Năm tháng trôi đi, thời hoa đỏ – thời trai mỏ oai hùng cũng qua nhanh và “quê hương là chùm khế ngọt” đã thôi thúc anh em, kể cả nhiều người mới về các đợt sau trở lại quê nhà gắn kết bên nhau. Kinh tế xã hội phát triển, cuộc sống khấm khá dần, các cựu thợ mỏ cũng sống nghĩa tình hơn và thường nhớ về truyền thống…
Ký ức Đoàn 1000
46 năm trước, 1.000 thanh niên trai tráng tuổi từ 17 đến 20 là con cán bộ, gia đình liệt sỹ và có công với cách mạng ở mọi vùng của Miền Bắc XHCN được cử sang Ba Lan học nghề mỏ (sau này gọi là Đoàn 1.000). Với mong muốn những “hạt giống đỏ” này sẽ trở thành một bộ phận nòng cốt trong đội ngũ thợ mỏ của ngành SX than hiện đại khi nước nhà hòa bình thống nhất nên mặc dù đang chiến tranh ác liệt, Nhà nước vẫn ưu tiên cho 1.000 thanh niên xuất ngoại. Tuy xuất thân từ nhiều vùng miền khác nhau và có cả thanh niên Miền Nam đang sống, học tập ở Miền Băc theo diện “tập kết”, nhưng chủ yếu vẫn là thanh niên nông thôn từ Hà Tĩnh trở ra. Và Thái Bình là tỉnh có số lượng đông nhất với 200 người.
Ảnh minh hoạ
Năm 1973, Hiệp định Pari được ký kết. Cách mạng Việt Nam bước sang một giai đoạn mới, cũng là lúc Đoàn 1.000 về nước sau gần 4 năm ăn học nơi đất khách quê người. Trên 90% được điều về Quảng Ninh – Vùng Mỏ – Vùng Than và chủ yếu đến các mỏ hầm lò hoặc các XN xây lắp mỏ (sau này sáp nhập vào các mỏ). Mỏ than Vàng Danh (nay là CTCP) là mỏ trẻ, hiện đại nhất ngành Than khi đó, do Liên Xô (cũ) giúp thiết kế và xây dựng nên được ưu tiên nhận 200 người, số đông là dân Thái Bình.
Đang “ăn trắng mặc trơn” giờ phải sinh hoạt khó khăn thiếu thốn đủ bề, nhất là ở xứ “ruồi vàng, bọ chó” như Vàng Danh, Mông Dương nên không ít người đã bỏ mỏ về quê. Năm 1994, trước khi Bộ Luật Lao động ra đời và có hiệu lực, cũng là tròn 20 năm Đoàn 1.000 về nước làm việc, lại có cơ chế cho nghỉ chế độ theo đặc thù nghề nghiệp. Được tạo điều kiện nên hầu hết thợ lò không có gia đình ở mỏ đều xin nghỉ hưu khi tuổi đời mới ngoài 40. Về quê, vẫn sức dài vai rộng cộng với nhu cầu cuộc sống của gia đình, nhất là việc ăn học của con cái nên đa số anh em vẫn phải tìm thêm công ăn việc làm. Dù làm gì, ở đâu thì chất thợ mỏ vẫn luôn cháy bỏng trong mỗi người. Ấy là tác phong công nghiệp, sáng tạo vượt khó, bản lĩnh và rất nhân văn. Hàng trăm thành viên của Đoàn 1.000 đã phấn đấu trở thành thợ giỏi, kiện tướng ngành Than, CB quản lý lãnh đạo của doanh nghiệp, của ngành và địa phương, CSTĐ các cấp. Đặc biệt có cả CSTĐ toàn quốc và Anh hùng Lao động.
Thời hoa đỏ – Thời trai mỏ oai hùng
Năm tháng trôi đi, thời hoa đỏ – thời trai mỏ oai hùng cũng qua nhanh và “quê hương là chùm khế ngọt” đã thôi thúc anh em, kể cả nhiều người mới về các đợt sau trở lại quê nhà gắn kết bên nhau. Kinh tế xã hội phát triển, cuộc sống khấm khá dần, các cựu thợ mỏ cũng sống nghĩa tình hơn và thường nhớ về truyền thống.
Năm 2005, theo sáng kiến của một số anh em Hội cựu Thợ mỏ, Đoàn 1.000 quê Thái Bình ra đời. Ngay lập tức đã thu hút hơn 30 anh em tham gia. Thấy ý nghĩa thiết thực và có sân chơi để đồng môn, đồng hương gặp nhau, cả chục anh em chúng tôi còn đang công tác ở Quảng Ninh cũng xin góp mặt. Thời gian đầu vẫn lấy ngày lên đường sang Ba Lan học tập để gặp mặt truyền thống. “Hữu xạ tự nhiên hương”, số hội viên tăng dần từ vài chục (quanh thành phố Thái Bình là chính) đã dần tập hợp thêm nhiều anh em ở tất cả các huyện. Cùng với đó nhiều cựu thợ mỏ không thuộc Đoàn 1.000 trở về từ Hà Lầm, Mạo Khê, Mông Dương… cũng hăng hái tham gia. Một số huyện còn thành lập được các chi hội và làm được nhiều việc nhân văn sâu nặng tình người được nhân dân địa phương khen ngợi.
Từ năm 2012, Hội được củng cố về tổ chức và ông Đặng Văn Kham, nguyên Chủ tịch Công đoàn Than Vàng Danh được tín nhiệm làm Hội trưởng. Theo đó, để hoạt động của Hội thêm ý nghĩa sâu sắc và nhắc nhở mọi người cùng nhớ về Truyền thống Thợ mỏ Anh hùng, tôi đã đề nghị hàng năm nhân dịp ngày 12/11 tổ chức gặp mặt Hội cựu Thợ mỏ. Theo nguyện vọng của anh em, mỗi lần gặp mặt tôi đều dành thời gian thông báo tình hình nổi bật của ngành Than và tỉnh Quảng Ninh cũng như hoạt động của Đoàn 1.000 tại Vùng Mỏ. Từ đây nội dung, hình thức sinh hoạt và sức hấp dẫn của Hội đã được nâng cao. Số hội viên đã tăng lên gần 80 người. Các buổi gặp mặt đều có hàng chục bà vợ các cựu thợ mỏ ở quê hương 5 tấn phấn khởi đến dự.
Bên cạnh kết quả hoạt động của Hội sau 1 năm là những câu chuyện tình cảm dâng trào về một thời hoa đỏ – thời trai mỏ… Những chàng trai quê lúa, thợ mỏ Quảng Ninh ngày nào lại say sưa hát những khúc ca Chúng tôi vào lò, Tình ca người thợ mỏ, Đất mỏ quê ta và Hạ Long biển nhớ… Có người còn dũng cảm đơn ca bài Tôi là người thợ mỏ. Khách quan mà nói, tuy số đông hát không hay, thậm chí nhiều người không thuộc lời bài hát, nhưng qua vài lần được chúng tôi từ Quảng Ninh về “dạy”, mọi người đã mạnh dạn và say sưa hát như vào làm mỏ vậy. Giờ đây câu hát: Khi chúng tôi vào lò, thấy ngày mai gần lại. Khi chúng tôi vào lò, càng thêm yêu cuộc sống hoặc… tôi là người thợ lò, sinh ra trên đất mỏ, thợ mỏ vào ca cũng là chiến sỹ… Mỗi khi tan ca, anh cùng em lại ghi thêm một chiến công. Là la lá la… được các cựu thợ mỏ đầu hai thứ tóc nhiệt tình hát như chưa bao giờ được hát.
Mấy năm nay vào dịp ngày 12/11, dân phố Lý Bôn cũng như nhiều người qua lại nhà hàng Đại Lộc trên phố này của thành phố Thái Bình đều phải trầm trồ thán phục tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” của thợ mỏ Quảng Ninh. Anh bạn tôi làm ở Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thái Bình đôi lần đưa tôi đến dự gặp mặt ở đây đã phải thốt lên: “Dân Quảng Ninh các ông đã “đưa mỏ về quê”. Không ngành nghề nào, không người xa xứ nào về quê gặp mặt truyền thống để lại ấn tượng đậm nét như thợ mỏ Quảng Ninh”.
Buổi gặp mặt năm nay “hoành tráng” hơn nhiều vì đã được ý thức trước năm 2015 kỷ niệm tròn 10 năm thành lập Hội. Để chào đón ngày này, anh em đã làm 2 băng zôn treo ở cổng và trong nhà hàng Đại lộc phố Lý Bôn, thành phố Thái Bình cùng với tiếng hát về Hạ Long, Quảng Ninh và người thợ mỏ phát ra qua hệ thống loa đài của nhà hàng đã tạo ấn tượng cho nhiều người qua lại nơi này. Được chuẩn bị trước nên gần 80 hội viên đều có mặt đông đủ, thêm vào đó là hơn 50 bà vợ của các cựu thợ mỏ cũng nô nức về dự. Một nội dung được nhiều người rất quan tâm khi tôi nêu vấn đề năm 2016 là tròn 80 năm ngày Truyền thống Công nhân Vùng Mỏ, Truyền thống ngành Than nên cần có một hoạt động tích cực để chào đón sự kiện này. Thế là các kế hoạch ra thăm lại Vàng Danh, thăm lại Vùng Mỏ đã được nêu lên và nhất trí cao. Nhưng rôm rả và vui nhộn nhất vẫn là chương trình văn nghệ với chủ đề “Chúng ta hát về đất mỏ và quê lúa anh hùng”. Theo đó hàng chục người đã đứng lên hát đối về than và lúa. Những câu hát tràn đầy cảm xúc của thời hoa đỏ – thời trai mỏ… Anh của thời hoa đỏ ngày xưa, sau bài hát rồi anh vẫn thế… – Ông Đặng Mạnh Sức, cựu bí thư Đoàn mỏ Mông Dương cất cao giọng: Anh của thời trai mỏ ngày xưa, không làm mỏ thì anh vẫn thế, dù ở quê nhưng anh vẫn thế… được mọi người vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt.
Nhìn cánh cựu thợ mỏ say sưa hát và nghĩ về câu nói của anh bạn, trong tôi lại dâng trào cảm xúc. Bởi với tôi, dù ở đâu, lúc nào ngọn lửa truyền thống của thời hoa đỏ – thời trai mỏ đã, đang và mãi hùng tráng.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tho-mo-ve-que-van-la-chien-si-201601041411175497.htm” button=”Theo vinacomin”]