Tết đã cận kề trong hương xuân ngập tràn nơi nơi… Tại văn phòng làm việc ở Trụ sở Tập đoàn TKV, vẫn thấy Thành viên HĐTV Tập đoàn Nguyễn Văn Hải bận rộn với những kế hoạch, với những con số. Trong bộn bề công việc đó, ông đã ưu ái dành cho Tạp chí những chia sẻ bên thềm Xuân mới Bính Thân 2016 xung quanh vấn đề tái cơ cấu và quản lý vốn của TKV.
Phóng viên (P.V): Chào ông! Đầu năm mới, xin được hỏi ông về một trong những vấn đề có ý nghĩa quan trọng với TKV đó là công tác quản lý và huy động vốn cho SXKD của Tập đoàn?
Ông Nguyễn Văn Hải:
Thời gian gần đây, dư luận xã hội quan tâm nhiều đến công tác huy động vốn đầu tư cho SXKD, công tác quản lý vốn Nhà nước tại các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty Nhà nước, trong đó có Tập đoàn TKV.
Có thể hiểu thế này, đã là doanh nghiệp kinh tế thì doanh nghiệp nào cũng phải tìm cách tiếp cận các khoản vốn vay hợp lý để đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Ở Tập đoàn CN Than – Khoáng sản cũng vậy, TKV vay vốn từ các tổ chức tín dụng để đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất chính của Tập đoàn, gồm: than, điện, vật liệu nổ công nghiệp và khoáng sản. Các lĩnh vực khác, TKV chủ trương huy động nguồn lực xã hội. Tới đây, có thể một số dự án lớn của Tập đoàn trong lĩnh vực công nghiệp điện, TKV cũng sẽ kêu gọi đầu tư xã hội hoá.
Theo báo cáo hợp nhất của Tập đoàn, 5 năm trở lại đây, Tập đoàn đã có sự tăng trưởng đáng kể về quy mô đồng thời vẫn đảm bảo sự an toàn về tài chính. Hiện hệ số nợ/vốn chủ sở hữu vẫn được kiểm soát ở mức dưới 3 lần, tức là đang nằm trong ngưỡng an toàn.
P.V: Năm 2015 vừa qua là năm cuối Tập đoàn triển khai công tác tái cơ cấu giai đoạn 2012-2015 theo Quyết định số 314 của Thủ tướng Chính phủ? Với vai trò là Trưởng ban chỉ đạo công tác tái cơ cấu của Tập đoàn, ông có thể đánh giá tổng quan kết quả thực hiện?
Ông Nguyễn Văn Hải:
Trước hết phải khẳng định, TKV đã triển khai Quyết định 314/QĐ-TTg theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đạt được kết quả tốt cả về chất lượng và tiến độ thực hiện, được Chính phủ và Bộ Công thương đánh giá cao.
Tái cơ cấu gồm nhiều nội dung như công tác thoái vốn đầu tư ngoài Ngành, trong Ngành (giảm tỷ lệ nắm cổ phần chi phối); công tác đổi mới, sắp xếp cơ chế quản lý, quản trị doanh nghiệp; vấn đề cổ phần hoá… Kết quả cụ thể công tác tái cơ cấu giai đoạn 2012-2015 của TKV như sau:
Đến hết tháng 12/2015, TKV đã hoàn thành cơ bản việc cổ phần hoá 11 doanh nghiệp đạt 100% theo KH đã được Chính phủ và Bộ Công thương phê duyệt. Tổng số tiền thu được từ cổ phần hoá đến hết năm 2015 là 550 tỷ đồng, bổ sung vào vốn điều lệ của Tập đoàn.
Vấn đề thoái vốn, nhất là thoái vốn ngoài Ngành là công việc hết sức khó khăn, phụ thuộc nhiều vào yếu tố thị trường. Vì vậy, ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, TKV đã khẩn trương triển khai với nguyên tắc đảm bảo vốn Nhà nước và có thặng dư. Đến nay, Tập đoàn đã hoàn thành thoái toàn bộ phần vốn tại 7/8 đơn vị, thu về trên 1.771 tỷ đồng. (Tổng số vốn góp ban đầu là hơn 1.500 tỷ đồng). Trong đó, đã thu hồi toàn bộ vốn đầu tư tại các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán.
Công tác đổi mới cơ chế quản lý, quản trị doanh nghiệp cũng đạt hiệu quả.
P.V: Theo ông, đâu là cái được lớn nhất, hay nói cách khác, đâu là kết quả nổi bật nhất từ tái cơ cấu của TKV hiện nay?
Ông Nguyễn Văn Hải:
Mục tiêu của tái cơ cấu, theo tôi, là Nhà nước thu được một phần vốn đã đầu tư vào các doanh nghiệp. Thay thế vào đó là các nguồn lực được huy động từ xã hội.
Với TKV, quá trình tái cơ cấu mang lại 4 cái được lớn nhất. Đầu tiên, như đã nói ở trên, Tập đoàn thu hồi được vốn để bổ sung vào vốn điều lệ. Dự tính, năm 2016, vốn điều lệ của TKV đảm bảo ở mức 35.000 tỷ đồng. Thứ hai, tái cơ cấu buộc các đơn vị phải hoạt động năng động hơn, quyết liệt hơn để đảm bảo hiệu quả kinh tế chung và có lợi nhuận để chi trả cổ tức cho cổ đông. Thứ ba, sau tái cơ cấu, với sự tham gia giám sát quản lý của các nhà đầu tư, hoạt động doanh nghiệp sẽ công khai, minh bạch hơn, xoá bỏ độc quyền, tính cạnh tranh của doanh nghiệp được nâng lên. Và cuối cùng là những cái lợi mang đến cho người lao động. Với quyền được mua cổ phiếu của doanh nghiệp – những người lao động giờ đây vừa là người trực tiếp tham gia sản xuất tạo ra lợi nhuận, vừa được hưởng thành quả xứng đáng cho công sức lao động của mình. Vì thế, họ có động lực và tích cực làm việc hơn.
P.V: Cốt lõi của quá trình tái cơ cấu ở Tập đoàn TKV là hướng đến mục tiêu nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Hải:
Theo tôi, cốt lõi của quá trình tái cơ cấu ở TKV là hướng đến sự minh bạch và hiệu quả. Hiệu quả đối với doanh nghiệp, với người lao động và với xã hội.
Từ kết quả đã đạt được, năm 2016 và các năm tiếp theo, TKV sẽ tiếp tục triển khai công tác tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ, hướng đến mục tiêu TKV – Tập đoàn kinh tế trụ cột của đất nước và là Tập đoàn mạnh trong khu vực.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc ông năm mới dồi dào sức khoẻ và hạnh phúc.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/cot-loi-la-minh-bach-va-hieu-qua-201602011201124217.htm” button=”Theo vinacomin”]