Mùa xuân độc lập đầu tiên của đất nước, ngày 24-3-1946, Bác Hồ kính yêu đã chỉ ra rằng: “Vùng Mỏ của đất nước ta thật đẹp và giầu. Thợ mỏ của chúng ta thật vô cùng dũng cảm”. Song, lịch sử ngành khai thác than Việt Nam bắt đầu từ khi nào thì không phải ai cũng biết.
Bằng tình yêu, bằng trách nhiệm, hành trình đi tìm “nơi cội nguồn linh thiêng” của những trái tim luôn đau đáu, nặng lòng ở TKV để tìm ra đáp án cho câu hỏi “Ai là người đầu tiên khai thác than?” đã diễn ra trong suốt một thời gia
Ai là “ông Tổ” ngành Than?
Vào năm Minh Mệnh thứ 20, ngày mồng 6 tháng 12 năm âm lịch (tức ngày 10-1-1840 năm dương lịch), vua Minh Mạng đã có “Dụ” cho phép Tổng đốc Hải Yên (Quảng Ninh ngày nay) Tôn Thất Bật, chính thức tổ chức khai thác than ở vùng núi An (Yên) Lãng, nay thuộc xã Yên Thọ, huyện Đông Triều.
Đạo sắc này được vua Minh Mạng viết bằng mực đỏ trên một tấm lụa tơ tằm, màu vàng cách điệu. Toàn bộ tấm vải lụa để viết sắc, dài 115 cm, rộng 55 cm. Trên mặt tấm lụa dệt rồng, mây, cùng các ô hoa văn chữ thọ, hoa sen, xung quanh diềm có các dải băng hoa chanh cách điệu… Nội dung đạo sắc như sau:
Tài liệu – bản “Dụ” đặc biệt quan trọng và quý giá đối với ngành Than – Khoáng sản Việt Nam, bởi tính nhân văn của nó, đồng thời cho phép xác nhận mốc ra đời chính thức, mở ra ngành Khai thác than – khoáng sản trên đất nước ta. Ngày 10-1-1840 (tức ngày 6 tháng 12 năm Minh Mệnh thứ 20) được ghi trong bản “Dụ” đã được lấy làm ngày chính thức khai sinh ra ngành Than – Khoáng sản Việt Nam. Người ra bản “Dụ” – vua Minh Mạng, được tôn thờ là người có công khai sáng ngành – Ông Tổ của Ngành. Đạo sắc lịch sử này, sau đó, ngày 8 tháng 8 năm 2007, đã được lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế trao phiên bản cho Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt Nam.
Miếu mỏ linh thiêng
Với một Ngành đặc thù “Sản xuất than như quân đội đánh giặc”, người thợ mỏ vào ca “cũng là chiến sỹ”. Bởi, để làm ra những tấn vàng đen cho tổ quốc, có cả những hy sinh và những yếu tố tâm linh chưa thể giải thích; thì việc tìm thấy di tích gắn với lịch sử của Ngành mang một ý nghĩa lớn. Đó là nơi để lớp lớp thợ mỏ cùng nhau nhắc nhớ về lịch sử, về cội nguồn; là nơi chúng ta thành kính tri ân những đồng đội đã hy sinh vì sự nghiệp sản xuất than… Và, để không ngừng hun đúc và làm sáng ngời thêm truyền truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” đã trở thành thương hiệu của những người Thợ Mỏ…
Đầu năm, nhiều người đến chiêm bái và dâng hương tại di tích Miếu Mỏ
Để có được dòng thông tin cụ thể về ngày, tháng, năm như vừa nêu trên là một hành trình dài nhiều năm đau đáu tìm kiếm của những người nặng lòng với câu hỏi “Ai là người khai thác than đầu tiên ở Việt Nam (có tính tổ chức) khi sử sách chép lại không ghi cụ thể?” ở Tập đoàn TKV. Cùng với đó, là một công cuộc tìm kiếm lại địa điểm khai thác khi xưa. Rất nhiều các cuộc hội thảo khoa học được tổ chức nhằm thu thập thêm những nhân chứng, người thực việc thực… Đến 12-8-2008, bộ hồ sơ di tích lịch sử địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam đã được Hội đồng xét duyệt hồ sơ di tích tỉnh Quảng Ninh thông qua. UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định số 3171/QĐ-UBND ngày 1-10-2008 công nhận xếp hạng. Ngày 10-1-2009, Tập đoàn TKV đã làm lễ long trọng đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố cho Di tích lịch sử địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam tại núi Yên Lãng, xã Yên Thọ, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, do tỉnh Quảng Ninh chứng nhận xếp hạng.
Cũng trong năm 2009, Tập đoàn đã làm lễ động thổ, khởi công xây dựng Thạch trụ yểm sơn, mở đầu cho công việc tôn tạo di tích, nhằm biến Di tích lịch sử địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam thành nơi du lịch về nguồn của TKV. Sau đó, tại khu có di tích Miếu Mỏ đã được san gạt mặt bằng. Đường nối hai khu di tích cũng được mở rộng, đổ bê tông, lắp đặt hệ thống chiếu sáng… Và, đúng ngày kỷ niệm 170 năm bản “Dụ” của vua Minh Mạng ra đời (10/1/1840 – 2010), bia ghi lại bản “Dụ” của vua Minh Mạng đã được khánh thành.
Di tích lịch sử địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam hiện nay là một quần thể di tích, có hai khu, một khu có di tích Miếu Mỏ rộng 40ha và một khu có di tích Đền Bà Chúa Kẽm, rộng 3,5ha. Hai khu cách nhau khoảng hơn 1km. Tập đoàn đã giao cho Công ty Địa chất mỏ – Vinacomin, mà trực tiếp là Xí nghiệp Địa chất Đông Triều, đang đứng chân ngay tại khu vực có di tích, có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn, tôn tạo và tạo điều kiện phát huy giá trị Di tích.
Năm nay, hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Truyền thống Công nhân vùng Mỏ – Truyền thống ngành Than (12/11/1936-12/11/2016), Tập đoàn đã hoạch định và tiếp tục triển khai kế hoạch xây dựng, trùng tu Di tích miếu mỏ linh thiêng trở thành Trung tâm văn hoá và lịch sử của Tập đoàn. Rồi đây, tại khu Di tích miếu mỏ linh thiêng, sẽ có đền thờ, bảo tàng, nhà văn hoá, nơi tổ chức các hội thảo, các diễn đàn về lịch sử ngành Than…
Những phần việc đầu tiên đã được triển khai ngay trong những ngày đầu xuân mới Bính Thân 2016, mang theo đó là những dự cảm, những hy vọng vào những điều tốt đẹp nhất… Bởi vì mùa xuân là mùa sáng tạo của hàng vạn thợ mỏ ngành Than – Khoáng sản Việt Nam.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/noi-coi-nguon-linh-thieng-201602021620350289.htm” button=”Theo vinacomin”]