khoáng sản nói riêng và trong Quy hoạch điện quốc gia nói chung. Sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành, Nhà máy sẽ cung cấp vào lưới điện quốc gia khoảng 6,6 tỷ kWh/năm, góp phần nâng cấp điều kiện hạ tầng phát triển kinh tế để thích ứng với tốc độ tăng trưởng dự báo sẽ đạt mức cao từ nay đến năm 2030 của khu vực Bắc Trung Bộ nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng.
Nhà máy nhiệt điện Na Dương II cũng đã được khởi công xây dựng trên diện tích 7,56 ha thuộc khu vực xưởng sàng hiện có của mỏ than Na Dương, thuộc thôn Toòng Giá, xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Dự án Nhà máy nhiệt điện Na Dương II có tổng công suất 110MW, có tổng mức đầu tư 4.194 tỷ đồng và dự kiến đến năm 2018 sẽ phát điện. Khi tổ máy đi vào vận hành, Nhà máy sẽ sử dụng có hiệu quả nguồn than tại mỏ than Na Dương trong suốt thời gian dài từ 30 đến 40 năm, với mức tiêu thụ vào khoảng 500 nghìn tấn/năm v.v.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tkv-nhung-not-thang-tram-cua-nam-2015-201512311629373732.htm” button=”Theo vinacomin”]